Công ty tư nhân xin tự bỏ kinh phí giải cứu chim trời, nhưng chưa nhận được hồi đáp!

Lãng Quân - Văn Hoàng (thực hiện) Thứ sáu, ngày 01/01/2021 12:06 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Hoài Bảo, Giám đốc Công ty Du lịch Hoang Dã (Wildtour) - một doanh nghiệp tư nhân gửi công văn đến Cục Kiểm lâm, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Địa danh sinh học, Cục Cảnh sát môi trường đề nghị được tham gia bảo vệ chim hoang dã.
Bình luận 0
Công ty Du lịch Hoang Dã: Gửi công văn lên 3 Bộ, xin bỏ kinh phí giải cứu chim trời mà chưa được hồi đáp! - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoài Bảo, Giám đốc Công ty Du lịch Hoang Dã (Wildtour) trong một lần đi phá bẫy chim hoang dã

Phản ánh đến Báo NTNN/Dân Việt, ông Nguyễn Hoài Bảo trăn trở: "Tôi rất mừng khi đọc được loạt phóng sự điều tra có ý nghĩa thực tiễn và đưa ra giải pháp cải thiện tình hình của Dân Việt: "Đột kích các Tổng kho hành quyết chim trời"

Ngay sau bài báo đăng Phó Cục trưởng Cục kiểm lâm đã kịp thời ký công văn yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm mà nhà báo đã vạch ra ở 6 tỉnh thành. Sự thật là, người ta đang bẫy chim hoang dã với tốc độ "thảm sát" và tận diệt. 

Video: Đừng để những cánh chim chỉ còn trong ký ức

Họ dùng lưới, bẫy rất nhiều chim trời, trong đó có nhiều loài quý hiếm mà cả thế giới đang dồn sức bảo vệ, thậm chí cả cộng đồng nuôi yến cũng đang đau đầu vì họ bắt mất cả rất nhiều chim yến nuôi... 

Vì lý do đó, Công ty chúng tôi đã chính thức gửi công văn lên Bộ NNPTNT, lên Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và nhiều ban ngành khác, đề nghị vào cuộc xử lý ngăn chặn hoặc cho chúng tôi một "danh phận" để tình nguyện làm công việc đó vì cộng đồng".

Công ty Du lịch Hoang Dã: Gửi công văn lên 3 Bộ, xin bỏ kinh phí giải cứu chim trời mà chưa được hồi đáp! - Ảnh 2.

Choắt chân màng bé (Terek Sandpiper, là một trong những loài chim di cư xa nhất) thường bị dính bẫy khi đi ngang Việt Nam. Ảnh: Bùi Văn Tuấn

Bắt bẫy chim hoang dã là vi phạm luật và có thể xử lý được

Các lưới đó bây giờ lại bán công khai trên các trang mạng trực tuyến, ghi rõ lưới bẫy chim trời, bẫy thú rừng, còn hướng dẫn cách bẫy bắt với chi tiết video cẩn thận. Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định luật pháp. Ông nghĩ, chúng ta phải làm sao?

Ông Nguyễn Hoài Bảo: Tôi nghĩ chúng ta phải vận động hành lang, phân tích, kiến nghị, làm thế nào để từ cơ quan cao nhất là Chính phủ, rồi Bộ NNPTNT, Bộ TNMT ra được lệnh cấm sử dụng phương tiện đó (lưới bẫy chim hoang dã) – cấm như kiểu chúng ta đang cấm sử dụng bình ắc quy để kích điện gây ra tình trạng tận diệt cả từ "ấu trùng" thủy hải sản. Theo tôi, đó mới là giải pháp, mình cần bàn tính trước tiên, tất nhiên còn nhiều giải pháp khác nữa.

Về việc sử dụng không gian internet làm các việc sai trái như đề cập, bây giờ chúng ta có Luật An ninh mạng và nhiều quy định khá đầu đủ, vấn đề cốt lõi là làm sao mà thực thi được các điều trên, áp dụng vào trong thực tế một cách hiệu quả. 

Đơn vị chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân, dù tâm huyết lắm, cũng không biết xử lý thế nào. Mình kiến nghị vòng vòng rồi cũng rơi vào im lặng như không. 

Ông có nghĩ rằng, rất nhiều chim hoang dã là động vật rừng thông thường nên kiểm lâm địa phương cũng khó để xử lý không? Và theo ông, với luật hiện hành của nước ta có xử lý được hay không?

Ông Nguyễn Hoài Bảo: Xử lý được chứ. Vì theo Nghị định 06 và áp dụng Điều 21 của Nghị đinh 35/2019/NĐ-CP việc bẫy bắt, buôn bán, vận chuyển các loài động vật rừng thông thường có số lượng lớn, hoặc tính theo giá trị tiền - kể cả chúng không nằm trong danh mục cấm 1B hay 2B của Nghị định 06 - ta vẫn có thể xử lý được. Thậm chí chế tài xử lý còn rất nghiêm khắc.

