Thời Lê sơ (1428-1527), nước nhà thịnh trị, nhân tài nở rộ, kẻ sĩ đua nhau tranh đua bảng vàng nơi cửa Khổng sân Trình. Ngay cả những người xuất thân bần hàn cũng một bước đổi phận nhờ đăng khoa. Đến hạng lính chỉ quen cán giáo, tay gươm, nhưng nhờ thực tài nên có trường hợp được nước nhà tạo điều kiện thi thố bút nghiên.
Riêng thời Lê sơ, qua tìm hiểu ban đầu chúng tôi thấy có ít nhất ba trường hợp văn hay chữ tốt, đương phục vụ trong quân ngũ, gặp được duyên lành mà thay danh đổi phận. Đó là trường hợp của anh lính Điện tiền coi giữ sân điện và dọn cỏ Nguyễn Toàn An đậu Bảng nhãn; là tiến sĩ Bùi Xương Trạch vốn trước là lính cắt cỏ cho tàu ngựa của triều đình. Sau rốt là trường hợp Bảng nhãn Ngô Hoán. Và ở đây, ta nói riêng về Ngô Hoán khi trường hợp của ông có đặc biệt hơn so với hai ông họ Nguyễn, họ Bùi.
Ngô Hoán theo Công dư tiệp ký cho biết vốn gốc quê quán ở “xã Thượng Đáp, huyện Thanh Lâm”. Đất ấy nay thuộc xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Theo bia "Từ vũ bi" tại đình làng thôn Thượng Đáp quê ông, ông có tên huý là Hoán, tự là Hối Phu, được vua gia phong tên thụy là Hòa Trực, sinh ngày 28 tháng 3 năm Canh Thìn (1460), mất ngày 10 tháng 6 (không rõ năm). Trong Hải Dương phong vật chí có chép về những danh nhân đất học Hải Dương, sự nghiệp của ông được chép ngắn gọn là: “đỗ Bảng nhãn khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức (1490), được tuyển vào Đông các làm chức Hiệu thư, có dự Tao Đàn nhị thập bát tú. Làm quan trải bốn triều tới chức Thượng thư bộ Lại”.
Việc dự vào hàng thứ hai của Tam khôi trong kỳ thi năm Canh Tuất (1490) khi mới ở tuổi 31 của ông cũng thực ly kỳ và nhuốm màu cổ tích, được Tam khôi bị lục trích dẫn từ sách Thiên Nam sự tích cho hay. Lúc Ngô Hoán đi thi Hội và thi Đình, khi qua sông (theo Công dư tiệp ký thì đó là sông Uông), thấy dòng sông cạn và hẹp, có thể bắc cầu được, ông bèn vái thần sông rằng: “Nguyền được đỗ cao, xin bắc cầu để đền ơn”. Quả nhiên kỳ thi ấy ông đỗ Bảng nhãn, nhưng lại quên bẵng việc bắc cầu như lời đã hẹn trước đó.
Khi ông phò vua Lê Chiêu Tông, thế lực họ Mạc (hẳn ở đây chỉ Mạc Đăng Dung) sai người đi tìm bắt được hai người con của ông để giết đi. Nhưng sau lại sai người phi ngựa theo truyền tha không giết nữa. Ngặt nỗi người đưa tin phi ngựa tới khúc sông ngày trước Ngô Hoán đã qua thì gặp lúc trời tối không qua được đành chờ đến sáng mai. Bởi vậy mà việc tha chết bị trễ, hai con ông mất mạng. Dân gian cho là ông bị quả báo vì không bắc cầu.
Riêng về đường làm quan của ông, đại lược thì ông là người có tiếng về văn từ, được vua Lê Thánh Tông phong làm Sái phu (nghĩa là phu quét dọn. Ở đây theo nghĩa là sửa chữa, tuyển chọn thơ văn của hội Tao Đàn) trong Tao Đàn, đứng hàng thứ tư trong 28 học sĩ của hội. Những thư từ ông viết có mặt trong Minh lương cẩm tú và tập Quỳnh uyên cửu ca. Ông phò bốn triều vua thời Lê sơ, từng giữ chức Thượng thư bộ Lại, khi chết đi được phong Thượng đẳng phúc thần.
Nếu như đầu thời vua Lê Thái Tông có Nguyễn Tông Trụ khi đi sứ mắc tội tiết lộ việc nước cho người mà bị đày đi châu xa, thì đến thời vua Lê Hiến Tông (1497-1504) lại ghi nhận thêm một trường hợp nữa phạm vào tội giao thiệp với người ngoài. Đó là trường hợp của vị văn thần tài năng xuất chúng được Hải Dương phong vật khúc ngợi khen là:
Quan thường vẹn đạo cương thường,
Kìa từ Thượng Đáp bảng vàng sử xanh.
Ông chính là Bảng nhãn Ngô Hoán. Vụ việc của Ngô Hoán xảy ra năm Canh Thân (1500) đời vua Lê Hiến Tông mà Công dư tiệp ký khi nói đến thì lược qua rằng: “Trong khoảng niên hiệu Cảnh Thống, ông bị tội phải đi sung quân”. Nguồn cơn của việc đang là quan to trong triều, bỗng chốc thành anh lính quèn của Ngô Hoán được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại là: “Biếm Đông các Hiệu thư Ngô Hoán, sung làm quân ở bản phủ vì tội đem việc trong triều nói với người ngoài”.
Ở trường hợp của Ngô Hoán, hẳn là triều đình đã giảm nhẹ trọng tội của ông bởi xét trong Quốc triều hình luật hoặc những sắc lệnh của vua Lê đã có quy định rõ ràng mức tội cho việc giao thiệp với người ngoài, làm lộ việc nước. Ngay thời vua Lê Thánh Tông, Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi năm Canh Thìn (1460) ngài đã “ra sắc lệnh: Từ nay, những việc trong cung cấm không ai được tiết lộ ra ngoài”. Là quan trong triều, ở gần vua, nhưng Ngô Hoán lại “đem việc trong triều nói với người ngoài”, trong khi đó Quốc triều hình luật có Điều 20 Chương Vi chế (Làm trái pháp luật) quy định nghiêm ngặt: “Những người tiết lộ những việc đại sự cần giữ bí mật, thì xử tội chém (đại sự như là việc mưu kín để đánh giặc cùng bắt những kẻ mưu phản…); không phải việc đại sự cần giữ bí mật thì xử phạt 70 trượng, biếm ba tư. Tiết lộ những việc bàn trong điện, đình cần giữ bí mật thì xử tội lưu”.
Luật quy định là thế, lệnh vua cấm là thế, nhưng khi áp dụng vào thực tế xét xử tội trạng, thì luôn có sự gia ân cho kẻ phạm tội. Trường hợp Ngô Hoán là một biểu hiện cho tính nhân đạo đó. Âu cũng là một nét rất rõ trong văn hóa Việt: “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”.
Ngô Hoán vì bị cái tội trên mà phải sung làm lính. Nhưng đến năm sau, tức năm Tân Dậu (1501), khoa thi Hương được triều đình tổ chức, dù trước đây đã là Bảng nhãn dưới triều Hồng Đức nhưng bị tội mà bãi chức làm lính, Ngô Hoán lại tiếp tục đi thi và đỗ tam trường, nhưng không được cho vào tứ trường bởi tội đã phạm trước đó.
Được thi đỗ lần hai nhưng sử sách không cho biết sau đó Ngô Hoán có được làm chức gì trong triều hay không, hoặc giả vẫn phải làm quân bản phủ, dù ông là một trong những trường hợp đặc biệt của khoa cử nước Nam khi đi thi hai lần đều đỗ. Nhưng đến năm Ất Sửu (1505) khi Lê Tuấn lên ngôi hoàng đế, tức vua Lê Uy Mục, Toàn thư cho biết, vị vua mới này tiếc tài ông, nên “khởi phục Ngô Hoán làm Hiến sát sứ Thanh Hoa. Hoán trước đây bị sung quân, sau lại thi đỗ sinh đồ, đến đây được bổ dụng lại”.
Sau này, khi Lê Tương Dực làm vua thì tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509), ông đã lấy Ngô Hoán làm Tán trị thừa tuyên sứ ty thừa tuyên sứ Thanh Hoa. Được ít lâu sau, vua trao chức Thượng thư bộ Lại cho ông nắm giữ. Xét ra đây cũng là trường hợp hiếm được gia ân vì tài.
Đến thời vua Lê Chiêu Tông vì bị Mạc Đăng Dung bức bách, phải xuất bôn ra ngoài, Ngô Hoán theo vua đến châu Lang Chánh (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa hiện nay) rồi sang Ai Lao mưu việc phục hưng nhưng không thành. Lịch triều hiến chương loại chí có cho hay vị Bảng nhãn một thời, anh lính một thuở liền dùng mảnh lụa tự tận để tỏ lòng trung. Khi nhà Lê trung hưng được, ghi nhớ công lao của ông, có lập đền thờ cho vị danh thần tiết nghĩa.