Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Chuyển từ chiến lược 'zero Covid' sang thích ứng an toàn với Covid-19

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 09/10/2021 13:58 PM (GMT+7)
Sáng 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri trực tuyến chuyên đề ngành y tế TPHCM. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự tại điểm cầu Hà Nội.
Bình luận 0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Chuyển từ chiến lược "zero Covid" sang thích ứng an toàn với Covid-19 - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: B.D

Đỉnh dịch đã qua nhưng không được chủ quan

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề là lực lượng y tế TPHCM - một địa bàn lớn nhất cả nước nhưng bị đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất nặng nề đến tính mạng, tài sản và cuộc sống của người dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngành y tế TP.HCM với các chiến sĩ áo trắng là lực lượng tuyến đầu, là anh hùng thầm lặng, dũng cảm hy sinh, cống hiến quên mình để cùng với TP.HCM bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và bình yên cho người dân.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với đồng bào, cử tri TP.HCM đã trải qua những đau thương, mất mát to lớn trong những ngày qua với số người thiệt mạng thống kê đến nay trên 15.000 người. 

Chủ tịch nước cũng bày tỏ cảm thông sâu sắc với những vất vả khó khăn của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ ngành y tế ngày đêm hỗ trợ chăm sóc người bệnh.

"Đỉnh dịch tại TP.HCM đã qua đi cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan bởi số ca tử vong còn lớn, số người nằm viện còn nhiều.

TP.HCM và ngành y tế TP đã tiến hành công việc khổng lồ với nhiệm vụ khó khăn. Tất cả chúng ta đều ghi nhận và xúc động trước tấm lòng quả cảm, tận tụy, tấm gương hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuyến đầu, đặc biệt là các chiến sĩ áo trắng và trực tiếp là đội ngũ y bác sĩ. Có nhiều cán bộ y tế đã hy sinh, nhiều tấm gương làm việc tận tâm quên mình, xả thân vì nhiệm vụ, làm lay động lòng người, được xã hội trân trọng" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo ông Phúc, dịch bệnh và các vấn đề khác của xã hội là vấn đề quan trọng chứ không phải đơn thuần chỉ về kinh tế. Các cấp, các ngành, đặc biệt TP.HCM cần phải có giải pháp đồng bộ, trước hết là những giải pháp cấp bách để đưa TP trở về trạng thái bình thường mới.

5 nhóm kiến nghị của Sở Y tế TP.HCM

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Chuyển từ chiến lược "zero Covid" sang thích ứng an toàn với Covid-19 - Ảnh 3.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu. Ảnh: B.D

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, đợt dịch vừa qua đã bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống y tế cơ sở, thiếu thốn về nhân lực, trang thiết bị y tế.

Tại buổi tiếp xúc, ông Châu cho biết, Sở Y tế TP.HCM đang xây dựng kế hoạch "nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM". Trong đó nêu ra 5 nhóm vấn đề kiến nghị.

Thứ nhất, cần chính sách để phát huy hiệu quả y tế cơ sở, trong đó có chính sách thu hút nhân lực cho các trạm y tế; Chính sách thu hút y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch, tham gia mô hình điều trị F0. Theo đó, cơ sở tư nhân được thu một số loại chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc Covid-19.

Thứ hai, kiến nghị một số sửa đổi liên quan đến Luật khám bệnh, chữa bệnh. Ví dụ cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về mô hình bác sĩ gia đình, khám bệnh chữa bệnh từ xa; đề xuất cho bác sĩ đa khoa khi mới tốt nghiệp chưa có chứng chỉ hành nghề được tham gia điều trị F0 tại cộng đồng và thực hành tại y tế cơ sở để xét cấp chứng chỉ hành nghề.

Thứ ba, kiến nghị về chế độ cho nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch và cơ chế tài chính cho cơ sở y tế công thực hiện tự chủ gặp khó khăn do tác động của đại dịch.

Hoàn thiện cơ chế cảnh báo phòng chống dịch trong thời gian tới

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sau đợt dịch sẽ phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm đối với địa phương như TP.HCM trong việc ứng phó với tình huống dịch tễ, an ninh phi truyền thống. 

TP cần có phương án tổng thể phòng chống dịch, không chỉ với đại dịch này mà phải ứng phó với những tình huống khác có thể xảy ra với TP.HCM cũng như bất kỳ địa phương nào. TP sẽ khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch phòng chống dịch trong thời gian sắp tới gắn với phục hồi kinh tế.

