Giai đoạn đầu tiên, khi đi chơi vũ trường, người ta gọi đấy là đi "nhảy đầm". Cảnh quan và cách chơi giống y chang bài hát "Đêm vũ trường" miêu tả: "Đêm vũ trường anh đón em, mình nép vào nhau dưới hoa đèn màu, mình lướt nhẹ theo tiếng ca ngọt ngào, nụ hôn đón chào". Nghe qua đã thấy hết sức nhẹ nhàng, lãng mạn.
Đúng vậy, vũ trường với nhảy đầm thời trước, chủ yếu với dòng nhạc nhẹ, sang như Valse, Boston, Tango... Thỉnh thoảng sẽ có cao trào với những bản nhạc điệu Paso doble, Disco, Chachacha... Đi vào đó phải hết sức thanh lịch, đi nhẹ nói khẽ, cười duyên... học theo lối quý phái châu Âu. Các cậu ấm cô chiêu Sài Gòn xưa rất sành sỏi món này. Nghe đồn vua Bảo Đại và công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy rất khoái và rất giỏi nhảy đầm.
Bẵng đi một thời gian, do đất nước khó khăn, phong trào nhảy đầm cũng lắng xuống. Ai mà cứ quần ống bát, tóc híp pi, cứ đòi nhảy nhót loi choi sẽ bị xã hội đánh giá "đồi bại". Thôi kệ, mỗi thời mỗi cảnh. Những thú vui này chỉ có thể có nếu xã hội phát triển, tư duy cởi mở mà thôi.
Đến hồi giai đoạn những năm 2000, phong trào vũ trường mới trở lại. Và do mở cửa vào thời bung ra, cũng khó tránh chuyện xô bồ. Dân chơi đi nhảy đầm thời này khác hoàn toàn với dân nhảy đầm lịch lãm thời xưa.
Thời những năm 2000, đi chơi vũ trường quan trọng là phải ngầu. Cũng là bài "Đêm vũ trường", nhưng đã được đặt lời "chế" cho phù hợp hơn với tình hình thực tế lúc đó: "Đêm vũ trường anh đón em, bằng chiếc xì-po mới mua đời đầu, bằng chiếc xì-po bánh mâm màu vàng và đôi đốc-tờ". Bởi thời đấy, xe xì-po (Sport) và dép đốc-tờ (Dr. Martens) là dấu chỉ cho dân chơi sành điệu.
Nếu như các cụ xưa chơi vũ trường kiểu thanh cảnh, nhẹ nhàng, uống rượu vang, sâm panh... thì đến thời dân chơi năm 2000, đã khác. Ngoài vẻ hổ báo như vừa tả, rượu phải dùng rượu Tây loại mạnh như Whisky, Remy; nhạc phải có dàn âm thanh công suất lớn để nghe mới "phê". Với môi trường kiểu này, rất dễ phát sinh tệ nạn. Cứ vài ba tháng lại nghe thấy công an bố ráp một vũ trường nào đấy, lòi ra cả đống ông sử dụng thuốc lắc hoặc chơi ma túy.
Anh Nguyễn Ngọc Linh, một người có thú vui đi chơi vũ trường vào thời đấy ngán ngẩm chia sẻ: "Hồi đó, tôi rất thích vào vũ trường uống rượu, nghe nhạc với bạn bè để xả stress. Nhưng cứ vài ba tháng lại bị hốt một lần, hết muốn chơi. Mình đi chơi lành mạnh mà cứ bị mấy ông tệ nạn làm phiền, thôi bỏ luôn cho lành".
Anh Nguyễn Ngọc Linh còn nói thêm: "Bản thân tôi cũng từng bị bạn đi chơi cùng gạ cắn thuốc lắc, nhưng bản thân vẫn tỉnh táo từ chối và sau đó tuyệt giao với ông bạn đó luôn".
Đến hôm nay, vũ trường đã được gọi theo cách gọi mới như bar, club... Mọi chuyện vớ vẩn đều dẹp hết. Có dấu hiệu mua bán sử dụng ma túy đều bị mời ra, ngoan cố là báo công an ngay.
