Một trong những điểm nhấn trong các hoạt động của Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ NNPTNT (Tổ công tác 970) là kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản với trên 1.400 đầu mối.
Trên cơ sở các đầu mối đó, Bộ NNPTNT đã xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website: http://htx.cooplink.com.vn; kết nối và tiêu thụ thành công sản lượng bình quân khoảng 300 - 400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày đạt trên 1.000 tấn nông sản.
Tổ công tác 970 cũng xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội.
Khoảng giữa tháng 8/2021, khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội, do khó khăn trong khâu lưu thông, vận chuyển nên nguồn nông sản dồi dào của các tỉnh miền Tây ùn ứ, không thể tiêu thụ, trong khi người dân TP.HCM lại khó mua được thực phẩm do các chợ truyền thống phần lớn đã đóng cửa.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố, đồng thời hỗ trợ người dân ở các địa phương lân cận tiêu thụ nông sản, Tổ công tác 970 đã thí điểm chương trình túi an sinh kết hợp 5 loại nông sản với tổng trọng lượng 10kg/túi (combo 10kg/túi) với 3 gói chính.
Combo bình dân giá 100.000 đồng/túi 10kg gồm các loại rau, củ như khoai lang, khoai môn nhỏ, sắn, khóm, chanh, củ cải trắng, dưa leo,... Combo trung bình giá 150.000 đồng/túi 10kg gồm rau ăn củ, rau ăn lá,... Combo hạng cao hơn giá 200.000 đồng/túi 10kg gồm rau ăn củ, rau ăn lá, gạo và trứng. Ngoài ra, còn có combo kết hợp thịt, trứng, thủy hải sản.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970, đánh giá, với hệ thống các đầu mối cung cấp nông sản vô cùng phong phú, chương trình có khả năng cung cấp cho TP.HCM 80.000 - 100.000 túi lương thực, thực phẩm/ngày (tương đương 800 - 1.000 tấn/ngày).
Nếu có hỗ trợ vận chuyển thì khả năng cung cấp lên đến 120.000 - 150.000 túi lương thực, thực phẩm/ngày.
Từ các đầu mối kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản được Bộ NNPTNT xây dựng ngay trong điều kiện dịch bệnh, ngày 31/8, Bộ NNPTNT chính thức ra mắt Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, với mục tiêu tạo không gian mở cho người bán - người mua nông sản gặp nhau.
Từ khi thành lập đến nay, định kỳ mỗi tuần một lần, Diễn đàn tổ chức các cuộc kết nối giữa nông dân, hợp tác xã sản xuất, cung ứng nông sản với các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ với sự hỗ trợ, đồng hành của ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Có thể kể đến các diễn đàn như: Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, trái cây của Đồng Tháp, Sóc Trăng; Diễn đàn kết nối, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP các tỉnh Tây Nguyên; Diễn đàn kết nối, tiêu thụ nông sản của tỉnh Bình Dương; Diễn đàn kết nối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của các tỉnh phía Nam,...
Tại các diễn đàn này, nhiều biên bản hợp tác đã được ký kết, doanh nghiệp có thêm nhiều thông tin về nông sản, đặc sản của các địa phương, đồng thời "đặt hàng" lại các nhà sản xuất để đảm bảo sản phẩm đúng tiêu chuẩn, được đóng gói đúng quy cách.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản không đơn thuần là giúp doanh nghiệp tìm được nguồn hàng, mà còn giúp các cơ quan Nhà nước thay đổi phương thức quản lý, lãnh đạo điều hành từ địa phương cho đến cả nước.
Trên cơ sở ấy, ngành nông nghiệp sẽ có những việc làm sát ruộng vườn của bà con, sát với đời sống xã hội nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, cùng với việc ra đời Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản hôm nay, chúng ta cần một suy nghĩ, một hành động khác để tạo ra một kết quả khác, khác hẳn với các sàn thương mại điện tử hiện có.
Thông qua diễn đàn, chúng ta sẽ hình thành được một hệ sinh thái nông nghiệp. Mọi thành viên phải quần tụ, để bổ sung sức mạnh lẫn nhau, cùng chung tay về nông sản, nông dân Việt.
“Tôi tin, không có gì chúng ta không làm được, nếu có một sản phẩm đảm bảo từ chất lượng, giới thiệu đến quảng bá hình ảnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, chỉ khi nào chuyển biến triệt để tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nền nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị giá tăng: “Một suy nghĩ nữa cần thay đổi, là khâu phân phối, kết nối cũng tạo ra giá trị, chứ không chỉ nằm ở người sản xuất. Trong bối cảnh đứt gãy hiện nay, nếu không có lưu thông, phân phối, công sức của nông dân cũng khó lòng tạo ra giá trị cao. Nông dân là người làm ra của cải, nhưng chỉ duy trì phát triển nếu có thêm giá trị từ người kinh doanh. Cùng với đó cần tích hợp thêm giá trị vào nông sản Việt, vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Chúng ta cần chuyển từ nông sản hữu hình, đến các giá trị vô hình, như văn hóa, lịch sử, hay những câu chuyện kể về nông sản. Lấy đó làm những động lực mới, tư tưởng mới cho người nông dân”.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op đánh giá cao sáng kiến thành lập diễn đàn. “Sàn Saigon Co.op đang thực hiện nhiều kênh bán hàng khác nhau, phù hợp với xu thế, tình hình dịch bệnh. Ngoài sàn điện tử, còn có gói mua chung, đi chợ hộ. Việc phát triển nông sản tại các địa phương cũng nên theo xu hướng này. Nghĩa là chúng ta phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu online, ngay cả khâu đóng gói”, ông Đức cho biết.
Còn ông Hoàng Văn Duy, Tổng Giám đốc Mekong Sea Food Group cho biết, công ty đã chốt được khoảng 300 tấn thực phẩm. Ông Duy đề nghị đẩy mạnh diễn đàn kết nối và tiêu thụ nông sản, tạo thông tin thông suốt giữa cung-cầu, nhằm giúp những đơn vị có nhu cầu lớn sớm chốt đơn, đồng thời minh bạch đơn giá, tăng tính cạnh tranh và giảm những liên kết nhỏ lẻ với từng HTX, đơn vị sản xuất.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.