Theo thông tin bão mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, vào lúc 16 giờ ngày 08/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 16 giờ ngày 09/10, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 16 giờ ngày 10/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, cách Hải Phòng 150km, Nam Định 100km, Thanh Hóa 110km, Nghệ An 130km, Hà Tĩnh 160km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tiếp theo (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển:
Trong chiều tối và đêm nay (08/10), trên vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh. Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-3,5m, biển động; từ ngày mai (09/10) mạnh lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Trong tối nay và ngày mai (09/10), ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.
Ngoài ra, ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền:
Từ chiều ngày 09 đến ngày 10/10, do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh dự báo có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Cảnh báo mưa lớn: Từ ngày 09-12/10, ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xảy ra mưa to đến rất to do ảnh hưởng của bão số 7:
- Từ chiều 09/10 đến ngày 11/10, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm;
- Từ ngày 10-11/10, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm;
- Từ ngày 10-12/10, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm, có nơi trên 350mm.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Chia sẻ tại cuộc họp khẩn diễn ra chiều nay (8/10), ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 16h chiều nay, bão đang trên vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 11.
"Bão có thể mạnh nhất cấp 9 khi ở trên Biển Đông và trên vịnh Bắc Bộ. Khoảng chiều tối đến đêm 9-10 bão đi vào vịnh Bắc Bộ. Dự báo, bão có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ", ông Lâm nhận định.
Theo ông Lâm, từ chiều 9/10, ở vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11, sóng biển cao 2-4m. Tại các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vỹ có khả năng cấp 9, giật cấp 11. Các huyện đảo và các đảo ven bờ thuộc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Trên đất liền, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có khả năng gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 do ảnh hưởng của bão kết hợp không khí lạnh.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai có công văn số 453 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên và Tây Nguyên đề nghị "điều chỉnh các hoạt động ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của bão số 7 (đã di chuyển lên phía Bắc), mưa lớn và nguy cơ lũ lớn, ngập lụt diện rộng không xảy ra trong những ngày tới tại các địa bàn này (từ 9-10 đến 13-10)".
Đồng thời, công văn do Phó Chánh văn phòng Nguyễn Văn Tiến ký, cũng lưu ý các địa phương này tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động rà soát các phương án, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 8 (cơn bão đang sắp vào Biển Đông) và mưa lũ sau bão.
Theo báo cáo tại cuộc họp trực tuyến chiều 8/10 với 9 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Quảng Bình (dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 7), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết, các địa phương này vẫn chưa có kế hoạch cấm biển nhằm tránh bão. Đến chiều 8-10, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.106 tàu với 263.051 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Theo báo cáo, hoạt động ở khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình có 4.470 tàu với 15.046 lao động; neo đậu tại bến là 54.636 tàu. Các địa phương này đã thành lập "tổ phối hợp liên ngành" để hướng dẫn, xử lý công tác neo đậu tại bến và phòng chống dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương trong khu vực được dự báo ảnh hưởng của bão cần khẩn trương rà soát lại các tàu thuyền, đôn đốc đến từng tàu về nơi tránh trú an toàn. Những khu vực huyện đảo cũng cần đảm bảo an toàn cho việc đi lại, neo đậu của tàu thuyền.
Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị các địa phương cần tạo điều kiện để tàu thuyền của địa phương khác vào tránh trú, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
"Do bão số 7 đổ bộ lúc triều cường, mực nước dâng và sóng cao nên các địa phương cần kiểm tra hệ thống đê kè biển, lưu ý đến khu dân cư và khu vực nuôi trồng thủy hải sản trong tầm ảnh hưởng của bão. Đồng thời triển khai sơ tán dân trong những tình huống xác thực, cần thiết, tránh sơ tán với số lượng lớn", Phó Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.