Dân Việt

Nhóm rapper có hành vi xúc phạm, báng bổ Phật giáo: Có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền, cơ quan nào xử phạt?

Quang Trung 08/10/2021 10:52 GMT+7
Theo chuyên gia pháp lý, đối với hành vi xúc phạm tôn giáo, tùy vào tính chất, mức độ, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chiều 7/10, ông Lê Minh Tuấn, Cục phó Cục Nghệ thuật biển diễn Bộ VH-TT-DL, cho biết cục này đã có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ VH-TT-DL xem xét, xử lý vi phạm của những rapper đã phát hành các sản phẩm có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Từ sự việc của nhóm rapper, hành vi xúc phạm, báng bổ Phật giáo sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Nhóm tác giả video nhạc rap mang tên "Thích Ca Mâu Chí" đến sám hối tại chùa Quán Sứ. Ảnh: GHPGVN

Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đề nghị Bộ TT-TT xem xét xử lý với những kênh đã đăng tải sản phẩm vi phạm, trong đó có việc đề nghị gỡ bỏ các nội dung vi phạm.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của mình đối với các vấn đề trong xã hội.

Tuy nhiên việc bày tỏ quan điểm như vậy không được nhằm xúc phạm đến danh dự nhân phẩm, uy tín của người khác, xâm phạm đến các quyền tự do khác của công dân trong đó có quyền tự do tín ngưỡng.

Theo Tiến sĩ Cường, Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định: Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo…

Điều 5 Luật tín ngưỡng tôn giáo cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Cường khẳng định, hành vi xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. 

Theo nghị định này, mức phạt cao nhất với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình “xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo” là 50 triệu đồng, và “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội” là 40 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi có tính chất xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo trên mạng xã hội là hành vi vi phạm quy định về an ninh mạng, cụ thể là vi phạm khoản C, Điều 8 Luật an ninh mạng: "Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc"

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi đưa tin đối với những thông tin bị cấm trên mạng internet còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015. Ai vi phạm điều luật này có thể bị xử phạt 7 năm tù.

Bởi vậy, trong việc này cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ hành vi của người đã chia sẻ, đăng tải những thông tin về tín ngưỡng tôn giáo để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.

Trước đó, cộng đồng mạng xôn xao trước video nhạc rap mang tên "Thích Ca Mâu Chí" được lan truyền trên mạng xã hội. Clip này được thực hiện bởi một số thành viên nhóm R.N.L, đăng tải trên kênh N.H.H.Đ.Đ từ tháng 6. Tuy nhiên, gần đây sự việc mới được công chúng chú ý, tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Đáng lo ngại, ca từ trong ca khúc trên còn đề cập đến Phật giáo với thái độ khiếm nhã cùng những lời lẽ tục tĩu.