Vừa qua một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn đã nhập khẩu đàn lợn cụ kỵ, ông bà về nước để nhân giống. Điều này có ý nghĩa như thế nào với ngành chăn nuôi lợn trong nước, thưa Thứ trưởng?
- Hiện nay trong nước chưa sản xuất được lợn giống cụ kỵ, ông bà, nên vẫn phải nhập khẩu. Tiến bộ di truyền của các nước rất nhanh, việc chúng ta nhập khẩu các tiến bộ đó là cần thiết.
Các tập đoàn như De Heus, Hùng Nhơn hiện đang triển khai các dự án chăn nuôi lợn cụ kỵ, ông bà ở Sơn La, một số tỉnh Tây Nguyên là rất đáng mừng. Việc áp dụng công nghệ cao tại các dự án này vừa giúp phát triển doanh nghiệp, vừa góp phần phát triển sản xuất chăn nuôi nói chung. Đó là tín hiệu tốt, giúp nâng cao năng suất và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, khi chăn nuôi theo chuỗi, các doanh nghiệp chủ động từ thức ăn, con giống, giết mổ, gắn với chế biến thì sẽ nhanh chóng có sản phẩm vươn ra thị trường thế giới.
Việc nhập khẩu lợn cụ kỵ, ông bà có ý nghĩa như thế nào đối với chăn nuôi lợn, thưa Thứ trưởng?
- Chúng ta nhập con lợn cụ kỵ về để sản xuất con ông bà, bố mẹ, từ đó sản xuất lợn giống, nuôi lên lợn thương phẩm. Qua mỗi một thế hệ, cấp giống, sẽ có được ưu thế lai. Đó là xu hướng tất yếu của việc chọn giống.
Ví dụ, từ con cụ kỵ xuống ông bà, ưu thế lai sẽ tăng 5% về sức sinh sản, sinh trưởng; xuống bố mẹ lại tăng 7%; giống thương phẩm tăng 5-7% nữa.
Như vậy, nhập con cụ kỵ, ông bà sẽ giúp chúng ta sử dụng ưu thế lai về tính trạng số lượng, chất lượng. Từ đó giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn.
Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi. Chúng ta cũng đã triển khai chiến lược phát triển ngành chăn nuôi từ hàng chục năm trước. Vì sao năng lực sản xuất đàn heo cụ kỵ, ông bà lại còn hạn chế như vậy?
- Chúng ta có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi lợn. Nhưng các nước trên thế giới còn phát triển, đi trước ta hàng trăm năm. Với các thế mạnh về công nghệ, di truyền, chọn tạo giống, các nước liên tục cho ra những phiên bản mới. Còn chúng ta, hiện đã có chiến lược chăn nuôi. Thủ tướng đã phê duyệt bằng Quyết định 1520/QĐ-TTg về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
Sắp tới đây, sẽ có 1 dự án về chương trình công nghiệp giống ở Việt Nam, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo dự án này, 1 mặt chúng ta tiếp tục sử dụng ưu thế từ nguồn gen nội địa chất lượng cao, 1 mặt tiếp thu nhanh nguồn gen của thế giới.
Với 2 nguồn gen đó, chúng ta sẽ lai tạo ra những dòng giống lợn vừa có năng suất, vừa có chất lượng cao. Đấy chính là lợi thế so sánh của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam.
Sau khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc thực hiện đề án sẽ giúp đẩy mạnh tốc độ sản xuất giống. Quy mô, tỷ trọng sản xuất con giống có năng suất chất lượng cao chiếm đa số trong sản xuất, thì lúc đó năng suất, chất lượng ngành chăn nuôi sẽ được nâng lên.
Đề án này đang được Cục Chăn nuôi triển khai, xây dựng trên quy mô cả nước và trên tất cả các đối lượng: Lợn, trâu bò, gia cầm...
Thời gian qua, dịch Covid-19 cũng như dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại rất lớn đến người chăn nuôi cả nước. Bộ NNPTNT đã có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, giúp bà con sớm phục hồi chăn nuôi?
- Quy mô chăn nuôi của nước ta năm nay tương đối lớn. Hiện đàn lợn đã đạt 27 triệu con, đàn gia cầm 518 triệu con. Chưa kể thuỷ hải sản, đàn trâu, bò, dê, trứng, sữa... Tốc độ phát triển đàn gia cầm hiện đạt hơn 1%, chăn nuôi lợn tăng trưởng 3,8%. Tuy nhiên, do dịch bệnh, 19 tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách, ảnh hưởng lớn đến lưu thông sản phẩm chăn nuôi, đẩy giá thức ăn đầu vào tăng, sức tiêu thụ thì giảm.
Trước tình hình này, Bộ NNPTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị ngày 13/6 về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Trong đó, có hệ thống giải pháp để phục hồi chăn nuôi, tránh thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ước tính đến cuối tháng 9/2021, đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020; đàn trâu giảm 3,7%; đàn bò tăng 1,1%; đàn gia cầm tăng 1%.
Để tháo gỡ vấn đề thức ăn chăn nuôi tăng giá, chúng tôi đã đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu. Thứ 2 là đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi theo chuỗi.
Thứ 3, khi dịch Covid-19 được khống chế, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng lên 20-30%, dịp Tết sẽ tăng thêm khoảng 10%. Chúng ta phải có các giải pháp chủ động về con giống, giá thức ăn, vật tư đầu vào, vaccine... để tổ chức sản xuất lại.
Đặc biệt, cần ưu tiên chủ động con giống, nếu không sẽ xảy ra thiếu hụt thực phẩm.
Hiện nay, giá lợn hơi, giá gà rất rẻ, nhiều nông dân không chống đỡ được, kiệt quệ phải bỏ chuồng. Có ý kiến lo ngại Tết Nhâm Dần sẽ thiếu thịt, thưa Thứ trưởng?
- Để chuẩn bị cho thị trường cuối năm, ngày 13/9 chúng ta đã tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Hôm nay, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022.
Theo đó, chúng ta sẽ củng cố lại lực lượng, chuẩn bị tổ chức sản xuất cho những tháng cuối năm.
Với năng lực sản xuất chăn nuôi của chúng ta như hiện nay, sẽ không lo xảy ra chuyện thiếu thực phẩm dịp Tết.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!