Dân Việt

Hội thảo Quốc tế Bảo tồn chim hoang dã: Bộ Tài nguyên và Môi trường hoan nghênh Báo Điện tử Dân Việt

Lam Anh – Chiên Hoàng 10/10/2021 08:20 GMT+7
Tại Hội thảo Bảo tồn chim Quốc tế diễn ra ngày 9/10/2021, đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoan nghênh Báo điện tử Dân Việt đã có những loạt bài điều tra, phản ánh đóng góp không nhỏ cho công tác bảo tồn, đặc biệt là loạt bài "Đột kích các tổng kho hành quyết chim trời".

Video: Chim trời bị tận diệt như thế nào?

Săn bắt chim ảnh hưởng đến mục tiêu quốc gia và cam kết quốc tế

Việt Nam được xác định là một trong những khu vực trọng yếu nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay của chim di cư với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu. Việt Nam cũng là điểm dừng chân của nhiều loài chim nước di cư trong đường bay tuyến ÚC - Đông Á trải qua 22 quốc gia với hàng chục triệu cá thể, hơn 150 loài chim nước, trong đó có những loài nguy cấp như sếu đầu đỏ, rẽ mỏ thìa.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (BCA) cho biết: "Các loài chim giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chức năng hệ sinh thái trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nên kinh tế và sản xuất lương thực, diệt trừ các loại sâu hại, côn trùng, và giúp thụ phấn cho các loài thực vật, phát tán hạt cây, kết nối các hệ sinh thái trên cạn và đất ngập nước".

Hội thảo Quốc tế Bảo tồn chim hoang dã: Bộ Tài nguyên và Môi trường hoan nghênh Dân Việt - Ảnh 2.

Chim hoang dã bị săn bắt, khâu mắt trước khi giết thịt bán cho thực khách. Ảnh: Dân Việt

Theo bà Nhàn, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước Đa dạng sinh học và nhiều điều ước quốc tế khác nhằm bảo vệ các thành phần của Đa dạng sinh học như Công ước về Đa dạng sinh học, Công ước Cites, Công ước bảo vệ vùng đất ngập nước có tầm quan trọng (Ramsar)…

"Thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia nhiều chương trình, hành lang pháp lý, chính sách bảo vệ các vùng đất ngập nước quan trọng cũng như bảo tồn các loài chim di cư. Khẳng định đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong bảo vệ đa dạng sinh học trong 10 năm tới" - bà Nhàn khẳng định.

Bà Nhàn cũng cho biết, hiện nay tình trạng sinh cảnh sống bị thu hẹp, suy thoái. Các mối đe dọa săn bắt chim di cư trái phép vẫn còn tồn tại, việc làm này không những ảnh hưởng đến mục tiêu quốc gia mà còn ảnh hưởng đến cam kết quốc tế. Chính vì vậy cần huy động thêm nữa các sáng kiến và các bên liên quan.

Hội thảo Quốc tế Bảo tồn chim hoang dã: Bộ Tài nguyên và Môi trường hoan nghênh Dân Việt - Ảnh 3.

Chim di cư bị bắt, nhốt tại một nhà hàng ở thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam để bán cho khách. Ảnh: Lam Anh

Sáng 9/10/2021 đã diễn ra Hội thảo Bảo tồn chim Quốc tế trên trực tuyến được đồng tổ chức bởi Công ty Hoang Dã; Cục Bảo Tồn Thiên Nhiên và Đa Dạng Sinh học; Báo Dân Việt, và được sự hỗ trợ của tổ chức Birdlife quốc tế, chi nhánh châu Á. Với hơn 250 người đăng ký tham gia, trong đó có khoảng 30 đại biểu quốc tế đại điện cho các cơ quan Nhà nước, các nhà khoa học, tổ chức bảo tồn. Các đại biểu đã có những ý kiến, kiến nghị giải pháp bảo vệ và bảo tồn chim hoang dã, di cư trong thời gian tới. Đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoan nghênh Báo điện tử Dân Việt đã có những loạt bài điều tra, phản ánh đóng góp không nhỏ cho công tác bảo tồn, đặc biệt là loạt Phóng sự điều tra "Đột kích các tổng kho hành quyết chim trời".

