Tiếng mưa rơi xuống tấm tôn cạnh đường lộp bộp, mùi hơi đất sau mưa làm không khí đặc quánh ngày thu đầu tháng 10/2021.
Dáng người nhỏ thó, co ro, Sùng A Xoài (quê tỉnh Nghệ An) bần thần ngồi cạnh vệ đường nhìn dòng xe nối đuôi nhau về bãi tập kết sau chuyến hành trình dài hàng trăm cây số.
Trận mưa lớn giữa đêm khiến A Xoài mất lái, xe máy đâm vào taluy, anh cùng vợ (đang mang thai 6 tháng) ngã xuống đường, trầy xước đầy mình.
Cú ngã khiến cơn buồn ngủ của vợ chồng A Xoài bay mất. Mưa xát vào vết thương, đau buốt. A Xoài nén cơn đau vượt đèo Lò Xo (địa phận tỉnh Quảng Nam) cùng vợ tìm chỗ nghỉ chân.
"Cái tay, cái chân chảy máu rồi", A Xoài nói nhỏ bằng giọng Kinh chưa sõi.
Người vợ ôm bụng nhìn A Xoài lo lắng.
Đã 3 tháng trôi qua, A Xoài phải nằm nhà vì dịch Covid-19, công việc tại Bình Dương cũng tạm dừng. Khi tỉnh này căng sức với cuộc chiến chưa từng có, cuộc chiến không tiếng súng, không hình hài nhưng đáng sợ, còn với vợ chồng A Xoài cũng vật vã với cơm-áo-gạo-tiền. Những mong ngóng, đợi chờ để rồi đến lúc này 2 vợ chồng đành ngậm ngùi khăn gói về quê.
"Nó (dịch Covid-19 - PV) kinh khủng quá. Ai cũng phải ở nhà hết, không đi làm được. Ở thêm là đói, về quê thôi!", A Xoài nói.
Những ngày qua, dòng người kéo nhau rời TP.HCM và các tỉnh miền Nam tăng đột biến, dù các cuộc hồi hương lẻ tẻ đã bắt đầu từ những tháng trước. Từ những người đang dồi dào sức lao động, những cụ già, phụ nữ mang thai đến cả em bé mới 9 ngày tuổi đều hồi hương. Cuộc hồi hương cứ thế diễn ra đầy trắc trở và xót xa.
Dọc đường từ Đà Nẵng ra Huế, PV nhập đoàn cùng nhóm lao động quê Nghệ An. Họ là những người dân tộc thiểu số mới vào Bình Dương làm thuê chưa được bao lâu thì buộc phải trở về quê vì dịch Covid-19.
Anh Sùng A Lỳ (dân tộc Mông, quê tỉnh Nghệ An) chạy xe máy chở theo vợ cùng đứa con chưa tròn 8 tháng tuổi ngồi kẹp giữa. Quần áo, mùng mền và một ít bánh mì được vợ chồng A Lỳ buộc sau xe.
"Họ đi bằng niềm tin, không còn biết sợ", một người phụ nữ phải thốt lên khi bắt gặp chiếc xe máy Sirius rách bươm mà A Lỳ chạy.
Chiếc xe mà A Lỳ phải bán gà, bán lúa ở quê để mua làm phương tiện kiếm cơm những ngày xa quê, nay trở về cũng chỉ còn độc chiếc xe cùng vài con gà.
"Đi đường xa thế có sợ không?", PV hỏi.
"Không sợ, gần về tới nhà rồi. Ở lại thì không có cái ăn, công việc cũng không có. Phải về nhà chớ khổ quá", A Lỳ vừa nói vừa đưa tay bế đứa con nhỏ đang khóc để vợ nghỉ đỡ mệt.
Cùng đi với A Lỳ còn có gia đình người anh ruột và một vài người trong thôn, tất cả đều ở tỉnh Nghệ An.
A Lỳ cho biết, do ở quê làm không đủ ăn nên cách đây 6 tháng cả nhà rủ nhau vào Bình Dương làm thuê. Dịch đến, thấy dòng người lũ lượt chạy về quê nên Lỳ cùng anh em quyết định đưa vợ con lên đường ngay trong đêm.
"Trên đường đi té xe, gặp tai nạn nhiều lắm. Nhưng ai biết phần nấy chớ không dừng lại...", A Lỳ nói.
Do về quê vội vã nên không ai kịp chuẩn bị thức ăn. 10 tiếng từ khi xuất phát, họ bắt đầu đói cồn cào.
"Tụi em có chuẩn bị ít bánh mì và nước uống. Đường về xa, đói bụng mà mắt díp hết lại, nhiều khi tôi đang đi tưởng đâm vào vệ đường rồi, nhưng thôi kệ, tới được chỗ nào hay chỗ ấy. Thật may, tới đây (địa phận Đà Nẵng - PV) các anh, các chị ở đó thương cho bánh mì, sữa tươi, nước uống để đi tiếp", chị Lan, quê tỉnh Quảng Trị chia sẻ.
"Hy vọng các địa phương tạo điều kiện, bố trí xe, tàu để bà con được trở về an toàn"
Trong đoàn người hồi hương, đối với họ, về được đến nhà đã là may mắn, song không phải ai cũng có may mắn như thế. Trưa 4/10, hai mẹ con quê ở tỉnh Thanh Hóa chạy xe về quê, khi đi đến đèo Lò Xo (địa phận tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra va chạm với một xe đi ngược chiều. Hai mẹ con đã mãi chẳng thể về tới quê...
Nói về cảm giác trong những ngày qua, anh Trần Hoàng Vương - tình nguyên viên hỗ trợ người dân hồi hương qua địa phận Đà Nẵng xuýt xoa đầy chua chát.
"Lượng người đổ về những ngày gần đây rất đông, càng đông thì càng thấy thương bà con. Nhiều người thậm chí đi từ các tỉnh phía Nam chạy xe máy để về nhà tận Yên Bái, Sơn La và các tỉnh phía Bắc.
Họ không thiết ăn uống, chạy xe mải miết, tâm lý chỉ muốn về nhà càng sớm càng tốt. Nhiều trường hợp gặp tai nạn và tử vong trên đường về quả thật thương xót. Chúng tôi, những người chứng kiến chỉ hy vọng chính quyền các địa phương tạo điều kiện, bố trí xe, tàu để bà con được trở về an toàn", anh Vương chia sẻ.
5h sáng, tiếng gà gáy phía sau xe A Lỳ vang một góc đường. Sau thời gian nhận thức ăn từ nhóm tình nguyện viên, vợ chồng A Lỳ sửa soạn lại hành trang, dặm thêm cho con ít sữa. Cả nhà lại chuẩn bị xuất phát.
Dưới màn sương sớm, những đoàn xe máy nối nhau dài dọc Quốc lộ 1, triền miên...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.