Giá gà công nghiệp hôm nay: Gà miền Nam tăng giá
Chia sẻ thông tin giá gia cầm hôm nay với PV Dân Việt, một số chủ trang trại chăn nuôi gà trắng ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước... cho biết, giá gà công nghiệp hôm nay đã tăng lên đạt trên 20.000 đồng/kg.
Giá gà lông trắng bán tại trại ở các vùng phía Nam cao nhất đạt 23.000 đồng/kg.
Theo nhiều chủ trang trại, khi TP HCM nới lỏng giãn cách, giá gà lông đã tăng dần, hiện ở mức 21.000 - 23.000 đồng/kg, trong khi kỷ lục giá đáy ghi nhận chỉ 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, so với giá thành 29.000 - 30.000 đồng/kg thì người chăn nuôi vẫn còn lỗ.
Hiện nay gà quá lứa vẫn còn nhiều, người chăn nuôi tiếp tục xả chuồng, đến khi nào lượng hàng này hết thì giá cả mới khôi phục. Do kênh tiêu thụ chính của gà công nghiệp là suất ăn công nghiệp và các tiệm gà rán..., trong khi các điểm này vẫn đang mở cửa dè dặt nên tương lai ngành chăn nuôi này vẫn còn khó khăn.
Tại các vùng miền Bắc, giá gà lông trắng bán tại trại ở các vùng Thái Nguyên, Bắc Giang... có xu hướng giảm nhẹ.
Giá gà trắng loại trên 3,5kg/con bán buôn tại trại gia công tại các tỉnh phía Bắc cao nhất đạt 23.000 đồng/kg.
Giá gà công nghiệp bán tại các trại tư nhân ở các vùnng Bắc Ninh, Bắc Giang... từ 24.000 đồng đến 25.000 đồng/kg.
Giá vịt thịt hôm nay: Chững giá, tiêu thụ chậm
Giá vịt thịt hôm nay bán buôn tại trại ở các vùng phía Nam dao động trên dưới 43.000 đồng/kg.
Giá vịt bầu cánh trắng bán tại trại ở Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ... cao nhất đạt 45.000 đồng/kg.
Giá vịt bơ grimaud mã đẹp ở các tỉnh phía Bắc được giá 42.000 đồng đến 43.000 đồng/kg.
Ông Phạm Trọng Nam, thương lái thu mua vịt ở Hà Nội cho biết, hiện nay nhu cầu mua vịt thịt tại các tỉnh, thành vẫn khá yếu khiến cho việc tiêu thụ mặt hàng này của các lái cũng khó khăn và chậm hơn trước.
Giá gà thả vườn hôm nay: Không có biến động
Giá gà ta thả vườn loại 1 giao dịch ở các vùng miền Bắc dao động trên dưới 80.000 đồng/kg.
Giá gà ta lò thả vườn ở các vùng Bắc Giang, Thái Nguyên... cao nhất đạt trên 60.000 đồng/kg.
Giá gà mía lai, lai chọi bán ra tại chợ đầu mối ở Tân Yên (Bắc Giang) phổ biến từ 58.000 đồng đến 63.000 đồng/kg.
Bí quyết chăm sóc gà lớn nhanh trong mùa lạnh
Phản ánh với chúng tôi, nhiều chủ trang trại cho biết, hiện nay việc tiêu thụ gà thả vườn khá chậm, hàng ứ đọng trong chuồng rất nhiều. Nhiều người nuôi ở miền Bắc lo ngại, khi bước vào các tháng mùa đông, việc chăm sóc gà sẽ càng khó khăn, hao hụt sẽ lớn hơn.
Theo các chuyên gia chăn nuôi, bước vào các tháng mùa lạnh, việc quan trọng hàng đầu người nuôi gà thả vườn cần chú ý là phòng bệnh cho vật nuôi.
Cụ thể, bà con chăn nuôi gà cần hạn chế tối đa việc ra, vào khu vực chăn nuôi; các trại phải có hố sát trùng ở cổng ra vào khu vực chăn nuôi. Chuồng trại phải được vệ sinh, sát trùng và để trống ít nhất hai tuần trước khi thả nuôi đợt mới.
Trong quá trình nuôi, các chủ trang trại cần giữ cho chuồng luôn khô sạch, vệ sinh định kỳ. Thường xuyên sát trùng chuồng trại, khu vực và dụng cụ chăn nuôi, 2 - 3 lần/tuần. Biện pháp tích cực nhằm tiêu diệt và làm giảm mật độ mầm bệnh có sẵn trong môi trường, làm cho mầm bệnh không thể gây bệnh cho gà.
Bên cạnh đó, người nuôi có thể sử dụng những hóa chất khử trùng như: Chloramin, Virkon, Formol… Ðịnh kỳ phun thuốc để diệt ve, mòng, muỗi, bọ mạt… là những tác nhân truyền và gây bệnh.
Kiểm tra và xử lý để cống rảnh không đọng phân, nước thải; Máng ăn, uống sạch sẽ, không có thức ăn thừa, thiu.
Ông Phạm Văn Thanh, chủ trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn ở Hà Nội cho hay: Để chăn nuôi gà thành công, khâu phòng bệnh cho con giống rất quan trọng.
Theo ông Thanh, đối với gà giống mới mua về, bà con phải nuôi cách ly ở khu vực riêng 2 - 3 tuần, nếu không có biểu hiện của bệnh mới cho nhập vào khu chăn nuôi. Không nên nuôi gà chung với gia súc. Không nuôi xen nhiều lứa gà trong cùng khu vực nuôi.
Khi phát hiện sớm các trường hợp gà bị bệnh để cách ly điều trị, xử lý kịp thời tránh bệnh lây lan. Người làm việc trong trại không tiếp xúc với gia cầm ở các trại khác. Các chủ trang trại phải thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn sinh học liên quan đến việc vệ sinh trong trại. Phải rửa chân tay và khử trùng chân tay, giày dép sau khi tiếp xúc với gà ốm hoặc chết.
"Đặc biệt, các trại cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn gà. Ngoài vaccine cúm gia cầm tiêm theo sự hỗ trợ của nhà nước cần tiêm phòng định kỳ, đầy đủ các loại vaccine thông thường như: Marek gà; Gumboro; Ðậu gà; Dịch tả; Tụ huyết trùng theo lịch của cơ quan thú y địa phương, giúp cho gà miễn dịch với các bệnh này.
Với những ngày thời tiết quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vaccine cho gà vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày", ông Thanh tiết lộ.