Khi nghe tin ca sỹ Phi Nhung qua đời, nhiều khán giả đã xúc động và dành cho chị rất nhiều tình cảm. Ngoài sự nghiệp ca hát rất thành công, Phi Nhung còn được biết đến là một người hoạt động từ thiện hết mình.
Trong suốt 20 năm qua, nữ ca sỹ luôn có mặt tại những nơi bà con gặp khó khăn, từ đồng bằng đến vùng cao, vùng sâu vùng xa, để kịp thời hỗ trợ sức người, sức của trong điều kiện cho phép.
Phi Nhung còn được biết đến là mẹ nuôi của 23 trẻ. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng 23 người con nuôi sẽ ra sao sau khi nữ ca sỹ mất đang trở thành vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, quyền nhận nuôi con nuôi là quyền cơ bản của công dân.
Tuy vậy, để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho trẻ em không phải cá nhân nào cũng có quyền nhận nuôi con nuôi.
Điều 14 Luật nuôi con nuôi quy định một số điều kiện về việc người nhận nuôi con nuôi phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có tư cách đạo đức tốt…
Bên cạnh điều kiện để cá nhân được nuôi con nuôi, luật còn quy định trường hợp không được nhận nuôi con nuôi như một hàng rào pháp lý vững chắc để bảo vệ trẻ em.
Theo đó, những cá nhân đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Đang chấp hành hình phạt tù; Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác…sẽ không có quyền nhận nuôi con nuôi.
"Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm phạm, lợi dụng cũng như dễ rơi vào tệ nạn nhất. Do vậy, luật quy định những người có nhân thân xấu nêu trên không được nhận nuôi con nuôi để tránh sau khi được nhận nuôi trẻ em sẽ bị xâm phạm hay được nuôi dưỡng trong môi trường không tốt ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách và tâm hồn của trẻ em" – luật sư Hòe thông tin.
Từ những phân tích trên, luật sư Hòe cho rằng, những người có đủ những điều kiện nêu trên, nếu có nhu cầu có thể làm thủ tục để nhận nuôi các con nuôi của ca sỹ Phi Nhung. Chỉ cần đến cơ quan chức năng làm các thủ tục theo hướng dẫn.
Tuy nhiên, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại.
Nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
Người đồng ý cho làm con nuôi phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.
Ngoài ra, cũng theo vị luật sư, chế định về thừa kế tại Bộ luật Dân sự 2015 Việt Nam, Luật hôn nhân và Gia đình 2014 Việt Nam, người được hưởng thừa kế theo pháp luật bao gồm: bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng hợp pháp, con đẻ, con nuôi của người để lại di sản. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Tuy nhiên, về vấn đề thừa kế cần xác định trong số 23 người con nuôi của ca sỹ Phi Nhung, ai là con nuôi được góc độ tình cảm thuần tuý, ai là con nuôi trên cơ sở được pháp luật công nhận. Nếu không được công nhận bằng văn bản, người con nuôi đó sẽ không được hưởng quyền thừa kế di sản của ca sỹ.
"Pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc phải thực hiện đăng ký nuôi con nuôi, trừ khi người nhận con nuôi có quốc tịch nước ngoài. Chính vì thế trên thực tế nhiều người nhận con nuôi xuất phát từ tình yêu thương mà không nhất thiết phải làm các thủ tục để được cơ quan chức năng công nhận.
Tuy nhiên, sau này liên quan đến việc thừa kế cần phải xác định rõ ràng để tránh xảy ra các vấn đề pháp lý" – vị luật sư nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo luật sư Đặng Văn Cường, theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi đối với trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng, người giám hộ, cha mẹ đẻ, người thân thích có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú tìm gia đình thay thế cho trẻ em.
UBND cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em và thông báo, niêm yết tại trụ sở UBND trong thời hạn 60 ngày để tìm người nhận trẻ em làm con nuôi; nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, UBND cấp xã xem xét, giải quyết.
Hết thời hạn thông báo, niêm yết, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.
Về việc tỷ phú Hoàng Kiều lên tiếng sẽ nhận nuôi các con nuôi của Phi Nhung, luật sư Hòe cho biết, theo quy định tại Điều 14, Điều 29 Luật nuôi con nuôi, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải đáp ứng các điều kiện bao gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt…
Về thẩm quyền quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, theo quy định tại Điều 9 và Điều 37 Luật nuôi con nuôi, UBND cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.
Ngay sau khi có quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài của UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp thông báo cho người nhận con nuôi đến Việt Nam để nhận con nuôi.
Người nhận con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp. Sở Tư pháp đăng ký việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch và tổ chức lễ giao nhận con nuôi tại trụ sở Sở Tư pháp.