Kiểm soát các hoạt động buôn bán trực tuyến

Cũng theo đại diện của Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (BCA), hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam

Nội dung Dự thảo chủ yếu tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt, đặc biệt là săn bắt các loài chim di cư, chim hoang dã cũng như phá hủy sinh cảnh của chúng.

Theo đó, nội dung Chỉ thị được đề xuất trước tiên là cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, hướng dẫn quản lý và bảo vệ, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt là các sinh cảnh.

Hội thảo Quốc tế Bảo tồn chim hoang dã: Bộ Tài nguyên và Môi trường hoan nghênh Dân Việt - Ảnh 5.

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh thu giữ những chim mồi và lưới bẫy chim của người dân. Ảnh: Dân Việt

Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư. Phối hợp với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có liên quan để tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư có đường bay xuyên biên giới, bao gồm các vùng chim di cư quan trọng có điểm dừng chân tại Việt Nam

Phối hợp với các tổ chức quốc tế để tăng cường thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát đường bay của chim di cư.

Chỉ thị cũng tập trung và chỉ đạo tăng cường kiểm soát hoạt động săn bắt, bẫy bắt hoặc sử dụng trái phép các loại lưới, bẫy, linh kiện lắp ráp, súng tự chế, súng săn, công cụ săn bắt và các hình thức khai thác khác theo quy định của pháp luật, để kiểm soát các hoạt động săn bắt, tận diệt các loài chim di cư.

Tăng cường kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ chim hoang dã, các hành vi mua bán, vận chuyển và tàng trữ các loài chim hoang dã, di cư.

Cuối cùng, để bảo vệ chim hoang dã, di cư cần kiểm soát các hoạt động buôn bán trực tuyến, giám sát dịch bệnh có thể có nguồn gốc từ các loài chim lây truyền sang người và động vật khác. Đặc biệt là tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến người dân.

Hội thảo Quốc tế Bảo tồn chim hoang dã: Bộ Tài nguyên và Môi trường hoan nghênh Dân Việt - Ảnh 6.

Việc sử dụng súng săn, súng tự chế để săn bắt chim hoang dã sẽ được đang diễn ra ở nhiều nơi ở nước ta. Ảnh: Lam Anh

Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Báo NTNN/Dân Việt đã đăng tải loạt bài điều tra: "Đột kích" các tổng kho hành quyết chim trời", phản ánh tình trạng săn bắt, buôn bán, giết thịt chim trời, chủ yếu là các loài chim hoang dã, chim di cư tại khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, đặc biệt là các tỉnh thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Long An, Tiền Giang...

Sau khi điều tra thực tế, Nhóm phóng viên đã mời Kiểm lâm, Công an các tỉnh liên quan đến nhà hàng, tụ điểm săn bắt, buôn bán để phá bẫy, bắt giữ tang vật, xử phạt người vi phạm và thả chim hoang dã về tự nhiên.

Ngay sau khi bài 1 trong loạt bài đăng tải, Cục Kiểm lâm đã ban hành văn bản chỉ đạo các tỉnh vào cuộc kiểm tra, xử lý. Chủ tịch UBND các tỉnh trong loạt bài phản ánh đã nhanh chóng chỉ đạo các bên liên quan vào cuộc.

Sau khi loạt bài đăng tải đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của chính quyền địa phương, và trung ương. Đặc biệt là các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước.

Nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đóng góp những cách làm hay, chuyên gia đóng góp ý kiến lấp những "lỗ hổng" của chính sách, Công ty tư nhân xin được tự bỏ kinh phí bảo tồn chim…

Đặc biệt, Nhóm phóng viên đã được Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường mời đến chia sẻ những hình ảnh, video đã ghi nhận trong quá trình điều tra để làm cơ sở soạn thảo Chỉ thị trình thủ tướng chính phủ xem xét và ban hành.

Ngày sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo tình hình săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, kèm theo Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam tại văn bản số 696/BTNMT-TCMT ngày 9/2/2021.

Ngày 8/3/2021 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.