Chìa tay với lấy bát súp nóng được hỗ trợ từ đội tình nguyện viên, em Vừ Thị Giống (22 tuổi, dân tộc Mông, quê tỉnh Điện Biên) hớp vội vài miếng để có sữa cho đứa con 2 tháng tuổi bú.
Giống trẻ tuổi, nhưng nhìn khắc khổ.
Cách đây 2 tháng, dịch Covid-19 tại Bình Dương diễn biến căng thẳng, Giống trở dạ bất ngờ. Đến bệnh viện chờ sinh nhưng vì dịch bệnh "người ta làm thủ tục lâu quá" nên lúc chờ gọi tên, Giống đã tự sinh ngoài vỉa hè trước cổng bệnh viện.
"Chồng hoảng hốt chở em và con về trọ, vì lúc đó dịch bệnh không ai giúp được hết", Giống nhớ lại.
Dịch bệnh bủa vây, 2 vợ chồng cùng đứa con vừa lọt lòng nương tựa nhau nơi đất khách. Ôm con trong lòng, vợ chồng Giống chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để còn đi làm, mua sữa, mua thức ăn trong nhà. Nhưng ai ngờ, hôm nay, người ta lại bắt gặp hình ảnh Giống ôm con nhỏ ngồi ăn bát súp chan mưa trên đèo Hải Vân.
Trong màn mưa, Giống kể về những ngày tháng tuổi thơ cơ cực, khó khăn chồng chất. Chuỗi ngày vào miền Nam mưu sinh, kiếm được tiền từ sức lao động khiến em cảm thấy vui vẻ. Tiếc là dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát khiến vợ chồng Giống lâm cảnh khó khăn. Cuối cùng, 2 vợ chồng đành phải tạm rời vùng đất sôi động phía Nam và hy vọng sẽ quay lại mưu sinh để các con sau này đỡ khổ.
"Ở quê, em còn 2 đứa con, nên bế đứa nhỏ về ăn rau cháo sống qua ngày. Vừa sinh xong đi đường kiệt sức, thế nhưng hết dịch vợ chồng tính đưa cả nhà vào miền Nam lại. Ở trong đó mấy đứa nhỏ có thể tự kiếm tiền, có tiền thì tự tìm chỗ đi học chữ…", Giống vừa nói vừa đậy kỹ miệng bát súp nhựa bỏ vào túi treo gọn trên xe để làm thức ăn dọc đường về nhà.
Trong tiếng gọi nhau í ới, tiếng động cơ ồn ào, một bà mẹ bất ngờ khóc thét, người phụ nữ lao thẳng về phía có các tình nguyện viên, cầu cứu. Đứa trẻ trong tay người mẹ đã ngất xỉu trong lớp áo mưa từ bao giờ.
Nhanh chóng bế đứa nhỏ khỏi vòng tay mẹ, một tình nguyện viên cũng là y tá của bệnh viện ôm đứa nhỏ chạy vào một quán nước trên đỉnh đèo. Các y tá, bác sĩ khẩn cấp sơ cứu. Qua kiểm tra, nhóm tình nguyện nhận định cháu bé ngất xỉu do tụt đường huyết vì quá đói và mệt sau chặng đường dài.
Khoảng 10 phút sau, cháu bé đã khóc lớn khi không thấy mẹ đâu, mọi người thở phào nhẹ nhõm.
Người mẹ quê tỉnh Nghệ An khóc kể lại rằng, trên đường đi cháu bé nôn ói, không ăn được gì. Khi đến đỉnh đèo Hải Vân thì hết nôn ói, chị mở chiếc áo mưa ra xem thì con đã lịm.
"Vợ chồng em chạy từ Bình Phước về, trên đường gặp nhiều khó khăn, lúc nãy tưởng đã mất con… May mắn các bác sĩ đã cứu giúp cháu", chị nức nở.
Theo Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn (Công an TP.Đà Nẵng), ước tính trong đêm 5/10 đến sáng 6/10, có đến hơn 2.000 người điều khiển xe máy về quê ngang qua TP.
Đại tá Phan Ngọc Truyền - Trưởng phòng CSGT, Công an TP.Đà Nẵng - cho biết, đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng thực hiện trung chuyển người đi bộ từ các tỉnh phía Nam về quê ngang qua TP.
Theo đó, trong 2 ngày 4 và 5/10, CSGT Công an TP.Đà Nẵng đã tổ chức 38 chuyến xe ô tô đưa 1.130 người từ chốt kiểm soát giáp ranh với tỉnh Quảng Nam ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc và bàn giao về chốt kiểm soát giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đại tá Truyền cho hay, ngoài việc tổ chức trung chuyển bằng ô tô với người đi bộ, lực lượng CSGT cũng tổ chức dẫn đoàn cho người về quê từ phía Nam bằng xe máy để đảm bảo lộ trình của bà con được thuận tiện, an toàn.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng tối 5/10, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - cho hạy, lãnh đạo TP đã thống nhất giao Công an TP chủ trì cùng các sở, ngành, dùng ô tô chở những người đi bộ từ các tỉnh phía Nam về qua TP. Ông Chinh đề nghị Sở Giao thông Vận tải TP tổng hợp kinh phí tổ chức để UBND TP duyệt.
Từ ngày 2/10 đến ngày 5/10, lực lượng Công an TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ 24 đoàn với 7.100 phương tiện và 13.795 người từ các địa phương phía Nam về quê đi qua địa phận Đà Nẵng.