"Báo cáo và cam kết với Chủ tịch nước, TP sẽ không lơ là, chủ quan trước những kết quả bước đầu  phòng chống dịch, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế cảnh báo phòng chống dịch trong kế hoạch phục hồi kinh tế sắp tới" - ông Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Chuyển từ chiến lược "zero Covid" sang thích ứng an toàn với Covid-19 - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 9/10. Ảnh: B.D

TP đặt trụ cột quan trọng nhất là củng cố hệ thống y tế với 3 điểm chính là y tế cộng đồng, y tế điều trị và y tế phục hồi sau điều trị, phát huy hiệu quả của bệnh viện điều trị 3 tầng, đặc biệt quan tâm y tế cơ sở. Đợt dịch này đã bộc lộ những bất cập rất rõ của y tế cơ sở, TP đã nhận ra và sẽ khắc phục.

Trụ cột thứ 2 sau y tế là an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động về quê hay quay lại TP, các gói an sinh, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, là góc khuất cần được khắc phục. Cùng với đó là chăm lo cho các đối tượng bị tác động nặng nề do Covid-19 như người già neo đơn do người chăm sóc mất vì Covid-19, trẻ mồ côi, người bị sang chấn tâm lý…

Trong khi chờ cơ chế thống nhất chung từ Trung ương, Chủ tịch Phan Văn Mãi xin được cho TP thí điểm các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, trong và ngoài ngân sách để giải quyết các vấn đề thực tiễn của TP, góp phần giải phóng nhân lực, nguồn lực đầu tư phát triển, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học… Thời gia qua, TP đã đề xuất 2 cơ chế để y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19 cũng như các chính sách cho y tế công lập để phát huy lực lượng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đoàn ĐBQH tổng hợp lại các ý kiến để đề xuất lên Quốc hội trong kỳ họp tới. Chủ tịch nước cũng đề nghị TP tiếp tục ổn định và nâng cao độ phủ vaccine cũng như năng lực điều trị, cần thiết phải phủ vaccine đạt 70% dân số trong thời gian tới. Đồng thời, phải có kế hoạch kiểm soát rủi ro ở quy mô rộng hơn trong bối cảnh dễ tiếp xúc, dễ lây nhiễm, đặc biệt khi các lực lượng chi viện rút quân, nguy cơ sức ép dịch từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thành phố và khu vực.

"Tôi đồng tình với chiến lược của chính phủ chuyển từ zero Covid sang thích ứng an toàn với Covid-19" - ông Phúc nói và cho biết, cần nghiên cứu chế độ đặc thù, đãi ngộ đặc biệt thỏa đáng với đội ngũ phòng chống dịch.

Đầu tháng 5, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng của TP.HCM ở cấp độ 1 (dưới 20 ca mắc/100.000 dân/tuần). Sau 4 tuần, chỉ số lây nhiễm chuyển sang cấp độ 2, số ca mắc trong tuần tăng từ 1.674 ca lên 3.317 ca/tuần, số ca tử vong tăng từ 7 ca lên 20 ca/tuần. TP thành lập 2 bệnh viện dã chiến, chuyển công năng 9 bệnh viện thành bệnh viện điều trị Covid-19.

Đến 7/7, chỉ số lây nhiễm chuyển sang cấp độ 3, số ca mắc mới mỗi ngày vượt 3.000 ca. Đến 16/7, tình trạng dịch chuyển sang cấp độ 4, 11.069 ca/tuần, số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày. Tất cả các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị đều quá tải dù thành phố đã lập thêm 10 bệnh viện dã chiến, chuyển công năng thêm 5 bệnh viện lên 14 bệnh viện chuyển đổi.

Tính đến 17/8, TP đã thành lập 25 bệnh viện dã chiến (39.398 giường), chuyển công năng 54 bệnh viện (15.261 giường) nhưng tình hình tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, lên đến 2.105 ca/tuần vào tuần lễ từ 18/8 - 24/8.

Trong vòng 1 tháng sau đó, TP tiếp tục thành lập thêm các bệnh viện dã chiến và đầu tư khẩn cấp bổ sung thêm nguồn oxy cho các bệnh viện (từ hơn 2.000 giường oxy đã tăng lên 13.000 giường oxy). Tổng cộng, TP đã thành lập 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và chuyển công năng 64 bệnh viện (17.062 giường)

Tính đến ngày 30/9, tổng số lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP là 187.275 người. Trong đó, lực lượng do các bộ ngành trung ương, các tỉnh thành tham gia hỗ trợ là 28.989 người, bao gồm: 2.335 bác sĩ; 5.011 điều dưỡng; 4.760 giáo viên, sinh viên các trường y khoa; 6.103 chiến sĩ quân y; 175 cán bộ chiến sĩ y tế đến từ lực lượng y tế thuộc Bộ Công an.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem