Ngành Thuế bứt phá trong chuyển đổi số: Hướng tới xóa bỏ hóa đơn giấy vào giữa năm 2022

PV Thứ sáu, ngày 08/10/2021 09:29 AM (GMT+7)
Tổng cục Thuế đã chính thức triển khai áp dụng hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh thành phố bao gồm: TP.Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định.
Bình luận 0

Ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC (Thông tư 78) hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38 ngày 13/6/2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.

Hóa đơn giấy sẽ không còn hiệu lực vào tháng 7/2022

Cụ thể, theo Thông tư 78 của Bộ Tài chính, từ ngày 01/7/2022 hóa đơn giấy sẽ không còn hiệu lực, thay vào đó là áp dụng hóa đơn điện tử.

Ngoài ra, hóa đơn điện tử cũng được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh kể từ ngày 1/7/2022. Thông tư 78 khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại thông tư này và của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trước ngày 1/7/2022.

Để triển khai Thông tư 78, ngày 21/9, Tổng cục Thuế đã chính thức triển khai áp dụng hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh thành phố bao gồm: TP.Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định.

Ngành Thuế bứt phá trong chuyển đổi số: Hướng tới xóa bỏ hóa đơn giấy vào giữa năm 2022 - Ảnh 1.

Người dân, doanh nghiệp đến cơ quan thuế nộp hồ sơ. Ảnh: P.L

Đối với các trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử. 

Một điểm đáng lưu ý nữa đó là kể từ ngày 1/7/2022, các thông tư, quyết định của Bộ Tài chính liên quan đến hóa đơn được ban hành trước đó sẽ hết hiệu lực thi hành. 

Vì vậy, để triển khai hệ thống quản lý hóa đơn điện tử của cơ quan thuế, Tổng cục Thuế đã và đang đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hệ thống hoá đơn điện tử để sẵn sàng tiếp nhận đề nghị và kết nối với tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định từ ngày 1/7/2022.

Cục thuế in, phát hành biên lai thuế

Tại Điều 9 Thông tư số 78/2021/TT-BTC nêu rõ, Cục thuế in, khởi tạo và phát hành biên lai thuế theo hình thức đặt in, tự in, điện tử để sử dụng thu thuế, phí, lệ phí đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại địa bàn đáp ứng điều kiện sử dụng biên lai và thu nợ đối với hộ khoán, thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân.

Về tiêu chí xác định địa bàn đáp ứng điều kiện sử dụng biên lai thuế, theo hướng dẫn của Thông tư 78, những địa bàn được sử dụng biên lai thuế là địa bàn đáp ứng đồng thời 3 điều kiện: không có điểm thu, chưa thực hiện ủy nhiệm thu thuế và thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn.

Trong quá trình quản lý thuế, phí, lệ phí theo quy định của Luật Quản lý thuế, trường hợp tổ chức có nhu cầu sử dụng các loại chứng từ khác thì tổ chức có văn bản gửi Tổng cục Thuế để được chấp thuận, thực hiện.

Ngành Thuế bứt phá trong chuyển đổi số: Hướng tới xóa bỏ hóa đơn giấy vào giữa năm 2022 - Ảnh 3.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: N.Đ

Đối với tổ chức thu phí, lệ phí sử dụng biên lai điện tử trong trường hợp cần điều chỉnh một số tiêu thức nội dung trên biên lai thì tổ chức có văn bản gửi Tổng cục Thuế để được chấp thuận, thực hiện.

Trước đó, tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định, trong quá trình quản lý thuế, phí, lệ phí theo quy định của Luật Quản lý thuế, trường hợp có yêu cầu các loại chứng từ khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định và hướng dẫn thực hiện.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng quy định, "đối với tổ chức thu phí, lệ phí sử dụng biên lai điện tử trong trường hợp cần điều chỉnh một số tiêu thức nội dung trên biên lai điện tử cho phù hợp với thực tế, tổ chức thu phí, lệ phí có văn bản trao đổi với Tổng cục Thuế xem xét và có hướng dẫn trước khi thực hiện".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem