Anh Hoàng Anh Tuấn hiện đang là Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Phú Lương, có địa chỉ ở xóm Ao Sen, xã Động Đạt, huyện Phú Lương. HTX được thành lập từ tháng 3/2020 với tất cả 7 thành viên.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi chim bồ câu anh Tuấn cho biết: "Trước đây tôi gắn bó với công việc làm khoáng sản gần 20 năm. Nhưng do công việc này cứ nay đây mai đó nên tôi đã quyết định về làm kinh tế tại gia đình để ổn định cuộc sống.
Clip: Anh Hoàng An Tuấn - Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Phú Lương (xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi chim bồ câu.
Do trước đó gia đình đã nuôi chim bồ câu để cải thiện bữa ăn và nhận thấy nuôi loài chim này tương đối dễ mà công chăm sóc lại không mất quá nhiều. Bởi vậy tôi đã quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi".
Năm 2019, anh Tuấn bắt đầu đến với mô hình nuôi chim bồ câu. Bước đầu anh tìm hiểu trên mạng về kỹ thuật chăn nuôi rồi mua 300 đôi chim bồ câu giống từ Lục Nam, Bắc Giang về nuôi, trong đó hoàn toàn là bồ câu Pháp. Sau khoảng nửa năm anh tăng dần số lượng lên 2.000 đôi.
Về kỹ thuật nuôi chim bồ câu cũng giống như một số loại gia cầm khác đó là thường hay gặp một số bệnh như thương hàn, tiêu chảy. Do đó cần theo dõi khi chim có dấu hiệu bị bệnh phải tiến hành cho uống thuốc ngay để chim không bị bệnh nặng mà chết.
Đối với chim bồ câu Pháp, là loài dễ nuôi, ít bệnh tật, trọng lượng bình quân từ 0,5 – 0,6kg/con khi chim đạt trên dưới 30 ngày tuổi trở lên.
Đối với chim bồ câu giống, nên vào chim giống đầu mùa hè, khi thời tiết ổn định thì chim sẽ phát triển tốt hơn. Đồng thời cần chú ý khi vào đàn nên lựa chọn chim đạt 2 tháng tuổi vì đây là độ tuổi thích hợp nhất cho việc sinh trưởng và phát triển. Còn đối với chim thịt sau khi nở 20 ngày là có thể xuất bán.
Để đảm bảo chất lượng chim xuất bán ra thị trường, nên cho chim ăn thức ăn từ ngô xay, hạt mạch và một phần cám công nghiệp.
Về chuồng trại, đối với chim bồ câu chỉ cần thoáng vào mùa hè và ấm vào mùa đông nên chi phí đầu tư không lớn như một số loại vật nuôi khác.
Hiện nay, trại chim của gia đình anh Tuấn được đánh giá là một trong những trại chim bồ câu lớn nhất tỉnh tỉnh Thái Nguyên với 2.500 đôi, trong đó toàn bộ là chim bồ câu Pháp.
Mặc dù nuôi với số lượng lớn nhưng trại của gia đình anh chủ yếu nuôi chim thương phẩm, còn chim giống chủ yếu nuôi để phục vụ cho trang trại của gia đình là chính.
Mỗi tháng gia đình anh Tuấn xuất bán ra thị trường từ 2.500 – 3.000 chim bồ câu thương phẩm. Trước khi xuất bán, chim bồ câu được gia đình anh giết mổ, đóng gói và hút chân không để đưa vào một số siêu thị ở Hà Nội và ở một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng… với giá bán 120.000đ/đôi chim đã thịt.
Anh Tuấn cho biết, so với một số vật nuôi khác thì hiệu quả từ việc nuôi chim bồ câu khá lớn. Nếu nuôi 1.000 đôi chim bồ câu sau khi trừ chi phí vẫn có thể thu lãi từ 15 – 20 triệu đồng/tháng. Bởi chi phí nhân công cho nuôi chim bồ câu không cao và lượng thức ăn tiêu tốn cũng không quá nhiều.
Hiện nay, sản phẩm chim bồ câu thương phẩm của HTX đã có tem truy xuất nguồn gốc, được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nên sản phẩm sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí có thời điểm không có đủ hàng để xuất bán ra thị trường.
Dự kiến trong thời gian tới nếu dịch bệnh được khống chế, anh Tuấn sẽ mở rộng thêm quy mô và số lượng đàn chim lên khoảng 5.000 đôi.