Dân Việt

Chủ tịch Tập đoàn Dabaco: Giá lên xuống thất thường, lợn, gà sẽ ăn hết "sổ đỏ" của nông dân"

Trần Quang 10/10/2021 07:00 GMT+7
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho rằng: Nếu các ngành chức năng không sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mà vẫn để tình trạng giá lợn, gà lên xuống thất thường thì lợn, gà sẽ ăn hết "sổ đỏ" của nông dân...
Chủ tịch Tập đoàn Dabaco: "Cứ để chăn nuôi kiểu này, lợn, gà  sẽ ăn hết "sổ đỏ" của nông dân" - Ảnh 1.

Công nhân chăm sóc lợn tại trang trại của Dabaco (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Ảnh: Vũ Sinh

Chi phí nuôi một con heo đang ở mức rất cao

Chia sẻ tại hội nghị "Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022" ngày 8/10, ông Nguyễn Như So cho biết, hiện nay trong chăn nuôi heo, CP (Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam) và Dabaco đang tồn nhiều loại heo 33-34 tuần tuổi, phải bán nối tiếp 2 tháng mới tiêu thụ hết được số heo đang tồn đọng.

Trong khi, giá heo hơi ở miền Bắc giảm xuống 36.000 – 37.000 đồng/kg, giảm 40 – 50% so với đầu năm, giá gà cũng vẫn ở mức thấp, việc tiêu thụ rất chậm. Với mức giá này, ngay cả những doanh nghiệp chủ động 60% thức ăn chăn nuôi cho đàn heo cũng lao đao.

Theo ông So, lượng thịt heo Dabaco đưa ra thị trường giảm khoảng 9.000 tấn/tháng gồm cả heo con, nếu không bán được đủ số lượng này thì số heo con đẻ ra không có chỗ nuôi.

Về trứng, mỗi ngày Dabaco cung cấp cho thị trường 700.000 quả trứng, trong đó 100.000 quả trứng chế biến.

Riêng gà giống, Dabaco đang nhân và cung cấp gà giống ra thị trường nhiều nhất cả nước khoảng 60 triệu con gà, chủ yếu là gà màu. Tuy nhiên, công ty chỉ bán được 30-40%.

Cũng theo ông So, hiện nay, tổng đàn lợn ở các địa phương rất lớn. Trước đây, các trang trại, doanh nghiệp xuất chuồng loại lợn 100 - 105kg/con,nhưng đến giờ đàn lợn quá lứa từ 125kg/con, có nơi quá lứa tăng trên 130kg/con ứ đọng rất nhiều. Do đó, Cục Chăn nuôi cân nhắc xem xét về mặt thống kê số lượng lợn xem cuối năm có thực sự thiếu nguồn cung không?", ông So nói.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang mở rộng quy mô, xây thêm trang trại. Đơn cử như Dabaco trong năm 2022 có thể tăng lên 15.000 – 18.000 heo nái, năng suất cao đạt 28 heo con/nái.

Giá cước vận chuyển bằng giá mua ngô do đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, các đơn vị sản xuất thức ăn hầu như không có lợi nhuận dù doanh số bán hàng vẫn tăng mạnh so với năm 2020. 

Như vậy, ở thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá heo giảm sâu, những doanh nghiệp đầu ngành như Dabaco cũng đang khó có thể duy trì tăng trưởng và lợi nhuận.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi và doanh nghiệp, người đứng đầu Tập đoàn Dabaco kiến nghị Bộ NNPTNT phối hợp các bộ ngành, các địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, áp dụng đồng bộ các quy định trong lưu thông, vận chuyển để người dân, doanh nghiệp tiêu thụ hết sản phẩm tồn đọng và phục hồi sản xuất, chăn nuôi.

Đồng thời, Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi để giảm tránh bớt rủi ro cho doanh nghiệp và nông dân.

Về đề xuất xây dựng kho lạnh dự trữ thực phẩm, ông So cho rằng: Luật Chăn nuôi cũng có điều khoản Nhà nước xây dựng kho lạnh dự trữ quốc gia để cân bằng cung – cầu nhưng đến nay không biết Bộ NNPTNT hay Bộ Công Thương phụ trách việc này?

Tiếp thêm là nhà nước cần có chính sách miễn, giảm thuế, giảm thuế VAT. "Vừa qua người dân, doanh nghiệp và Dabaco kêu, phản ánh rất nhiều nhưng đến nay, người dân, các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách này rất khó", ông So khẳng định.

Bên cạnh đó, Dabaco cũng kiến nghị Bộ NNPTNT cần có dự báo chính xác về nguồn cung thực phẩm, thị trường để tránh dư thừa phải giải cứu. Như hiện nay chi phí nuôi một con heo đang ở mức rất cao. Ở các doanh nghiệp như Dabaco chi 1 triệu đồng đến 1,1 triệu đồng sản xuất heo giống; 2,7 triệu đồng cho thức ăn chăn nuôi; 1.400 – 1.700 đồng thuốc thú y; 7.000 đồng chi phí chuồng trại; tỷ lệ chết, hao hụt 5%…

Theo nhận định của lãnh đạo Tập đoàn Dabaco, nếu cứ để tình trạng giá heo tăng cao lại giảm thất thường, chi phí sản xuất, giá thành chăn nuôi tăng cao như trong thời gian vừa qua thì nông dân sẽ tiếp tục lỗ và lỗ mãi nếu không có giải pháp tốt về dự báo.

"Mong Bộ NNPTNT sớm có giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi ổn định, bền vững. Nếu không cứ để tình trạng giá lợn, gà lên xuống thất thường, dư thừa lại giải cứu như vừa qua thì lợn, gà sẽ ăn hết "sổ đỏ" của nông dân thì bà con không biết lấy gì mà thế chấp ngân hàng để vay vốn phục hồi sản xuất tiếp", Chủ tịch Tập đoàn Dabaco nói.

Chủ tịch Tập đoàn Dabaco: "Cứ để chăn nuôi kiểu này, lợn, gà  sẽ ăn hết "sổ đỏ" của nông dân" - Ảnh 3.

Công nhân chăm sóc đàn lợn tại trang trại của Công ty CP Việt Nam. Ảnh: C.P

Tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine cho các công nhân viên trong doanh nghiệp

Đại diện Công ty CP Việt Nam cho biết, hiện tại CP đang có khả năng cung cấp ra thị trường khoảng 18.000 con heo thịt/ngày. Tuy nhiên do khó khăn về đầu ra, cũng như vận chuyển nên công ty chỉ đưa ra được khoảng 15.000 con/ngày, trong đó gồm cả heo hơi và heo đã qua giết mổ và chế biến.

Đối với gà công nghiệp, CP đưa ra thị trường khoảng 1 triệu con/tuần, hơn nửa số lượng này được giết mổ và chế biến đưa vào các kênh phân phối của công ty các siêu thị, nhà hàng. Ngoài ra, mỗi tuần công ty cung cấp ra 350.000 con; vịt khoảng 90.000 con, trứng 1,1 triệu quả/ngày.

Trong thời gian vừa qua, Công ty CP Việt Nam đã xây dựng hàng nghìn điểm phân phối các sản phẩm chăn nuôi đã giết mổ và chế biến như chuỗi cửa hàng Fresh Mart, Pork shop, Fivi Star...

Để thích ứng, duy trì sản xuất và lưu thông các hoạt động và tránh giám đoạn, đứt gẫy chuỗi cung ứng, CP đã và đang phải gồng mình tổ chức các hoạt động trong chế biến tại nhiều nhà máy, trang trại áp dụng "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến".

"Để thực hiện "3 tại chỗ" hiệu quả, CP đã sắp xếp chỗ ăn ở sinh hoạt tiện nghi cho gần 8.000 công nhân viên và gần 1.000 lao động đến từ các nhà thầu như bốc vác, bảo vệ... 

Ngoài ra, công ty còn chia ca, chia tổ, chia chỗ ăn uống, ngủ và có những tổ, nhóm dự phòng bên ngoài sẵn sàng thay đổi nếu có công nhân hoặc trường hợp có F0, F1 thì CP vẫn xử lý kịp thời và hoạt động ổn định trở lại nhanh", đại diện Công ty CP Việt Nam tiết lộ.

Đại diện Công ty CP Việt Nam phản ánh, thời gian gần đây việc sản xuất, lưu thông, vận chuyển tại các vùng đã thuận lợi hơn. 

Tuy nhiên, CP và các doanh nghiệp khác vẫn gặp nhiều khó khăn bởi một số chỉ thị thực hiện kiểm soát Covid-19 của một số địa phương không đồng nhất và khác với chỉ đạo của Chính phủ, khác với quy định của các bộ ngành đưa ra ảnh hưởng đến chuỗi, làm cho một số doanh nghiệp bị giám đoạn hoạt động, tăng chi phí sản xuất, lưu thông...

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, CP kiến nghị Chính phủ, UBND các tỉnh tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine cho các công nhân viên của các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi cung ứng phục vụ nông nghiệp và thực phẩm cho người tiêu dùng, các lái xe vận chuyển hàng.

Công ty CP Việt Nam cũng đề nghị các tỉnh, nhất là các địa phương cấp huyện, xã, thôn cần áp dụng nhất quán các quy định về kiểm soát phòng chống đại dịch từ Trung ương. 

"Doanh nghiệp mong muốn tránh tình trạng "giấy phép con và cần đơn giản hóa các thủ tục để tránh phát sinh thêm chi phí và thời gian", đại điện CP nói.