Lãng phí nguồn lực
Phản ánh với Chủ tịch nước, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM nhấn mạnh chính sách chống dịch, phục hồi kinh tế phải nhất quán ở cấp quốc gia, vì không gian phát triển của doanh nghiệp không bó buộc ở một địa phương.
Cần nhanh chóng loại bỏ tư duy cũ "xin - cho" mà thay bằng quy tắc luật không cấm thì được làm. Nguyện vọng của các doanh nghiệp là được tham gia đóng góp một cách chính thức, trực tiếp trong các hoạt động xây dựng chiến lược, chính sách khôi phục và phát triển kinh tế của địa phương cũng như cả nước. Việc này có thể thực hiện thông qua các hiệp hội.
"Doanh nghiệp vẫn chưa được xem là một phần giải pháp, chưa được tận dụng như nguồn lực chính trong quá trình hồi phục chống dịch và khôi phục kinh tế. Hay nói cách khác, khá nhiều doanh nghiệp Việt vẫn bị cho làm ngồi ghế dự bị trên khán dài", ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM chia sẻ và cho đây là một sự lãng phí nguồn lực khá lớn.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp khi nối lại các hoạt động hồi phục sau giãn cách là di chuyển lao động và vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, đang có tình trạng một nơi triển khai một kiểu. Ông cho rằng để đảm bảo tính nhất quán trong chính sách, trước khi ban hành, Bộ Giao thông vận tải có thể gửi cho các địa phương lấy ý kiến, nếu không có phản hồi thì xem như đồng ý và thực hiện đồng nhất.
Ngoài ra, câu chuyện vốn, giữ chân người lao động cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch cũng còn nhiều băn khoăn.
"Ngoài chính sách giãn nợ, cơ cấu lại nợ, Nhà nước có thể cân nhắc sử dụng một phần ngoại hối dự trữ thành vốn mồi, gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp", đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất.
Thử thách là chất xúc tác của sáng tạo
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn những con số để cho thấy mức độ tàn phá của đại dịch lên an sinh, nền kinh tế của TP.HCM: Trên 100.000 doanh nghiệp sản xuất phải dừng hoạt động, biến mất khỏi thị trường. Riêng TP.HCM đã có trên 15.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Chưa bao giờ phát triển kinh tế TP bị âm nặng như vậy, từ hoạt động sản xuất, thu ngân sách, việc làm đều rất khó khăn.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tổn thất về tài sản, con người là rất lớn. Hiểu được những mất mát này để các doanh nhân có ý chí vươn lên trong khó khăn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có 5 "liều thuốc tinh thần" để các doanh nghiệp vực dậy và phục hồi. Đó là tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí, tinh thần sáng tạo và niềm tin.
Theo Chủ tịch nước, thế hệ doanh nhân trẻ càng khó khăn càng phải đoàn kết, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau. Tinh thần sáng tạo là sức mạnh của tuổi trẻ, thử thách chỉ là chất xúc tác của sự sáng tạo, đã được thể hiện qua các chương trình thiện nguyện, an sinh xã hội như "ATM gạo", "ATM oxy", ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật.
Cũng tại buổi gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM phải có đề án phục hồi cụ thể, không để đứt gãy chuỗi lao động và các chuỗi cung ứng khác.
"TP cũng cần có biện pháp kịp thời thu hút người lao động quay trở lại làm việc, tái cơ cấu mạnh mẽ một số lĩnh vực để đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho người lao động", Chủ tịch nước nói.