Công ty Du lịch Hoang Dã: Gửi công văn lên 3 Bộ, xin bỏ kinh phí giải cứu chim trời mà chưa được hồi đáp! - Ảnh 4.

Các bãi bồi ven biển ở các cửa sông vùng Tây Nam Bộ là sinh cảnh rất quan trọng cho những loài chim di cư về trú đông

Đi gỡ lưới cứu chim hoang dã còn bị thợ săn đuổi đánh!

Như các bài báo đã phản ánh, một số nhà hàng buôn bán chim đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, rồi thả về tự nhiên. Theo ông đâu là giải pháp tốt nhất để xử lý tình trạng bẫy bắt chim hoang dã tràn lan như hiện nay?

Ông Nguyễn Hoài Bảo: Thả về môi trường là biện pháp mang tính tình thế thôi. Bởi, hầu hết động vật hoang dã bị bắt, nhốt, bị thương tích, bị vận chuyển qua nhiều khâu rồi thì đôi khi rất khó xử lý. Vì chúng tiềm ẩn bao nhiêu mầm bệnh khi mà việc nuôi nhốt sẽ khiến mầm bệnh phát tán mạnh hơn, từ đàn nọ sang đàn kia, từ cá thể nọ sang cá thể kia.

Chính vì thế, cái chúng tôi thật sự mong muốn là giải pháp tận gốc, đầu tiên là cấm chuyện người ta đi đánh bắt, giăng lưới bẫy tận diệt chim trời. Phải xử lý người đánh bắt chim hoang dã. 

Có một thực tế đau lòng hiện nay là: người dân địa phương đánh bắt công khai các loài chim hoang dã, trong đó có nhiều chim quý hiếm mà chính quyền sở tại không có ý kiến gì cả. 

Trong khi, chúng tôi, với tư cách cá nhân, với tư cách đơn vị lữ hành tư nhân, không có quyền để xử lý. Khi thấy vô số chim hoang dã bị bắt, chúng tôi đi gỡ lưới; hoặc cho tình nguyện viên đi gỡ. Tuy nhiên, khi ấy thợ săn chim còn đuổi đánh chúng tôi.

Hôm vừa rồi chúng tôi đi cứu chim dính lưới ở tỉnh Bến Tre, thợ săn chim họ còn gây sự với tình nguyện viên. Khi chúng tôi làm việc với địa phương họ không tiếp vì không có giấy tờ pháp lý chứng minh là chúng tôi có quyền… cứu chim hoang dã. 

Sau đó, chúng tôi có gửi công văn cho Bộ TNMT, Bộ NNPTNT, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) để đề nghị hỗ trợ, song chưa nhận được hồi âm. Chúng tôi muốn làm việc vì cộng đồng, vì lương tri của mình, chứ không cần gì khác. Nếu được phép làm việc "bao đồng" và hay bị đuổi đánh như vậy, chúng tôi cũng không cần kinh phí của nhà nước. Dùng kinh phí cá nhân, của doanh nghiệp để tự làm. Tiếc thay, Bộ NNPTNT chưa có phản hồi gì cả.

Công ty Du lịch Hoang Dã: Gửi công văn lên 3 Bộ, xin bỏ kinh phí giải cứu chim trời mà chưa được hồi đáp! - Ảnh 6.

Choi choi lưng hung bị dính lưới tại Bình Đại, Bến Tre

Nếu được hỗ trợ về mặt pháp lý, ông đã có kế hoạch thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Hoài Bảo: Nhờ cơ quan chức năng có công văn hoặc có hình thức giới thiệu nhóm tình nguyện viên của chúng tôi đi bảo vệ chim hoang dã, bảo vệ môi trường cho xã hội. Hoặc cơ quan chức năng sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, cảnh sát môi trường các địa phương vào cuộc. 

Lúc đó, thậm chí, với tất cả sự tình nguyện và tâm huyết, chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ kinh phí, con người, để phối hợp làm công việc vừa là giáo dục, vận động bà con, vừa thu giữ, phá hủy, ngăn chặn hành vi sai trái bắt bẫy chim hoang dã (như nhiều tỉnh thành đã làm!). Bây giờ đang mùa chim di cư, cũng là mùa các loài quý hiếm và hoang dã, tôi nghĩ các việc trên là cần kíp cấp thiết. Sau đó cần các chiến dịch dài hơi hơn.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm - cho biết: "Cục Kiểm lâm hoan nghênh những hành động của cá nhân, tổ chức luôn hết mình trong công tác bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã nói chung và chim hoang dã nói riêng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức, nhóm tình nguyện trong công tác bảo vệ, bảo tồn hiện nay. Để công việc được chuẩn bị tốt, thực hiện thuận lợi, chúng ta cần có kế hoạch để phối hợp với nhau để thực hiện".

Trong khi vận động gỡ lưới vùng A, ở vùng B họ bắt hết loài quý hiếm rồi

Tại sao ông và tình nguyện viên lại bị thôi thúc vào cuộc với cái công việc chưa có tiền lệ và cũng… quá khó khăn này? Điều gì đã thôi thúc ông và các tình nguyện viên?

Ông Nguyễn Hoài Bảo: Nơi chúng tôi vào cuộc và quyết cứu các loài hoang dã kia, mùa này, chủ yếu là chim di cư "hạ cánh". Mùa về, chim rất đông, trong đó có những loài trên toàn thế giới, quá quý hiếm rồi. Trong danh mục, nhiều loài cực kỳ nguy cấp. Theo luật, ai bắt giết chim đó có thể xử tù được. Chúng tôi biết, chúng tôi chụp được những loài đó mắc bẫy hẳn hoi, như: Choắt chân màng, Rẽ cổ hung, Choi choi lưng hung…

Công ty Du lịch Hoang Dã: Gửi công văn lên 3 Bộ, xin bỏ kinh phí giải cứu chim trời mà chưa được hồi đáp! - Ảnh 8.

Rẽ cổ hung (Red-necked Stint, là loài dễ nhầm lẫn với Rẽ mỏ thìa và cũng là loại có trong sách đỏ Thế giới) bị dính lưới tại biển Gò Công

Nhưng, mình có đi kiểm đếm được đâu mà biết họ bắt những con gì. Nghĩ cho cùng, lưới giăng như thiên la địa võng thế kia, họ cứ đi bắt như vậy, vô tình các loài quý hiếm hàng đầu thế giới lọt vào, họ cũng chẳng cố ý bắt chúng. Nên mình phải xử lý khẩn cấp, trước khi tất cả trở nên phức tạp hơn và trở nên quá muộn để làm gì đó.

Năm vừa rồi, chúng tôi tiếp tục cho tình nguyện viên ra khu vực La Gi (tỉnh Bình Thuận) tại vùng diêm dân làm muối, họ giăng bẫy khắp nơi và họ bắt chim hoang dã về nhậu, mỗi lần bắt 20 - 30 con, mình ra vận động họ cũng bỏ lưới không bắt nữa. 

Sau đó mình về Nhơn Lý, ra ngoài Cần Giờ (TP HCM), xuôi xuống Bến Tre vận động, gỡ lưới, bà con nghe thấy chí lý. Họ bỏ nghề bắt chim, thế là tình trạng tàn sát chim trời giảm về cơ bản. Nhưng năm nào cũng đi vận động, nhưng khi mình đang đi vận động thì những con chim quý đó người ta bắt hết rồi. Hoặc mình đơn thương độc mã đi vận động tỉnh A thì ở tỉnh B họ lại quay lại bắt bẫy như cũ, chẳng ai nhắc nhở giám sát xử lý cả. 

Trong đó, chúng tôi kiểm đếm sơ bộ, có ít nhất 6-7 loài chim hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, cả thế giới bảo vệ, mà ở Việt Nam đã ký vào công ước chim di cư.

Công ty Du lịch Hoang Dã: Gửi công văn lên 3 Bộ, xin bỏ kinh phí giải cứu chim trời mà chưa được hồi đáp! - Ảnh 9.

Choắt mỏ công (Curlew), một loài chim di trú có kích thước khá lớn và tập trung theo đàn đông nên dễ bị đe dọa tuyệt chủng do săn bắt. Hiện 2 loài thuộc giống này là Choắt mỏ cong lớn và Choắt mỏ cong hông nâu đều nằm trong danh sách các loài bị đe dọa tuyệt chủng của IUCN. Ảnh: Tăng A Pẩu

Ông có thể nói cụ thể hơn là những loài nào nguy cấp đặc biệt đang bị bắt giết tại khu vực sông Tiền?

Ông Nguyễn Hoài Bảo: Ví dụ Rẽ mỏ thìa, là loài cực kỳ nguy cấp (CR), cả thể giới còn vài chục cá thể và các loài khác như Rẽ lớn ngực đốm (EN), Choắt mỏ cong hông nâu (EN), Choắt lớn mỏ vàng (EN). Toàn những loài đứng thứ nhất, thứ hai trong danh sách các loài nguy cấp nhất theo thứ tự từ trên xuống. Đáng lo lắng hơn, là khu này này có vai trò cực kì quan trọng trong bảo tồn, chúng tôi đã và đang nghiên cứu và vận động thành lập Khu bảo tồn bãi bồi sông Tiền từ Tiền Giang đến Bến Tre. Nó có giá trị còn lớn hơn cả VQG Xuân Thủy ở dưới Nam Định (cũng là khu Ramsar) nữa.

Khu vực này, như cái nhà ga dừng đỗ quan trọng của các đàn chim quý, đẹp, có giá trị bảo tồn lớn trên toàn thế giới. Chúng đỗ xuống và sống ở đây đến hết tháng 3 của năm sau. Tiếc thay, vùng "đất lành chim đậu" này lại đang là tử địa với chim di cư. Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời và đủ quyết liệt, tất cả sẽ sớm trở nên quá muộn.

Chân thành cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem