Hành vi nhận hối lộ của 2 Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển có mức phạt thế nào?

Đình Việt Thứ bảy, ngày 02/10/2021 11:53 AM (GMT+7)
Luật sư đã có phân tích xung quanh vụ việc 2 Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển bị khởi tố, bắt tạm giam.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, Ban Bí thư kỷ luật 9 tướng lĩnh Cảnh sát biển Việt Nam, trong đó, 2 Trung tướng và 7 Thiếu tướng.

Hai Thiếu tướng bị khai trừ Đảng là Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và Thiếu tướng Lê Văn Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4.

Hành vi nhận hối lộ của 2 Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển có mức phạt thế nào? - Ảnh 1.

Thiếu tướng Lê Văn Minh và Thiếu tướng Lê Xuân Thanh đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Trong ảnh là Thiếu tướng Lê Văn Minh. Ảnh: Cảnh sát biển.

Đối với Thiếu tướng Lê Xuân Thanh - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, đã vi phạm pháp luật trong việc ký các văn bản, hồ sơ để thanh toán chi phí xử lý vụ việc, thuê phương tiện, xăng dầu, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; nhận hối lộ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Đối với Thiếu tướng Lê Văn Minh - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, đã vi phạm pháp luật trong việc ký, phê duyệt các văn bản, hồ sơ xử lý các vụ việc, thuê phương tiện và đề nghị thanh toán, rút tiền từ ngân sách nhà nước; nhận hối lộ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong thông cáo chiều 1/10 của Văn phòng Trung ương Đảng thì Thiếu tướng Lê Xuân Thanh và Thiếu tướng Lê Văn Minh có hành vi nhận hối lộ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Theo luật sư Hòe, nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kì hình thức nào.

Mặt chủ quan của nhận hối lộ là lỗi cố ý trực tiếp với động cơ vụ lợi cá nhân. Tức là, người vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; không có trường hợp nhận hối lộ nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người vi phạm bao giờ cũng mong muốn nhận được của hối lộ.

Hành vi nhận hối lộ sẽ cấu thành tội nhận hối lộ khi của hối lộ có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này. Hậu quả nghiêm trọng là những thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, xã hội hoặc lợi ích chính đáng của công dân.

Theo luật sư Hòe, theo Điều 354 BLHS năm 2015, tội nhận hối lộ có khung hình phạt cơ bản là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Khung tăng nặng thứ nhất là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, áp dụng đối với trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2.

Khung tăng nặng thứ hai là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm, áp dụng với trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 3.

Khung tăng nặng thứ ba là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, áp dụng trong trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết quy định tại khoản 4.

Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến 5 lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, cũng theo luật sư Hòe, Cảnh sát biển là lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam nên việc 2 Thiếu tướng trên vi phạm pháp luật, việc điều tra, truy tố, xét xử sẽ do các cơ quan tố tụng của Quân đội thực hiện.

"Khoản 5 Điều 42 Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định về việc xử lý kỷ luật trong quốc phòng trường hợp người vi phạm pháp luật bị khởi tố, truy tố, xét xử thì chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên ra quyết định người vi phạm không được mang mặc trang phục của Quân đội trong thời gian bị cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử" – vị luật sư thông tin thêm.

Ban Bí thư cũng thi hành kỷ luật bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh Cảnh sát biển; Trung tướng Hoàng Văn Đồng, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chính uỷ Cảnh sát biển; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính uỷ Cảnh sát biển; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, nguyên Phó Tư lệnh Cảnh sát biển; Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển; Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2.

Ban Bí thư cũng thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng uỷ Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015 - 2020 bằng hình thức Cảnh cáo.

Ban Bí thư giao cho Quân uỷ Trung ương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ các tổ chức đảng, cá nhân liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem