Cụ thể, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh nhiều lần đăng đàn chia sẻ về tài chính. Trong đó, ông dành nhiều lời khen cho Finhay sau khi nhấn mạnh vào sự khó khăn về đầu tư của những người vốn ít.
Ông Chánh đánh giá nhiều người không biết làm sao để tiền sinh sôi nảy nở, không biết hiệu quả của lãi suất kép vì số tiền mà họ có nhỏ quá, đầu tư không bõ vào đâu nên đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Trong khi đó, Shark Hưng (CEO Phạm Thanh Hưng ) gây chú ý khi nhận xét về Finhay: "Hãy biến smartphone của mình trở thành công cụ để kiếm tiền, chứ đừng dùng để giải trí".
Finhay do Công ty Cổ phần Finhay Việt Nam thành lập năm 2017 với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Cập nhật đến cuối năm 2020, vốn điều lệ của công ty được nâng lên hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, các nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ 51% vốn và nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 49% phần vốn còn lại.
Doanh nghiệp có trụ sở tại Tầng 6, toà nhà Kim Hoàn, D14, KĐT mới Cầu Giấy, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Finhay đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là Hoạt động tư vấn đầu tư (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật).. Trên website công ty, Finhay tự nhận mình là ứng dụng thông minh hàng đầu Việt Nam cho đầu tư - tích lũy vừa và nhỏ.
Với các sản phẩm tài chính cá nhân đa dạng và đột phá trên nền tảng số, sự minh bạch về tài chính và nền tảng công nghệ mạnh, Finhay khẳng định giúp người dùng tích lũy và đầu tư linh hoạt từ nguồn vốn nhỏ lẻ để tạo dựng tài sản và bảo vệ tương lai.
Cách thức hoạt động của Finhay là người dùng chỉ cần nạp từ 50.000 đồng trở lên thông qua ứng dụng (tạm gọi là app) Finhay. Tài sản của Người dùng sẽ được chuyển tới Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo Hợp đồng quản lý danh mục đầu tư số 01/TVAM-FINHAY.
Finhay giới thiệu đây chỉ là ứng dụng kết nối nhà đầu tư với các kênh tài chính. Các kênh tài chính đầu tư, sinh lời và chuyển lợi nhuận cho khách hàng.
Hiểu nôm na là Finhay nhận tiền từ người dùng rồi chuyển số tiền đó sang bên thứ ba để bên thứ ba đầu tư và trả lại lợi nhuận cho người dùng.
Trao đổi với Dân Việt về trải nghiệm của ứng dụng này, chị N.T.V. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, Finhay là một App cực kì hữu ích cho những người làm văn phòng. Không phải mất thời gian tìm hiểu về tài chính mà chỉ cần bỏ tiền vào Finhay là đã có những chuyên gia đem tiền của mình đi đầu tư rồi.
"Tuy nhiên, Finhay có khuyết điểm là phí bảo trì và phí rút tiền hay chuyển đổi của kênh đầu tư quá cao! Riêng tích lũy thì rút miễn phí và hơi lâu, phù hợp và tương đối tốt khi gửi vào, lãi suất gói 3 tháng hay 12 tháng khá cao! Còn riêng phần đầu tư thì nên cân nhắc, nói chung Finhay nên gửi tích lũy và lâu dài mới sinh lời! An toàn trong thời kì lạm phát", chị V cho hay.
Đây cũng là nhiều nhận xét của những nhà đầu tư khác trên các hội nhóm Facebook liên quan đến ứng dụng này như Cộng đồng Finhay (Official Group) với gần 119k thành viên hay Cộng đồng Finhay - Tiết Kiệm Và Đầu Tư có 33k thành viên.
Theo đó, đối với phí bảo trì, thành viên mới và thành viên đồng (có số dư dưới 5 triệu đồng) áp dụng mức phí 0,09% tháng. Thành viên bạc (có số dư nhiều hơn 5 triệu và dưới 50 triệu) áp dụng mức phí 0.07% / tháng. Thành viên vàng (có số dư nhiều hơn 50 triệu) áp dụng mức phí 0.05% / tháng.
Trong khi đó, đối với sản phẩm đầu tư, phí rút được thu trên mỗi lần rút sẽ là dưới 3 tháng: 1.39%; từ 3 tháng tới dưới 6 tháng: 0.99%; từ 6 tháng tới dưới 12 tháng: 0.79%; từ 12 tháng tới dưới 18 tháng: 0.49%; từ 18 tháng trở lên: Miễn phí. Mức phí trên chưa bao gồm 0.1% thuế thu nhập cá nhân.
Dữ liệu của Dân Việt cho thấy, năm 2020, công ty mẹ Finhay ghi nhận doanh thu 2,9 tỷ đồng, cao gấp 9 lần so với năm 2019. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng neo cao ở mức 2,7 tỷ đồng khiến lãi gộp chỉ đạt 183 triệu đồng, gần như đi ngang so với năm ngoái.
Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu của Finhay, doanh thu từ hoạt động hỗ trợ người dùng nạp/rút tiền trên phần mềm Finhay lên đến 65% (1,9 tỷ đồng) và doanh thu từ hoạt động hỗ trợ người dùng quản lý tài khoản trên phần mềm Finhay là 16% (461 triệu đồng).
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ 390 triệu đồng lên hơn 14 tỷ đồng, chủ yếu là lãi tiền gửi, trái tức (9,5 tỷ đồng) và Lãi bán các khoản đầu tư tài chính (4,7 tỷ đồng).
Doanh nghiệp phát sinh chi phí tài chính 15 tỷ đồng (năm 2019 không ghi nhận), trong đó chi phí trả lãi cho người dùng 11,7 tỷ đồng; chi phí lãi vay 1,9 tỷ đồng..
Chi phí bán hàng 12 tỷ đồng (năm 2019 không ghi nhận). Đặc biệt, Finhay đã đầu tư không ít tiền cho khoản mục maketting khi dành đến 10,7 tỷ đồng cho chi phí tiếp thị, quảng cáo và truyền thông.
Đáng nói, tuy dành 10,7 tỷ đồng cho truyền thông nhưng doanh thu chỉ bằng 27% chi phí này.
Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp của Finhay cũng tăng mạnh từ gần 1 tỷ đồng lên mức 7,7 tỷ đồng. Kết quả, năm 2020 Finhay báo lỗ sau thuế 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 417 tỷ đồng. So với mức lỗ luỹ kế 26,6 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2020, có thể thấy Finhay Việt Nam không chỉ thua lỗ trong năm 2020 và 2019 mà điều này còn diễn ra từ trước đó. Nhắc lại rằng, Finhay Việt Nam chỉ mới thành lập vào năm 2017.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản Finhay có gần 713 tỷ đồng, cao gấp 17 lần so với 1 năm trước đó. Phần chênh lệch này đến từ chứng khoán kinh doanh khi ghi nhận hơn 473 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu có hơn 312 tỷ đồng, đây là danh mục trái phiếu được Finhay uỷ thác quản lý bởi Công Cổ phần Quản lý quỹ Thiên Việt và các khoản đầu tư khác gần 161 tỷ đồng bao gồm Danh mục các chứng chỉ quỹ nắm giữ bởi Finhay theo HĐ hợp tác kinh doanh giữa công ty và người dùng sản phẩm Đầu tư Finhay.
Ngoài ra, danh mục phải thu ngắn hạn khác cũng tăng mạnh từ 322 triệu đồng 123 tỷ đồng. Bao gồm, cầm cố, ký quỹ, ký cược hơn 100 tỷ đồng; Chênh lệch đánh giá tăng của danh mục liên quan đến khoản phải trả của hợp đồng hợp tác kinh doanh gần 15 tỷ đồng.