Dân Việt

Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, một nông dân tỉnh Phú Yên khá giả hẳn lên

Lâm Viên-Sơn Ca 08/10/2021 05:45 GMT+7
Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng mang lại hiệu quả kinh tế nên nhiều nông dân ở thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) đang đẩy mạnh phát triển mô hình này, giúp nâng cao thu nhập, góp phần cung ứng nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Theo Phòng NNPTNT huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên), địa phương có nhiều điều kiện phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó có lươn. Tuy nhiên, lâu nay người dân nuôi lươn chủ yếu trong ao bùn, rất khó để nhân rộng. 

Từ cuối năm 2020, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa hỗ trợ, mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể đã được triển khai trên địa bàn. 

Mô hình được thực hiện tại thị trấn Phú Thứ với 2 hộ tham gia trên diện tích 60m2, 3.600 con lươn giống miền Tây. Người dân tham gia được hỗ trợ 50% giống và 35% thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh…

Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, một nông dân tỉnh Phú Yên khá giả hẳn lên - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Của, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) kiểm tra lươn trước khi thu hoạch. Ảnh: LÂM VIÊN

Sau 8 tháng nuôi, hiện lươn đã đến kỳ thu hoạch. Ông Lê Văn Của ở thị trấn Phú Thứ, cho biết: Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc tốt nên tỉ lệ lươn sống đạt hơn 89%. So với phương thức nuôi truyền thống trong ao bùn thì mô hình nuôi này, lươn có tốc độ tăng trọng nhanh; dễ quan sát quá trình sinh trưởng và phát triển bệnh tình của lươn...".4

Đặc biệt, theo ông Của, nuôi lươn không bùn trong bể xi măng có thể nuôi với mật độ dày hơn so với nuôi lươn truyền thống. 

Hiện lươn đã đạt trọng lượng 3-7 con/kg, giá bán từ 150.000-170.000 đồng/kg. Với giá bán này thì gia đình ômg thu nhập được gần 100 triệu đồng. 

Cũng theo ông Của, từ mô hình nuôi lươn thành công của trung tâm, khá nhiều hộ dân địa phương đang học tập sản xuất theo nên nhu cầu lươn giống rất cao. Chính vì vậy, ông đã cho ương lươn giống và đã ương thành công lứa đầu tiên với 2.500 con giống, bán cho người dân địa phương với giá từ 5.000-10.000 đồng/con (tùy kích cỡ). 

Ông đang ương lứa mới với khoảng 15.000 con. Đồng thời dự định mở rộng quy mô trại ương lươn giống vì nhu cầu mua giống của bà con còn rất cao.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Trị ở thị trấn Phú Thứ, đây là lần đầu tiên ông nuôi lươn, nhưng nhờ được hỗ trợ tích cực từ Trung tâm Khuyến nông Phú Yên nên gia đình nắm được kỹ thuật chăm sóc.

“Để nuôi lươn đạt hiệu quả, ngoài con giống chất lượng, chế độ ăn, chăm sóc rất quan trọng. Mỗi ngày tôi cho lươn ăn 2 lần lúc 8 giờ và 16 giờ với các loại cá tạp, giun, ốc, hến, trùn quế và cám công nghiệp... đã được hấp chín, sau khi ăn 1-2 giờ thì thay nước để khỏi bị ô nhiễm. Định kỳ tôi bổ sung men tiêu hóa, vitamin C hoặc trộn tỏi vào thức ăn với lượng 4-5g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho lươn, 15 ngày xổ giun cho lươn 1 lần”, ông Trị nói.

Đến nay, đàn lươn phát triển tốt, ước tính tổng sản lượng thu hoạch trên 500kg lươn thương phẩm từ 1.200 con lươn giống ban đầu. 

Cũng theo ông Trị, ngoài mô hình này, ông còn nuôi thêm 100kg lươn giống đánh bắt trong tự nhiên để so sánh với mô hình. Tuy nhiên, giống lươn đồng này khi đưa vào bể nuôi tỉ lệ chết khoảng 40%, trong khi đó mô hình chỉ khoảng 10%. Lươn đồng lại chậm lớn và tiêu tốn nhiều thức ăn hơn nên hiệu quả kinh tế không cao. Vụ tới gia đình ông sẽ chuyển hết các hồ này sang nuôi lươn giống miền Tây.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Thứ Võ Văn Dân, từ hiệu quả của mô hình nuôi lươn trong bể xi măng do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ hiện người dân địa phương đang học tập nhân rộng. Đây sẽ là mô hình sản xuất mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Thứ Võ Văn Dân: Từ hiệu quả của mô hình nuôi lươn trong bể xi măng do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ hiện người dân địa phương đang học tập nhân rộng. Đây sẽ là mô hình sản xuất mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương.