Lý Long Tường giúp Hàn Quốc phá kế "con ngựa thành Troy" ra sao?
Tướng quân người Việt giúp Hàn Quốc phá kế "con ngựa thành Troy" ra sao?
Anh Tú
Thứ bảy, ngày 09/10/2021 21:31 PM (GMT+7)
Trong quá trình chinh phạt về phía Tây, người Nguyên Mông có thể đã tiếp thu được tinh hoa từ điển tích "con ngựa thành Troy" để dựng lại thành âm mưu ám hại hoàng tử Lý Long Tường...
Trong phần trước, chúng tôi có kể câu chuyện Mông Cổ đánh Cao Ly thứ 2 vào năm 1253 dưới thời Đại hãn Mông Kha. Quân Nguyên Mông do Đường Cơ chỉ huy tấn công Hoàng Hải cả đường thủy lẫn đường bộ. Lý Long Tường lãnh đạo quân dân trong vùng chống trả quân Nguyên Mông suốt 5 tháng ròng bằng binh pháp của Đại Việt do ông truyền dạy. Binh pháp của Lý Long Tường quả thật lợi hại nên khiến quân Mông Cổ tốn nhiều thời gian, tiền bạc và máu xương cũng không hạ nổi thành.
Sau người Mông Cổ dùng kế tặng cho Lý Long Tường 5 hòm vàng với đề nghị cầu hòa. Trong bối cảnh đánh nhau giằng co mệt mỏi rồi đối phương muốn cầu hòa thì nhiều người chủ quan sẽ rất dễ mắc mưu vì cho rằng đối phương đã hết bài. 5 hòm vàng mà quân Nguyên Mông tặng cho Lý Long Tường không đơn giản chút nào mà ẩn chứa trong đó cả một mưu kế.
Theo sử liệu Hàn Quốc, người Mông Cổ đã đặt trong đó thích khách nhằm mục đích ám sát Lý Long Tường (có lẽ nghĩ rằng Lý Long Tường thấy hòm vàng sẽ nảy lòng tham rồi đưa về tư dinh chăng?). Một khi Lý Long Tường bị hạ thì quân lính không người cầm đầu sẽ chẳng đánh cũng tự tan. Và cho dù không hạ Lý Long Tường thì các thích khách này cho một mồi lửa vào đại doanh trại làm hiệu cho quân bên ngoài đánh vào thì hậu quả cũng rất khó lường.
Trong thần thoại Hy Lạp, cái kế này đã rất nổi tiếng với điển tích con ngựa thành Troy. Theo điển tích này, quân Hy Lạp kéo sang đánh chiếm thành Troy để cướp lại nàng Helen xinh đẹp bị hoàng tử thành Troy là Paris cướp về (thật ra thì Helen đồng lòng cùng Paris trốn khỏi Athens về Troy). Cuộc chiến này kéo dài suốt 10 năm với sự tham gia của nhiều vị thần. Dù quân Hy Lạp có nhiều chiến thắng quan trọng và hạ được người anh hùng số 1 thành Troy là Hector (anh trai của Paris) nhưng vẫn không hạ được tòa thành kiên cố này. Sau, người Hy Lạp dùng kế đã ra lệnh xây một con ngựa khổng lồ bằng gỗ, bên trong có các khoảng trống, quân Hy Lạp núp vào trong đó. Cả toán quân còn lại vờ nhổ trại, lên tàu rút lui ra khơi, để lại con ngựa khổng lồ. Người dân thành Troy tò mò đã lôi ngựa vào thành. Cả thành liên hoan ăn mừng chiến thắng, và tối đó khi mọi người đã say ngủ vì uống rượu và nhảy nhót suốt ngày, thì các binh lính của Hy Lạp đã phá ngựa, chui ra và mở cửa thành cho quân đội Hy Lạp vào. Thế là quân Hy Lạp đã đánh phá tan tành quân đội thành Troy và đốt cháy thành.
Điển tích con ngựa thành Troy của người Hy Lạp kể trên có nhiêu phần là sự thật thì không quan trọng nhưng nó trở thành bài học rất hay về việc dùng gián điệp. Trong quá trình chinh phạt về phía Tây, người Nguyên Mông có thể đã tiếp thu được tinh hoa từ điển tích này để dựng lại thành âm mưu ám hại hoàng tử Lý Long Tường.
Chẳng dè Lý Long Tường lại sai người đục lỗ phát hiện mưu gian nên tương kế tựu kế đổ nước sôi vào lỗ giết chết thích khách rồi đem trả lại hòm vàng. Việc đó khiến tướng Mông Cổ tức giận nên xua quân trả thù và rơi vào mai phục của quân Lý Long Tường. Trận đó, quân Mông Cổ đại bại.
Sau chiến công này, vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn Tướng Quân. Vua Cao Ly cũng cho lập bia tại đây để ghi công ông, bia chép: "Văn bia chép: Đời An Hiếu vương nước Cao Ly năm Quý Sửu 1253 đại quân Mông Cổ tiến đánh quốc đô, đánh tiếp sang Ủng Tân phía tây gây tình thế nguy cấp. Vì nghĩa khí và chí anh hùng sắn có trong máu người quân tử Lý Long Tường đem quân giao chiến với quân Mông. Năm tháng trường kỳ kháng chiến, quân Mông Cổ thua hàng rút chạy. Nhà vua khen ngợi sai đổi Trấn Sơn Thành thành Hoa Sơn, phong cho Lý Long Tường làm tướng quân Bạch Mã, lại sai dựng Thụ Hàng môn để ghi nhớ công đức Hoàng thúc Lý Long Tường”.. Còn người Hàn Quốc thì nhớ mãi sự khôn ngoan, lòng dũng cảm và chiến công của Lý Long Tường. Thậm chí, họ còn đưa điển tích này lên màn bạc để ca ngợi vị hoàng tử nước Việt.
Năm 1958, trong dịp viếng thăm Việt Nam Cộng hòa, Tổng thống Hàn Quốc khi ấy là Lý Thừa Vãn đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ thì Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của Lý Long Tường. Báo chí Sài Gòn trước năm 1975 đã đưa tin tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Lý Thừa Vãn đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc thừa nhận cựu tổng thống Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của hoàng tử Lý Long Tường. Chuyện này vẫn gây tranh cãi nhưng cứ ghi tạm ra đây để cho thấy ảnh hưởng lớn của hậu duệ hoàng tử Lý Long Tường.
Sau này còn có một người khá nổi tiếng là hậu duệ của hoàng tử Lý Long Tường về Việt Nam nhận dòng họ. Đó là ông Lý Xương Căn, Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc. Ông từng kể về dòng họ Lý trên đất Hàn được báo TTVH đăng hồi đầu năm nay như sau: "Trải qua 800 năm, con cháu họ Lý ở Hàn Quốc hiện có tới khoảng 2.000 người, các hậu duệ họ Lý đã có nhiều người tìm về cố hương. Tôi là con trưởng, là hậu duệ đời thứ 31 của dòng họ, tôi phải có trách nhiệm tìm về nguồn cội, tìm lại quê cha đất tổ, về cúng tổ tiên như nỗi mong đợi nhiều thế kỷ của dòng họ. Gia phả các dòng, các đời trong dòng họ Lý Long Tường được ghi lại rất tỉ mỉ, công phu, cẩn thận và luôn nhắc tới tâm nguyện được trở về thăm quê của ông tổ. Tôi không thể nào quên được cảm giác xúc động, tự hào khi có mặt ở Đền Đô, Bắc Ninh đúng vào ngày trọng lễ hằng năm”.
Được viết thành tiểu thuyết ở Hàn Quốc từ nửa thế kỷ trước
Có thể nói Lý Long Tường có một cuộc đời nhiều bi kịch nhưng vẻ vang lẫm liệt, người đã trở thành anh hùng cả khi ở xứ lạ. Đó là một cuộc đời sóng gió và oanh liệt của một vị hoàng tử nước Việt.
Dù có thể có tình tiết chưa được thẩm định, nhưng cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường của Khương Vũ Hạc xuất bản ở Hàn Quốc cách nay hơn bốn mươi năm đã cho thấy vị hoàng tử Đại Việt ấy thật là một đấng anh hào, một người tài hoa, hào hoa nhất bậc. Người rất được mọị người quý mến nể trọng bởi nhân cách, bởi tâm hồn trí tuệ trác việt.
Cũng theo cuốn sách trên, Lý Long Tường còn là một người đàn ông đào hoa. Hình ảnh ông bao giờ cũng rất đẹp đẽ trong mắt những giai nhân quốc sắc, dù ở Đại Việt hay khi đã sang Cao Ly… Hai mối tình với tiểu thư mạt vận Ngô Anh Cơ và cô tiểu thư đài các đất Cao Ly Trịnh Anh Cơ đã cho thấy cuộc đời vị Hoàng tử ấy thật đẹp và thật bi hùng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.