Bảo vệ và phục vụ cùng đội ngũ PG khá đông đảo, đều được luyện kỹ nghiệp vụ, nên họ nhìn phát biết ngay là ông nào đang "phê pha" hoặc "bay lắc". Nên dạo mấy năm gần đây, chỉ toàn thấy bọn lêu lổng thuê khách sạn hoặc phòng karaoke để cắn thuốc, chứ ít có nghe quán bar nào bị công an hốt vì có người chơi ma túy.
Không những dẹp bỏ tệ nạn, mọi thứ đều được cải cách tươi mới hơn trước kia. Nhạc được chơi trong đây, đều do những DJ (người chỉnh nhạc) được đào tạo bài bản đàng hoàng. Bản thân DJ đã là những người biết chơi nhạc cụ, có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt mới làm nổi vị trí đó.
Trong những đêm vui, DJ đóng vai trò tối quan trọng, bởi họ điều khiển cảm xúc của tất cả khách tham dự. Những bản được chơi toàn là những bài nhạc nổi tiếng theo giai điệu EDM hiện đại, cách hòa âm phối khí cực kỳ bắt tai nên rất cuốn người nghe, khiến mọi người hầu như không thể ngồi yên mà phải nhún nhảy theo giai điệu sôi động.
Về bí quyết chơi DJ, anh bạn DJ Won Nguyễn cho rằng: "Nhạc đang dập xập xình, phải bất ngờ chuyển tông bằng một bài sâu lắng nhạc Trịnh "gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay...", đảm bảo cả không gian như trầm xuống, xong lại chen thêm những giai điệu dân ca, nhạc đương đại, Kpop, thậm chí cải lương...
Âm thanh luôn biến đổi, nhưng phải điều chỉnh sao cho nghe mượt tai, không bị sượng. Phải khiến sân chơi như có cả một bữa tiệc âm nhạc vậy. Dân DJ đạt đến đẳng cấp đó, có thể được phong luôn làm "phù thủy âm thanh".
Chưa kể, mỗi quán có đối tượng khách khác nhau, gu nhạc khác nhau nên phải thích nghi sao cho tốt. Đại khái phải chơi sao để "dìu cảm xúc của khách". Không biết dìu khách, do đã có bia rượu, gặp khách âm binh, có khi nguyên chai bia bay vô đầu chứ không đùa.
Mà có hết đâu. Có những quán còn có những vũ công với những điệu múa, dancing hết sức bốc lửa. Mà múa, dancing cũng rất biến ảo, hôm múa theo kiểu hoạt hình Walt Disney, hôm lại hóa trang thành "bốn thầy trò Đường tăng đi thỉnh kinh", có bữa chơi luôn quân phục "hậu duệ Mặt trời" nhìn ngầu lòi cả mắt. Thậm chí có những nơi tổ chức thêm cả những game show mini để tăng thêm phần hấp dẫn cho đêm vui.
Hay như thế, vui như thế, sáng tạo là thế... Sao lại không thử? Cứ vào đấy, bảo đảm quên hết chuyện cơm áo gạo tiền ngoài đời, giống y như câu nói: "Trong cơn say anh là chàng tỷ phú, hết cơn lú anh là chú shipper"... vậy.
Nhưng chơi cũng phải có bí quyết nhé. Đại loại ông nào đô 10 lon, cứ ở ngoài uống trước 5 lon rồi hãy vào. Bởi chơi trong bar, club... phải ngà ngà say rồi thì nghe nhạc mới dễ phấn khích, dễ "high" được, nên tốt nhất cứ ăn uống trước ở ngoài đã. Chưa kể giá dành cho một đêm vui ở đây cũng không hề rẻ, nên vào đấy mà tỉnh hoàn toàn rồi chơi tới bến, có khác nào đốt tiền?
Bởi, người ta bảo Sài Gòn vui nhất Việt Nam. Trong những món chơi vui đáng đồng tiền bát gạo đấy, phải kể đến thú vui bar, club vậy. Tất nhiên văn minh hay tệ nạn, đấy hoàn toàn do mỗi người.