Dân Việt

210.000 ha lúa, cây ăn trái và mô hình nuôi tôm ở miền Tây đang bị đe dọa bởi xâm nhập mặn

Huỳnh Xây 06/10/2021 06:30 GMT+7
Xâm nhập mặn trong mùa khô 2021-2022 được dự báo sẽ đến sớm, sâu hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng ảnh hưởng đến 210.000 ha lúa, cây ăn trái và mô hình lúa - tôm ở miền Tây.

Trước diễn biến mực nước ở các hồ chứa thượng lưu sông Mê kông thấp, đặc biệt là dung tích hồ Tonle Sap (Campuchia) - yếu tố quyết định đến sự điều tiết nước về ĐBSCL trong mùa khô thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 17-19 tỉ m3, thấp hơn năm 2020 khoảng 1-2,5 tỉ m3 cùng với các yếu tố thời tiết khác, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) dự báo xâm nhập mặn trong mùa khô 2021-2022 sẽ đến sớm, sâu hơn so với trung bình nhiều năm.

Lo xâm nhập mặn ảnh hưởng 210.000 ha lúa, cây ăn trái và mô hình nuôi tôm ở miền Tây - Ảnh 1.

Xâm nhập mặn trong mùa khô 2021-2022 được dự báo sẽ đến sớm, sâu hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng ảnh hưởng đến 210.000 ha lúa, cây ăn trái và mô hình lúa - tôm ở miền Tây. Trong ảnh, khô hạn trong mùa khô năm 2019 ở Tiền Giang. (Ảnh: Huỳnh Xây)

Theo đó, tình trạng xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến trên 210.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL trong thời gian từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022.

 Cụ thể, ở thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng 60.000 ha lúa ở tỉnh ven biển ĐBSCL, trong đó Tiền Giang 11.900 ha, Bến Tre 12.000 ha, Trà Vinh 15.000 ha và Sóc Trăng 20.000 ha.

Đối với vùng cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng gần 43.300 ha. Trong đó, Long An 3.100 ha, Tiền Giang 21.800 ha, Bến Tre 16.000 ha và Sóc Trăng 3.400 ha.

Còn với vùng canh tác lúa- tôm, theo Tổng cục Thủy lợi, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng cho khoảng 107.400 ha. Cụ thể, Kiên Giang 35.800 ha, Cà Mau 39.400 ha, Sóc Trăng 11.300 ha và Bạc Liêu 20.900 ha.

Lo xâm nhập mặn ảnh hưởng 210.000 ha lúa, cây ăn trái và mô hình nuôi tôm ở miền Tây - Ảnh 2.

Xâm nhập mặn năm 2021 có khả năng ảnh hưởng cho khoảng 107.400 ha mô hình tôm lúa-tôm ở ĐBSCL. (Ảnh: Chúc Ly)

Theo Tổng cục Thủy lợi, các địa phương ở ĐBSCL, nhất là vùng ven biển ngay từ bây giờ phải có giải pháp tổng thể về thủy lợi và có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ để né mặn cũng như thực hiện các giải pháp trồng trọt để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Cũng như các mùa khô năm trước, các địa phương cần tích trữ nước tối đa vào các mương liếp, ao và các dụng cụ chứa nước nhằm chủ động nguồn nước tưới khi xảy ra các đợt mặn xâm nhập sâu, nồng độ cao hơn sức chịu mặn của cây ăn trái.

Hiện nay, ngành nông nghiệp các địa phương ĐBSCL, đặc biệt là Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang đã lên kế hoạch để người dân xuống giống đông xuân sớm né hạn mặn và khô hạn, diện tích này khoảng 400.000 ha.

Các tỉnh như Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Long An cũng đã và đang nạo vét hệ thống kênh mương để trữ nước ngọt và có kế hoạch đóng kín dần các cống từ phía biển lên thượng lưu từ tháng 11 tới.

Tại Cà Mau, Bạc Liêu cũng sẽ tăng cường nạo vét kênh, mương sớm trước khi mùa mưa kết thúc để tích trữ, điều tiết nước hợp lý bảo vệ sản xuất, nhất là mô hình lúa-tôm...