Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, mấy ngày gần đây, nhiều tỉnh, thành phía Nam đã nới lỏng giãn cách, việc lưu thông hàng hóa đã thuận lợi hơn nhưng do nhiều cơ sở giết mổ vẫn hoạt động cầm chừng (do thiếu công nhân), nhu cầu tiêu dùng thịt heo vẫn ở mức thấp khiến cho việc tiêu thụ heo hơi gặp nhiều khó khăn.
"Thời điểm này các trang trại ở Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam Bộ vẫn còn ứ đọng rất nhiều heo quá lứa. Thậm chí có trại còn nhiều heo trên 190kg/kg, giá xuất chuồng cao nhất chỉ 35.000 đồng đến 37.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua", ông Quyết nói.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, giải pháp quan trọng nhất lúc này là các tỉnh, thành phải ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng công nhân tại các cơ sở giết mổ, chế biến, nhân viên thị trường, vận chuyển hàng. Đồng thời có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ duy trì "3 tại chỗ" đẩy mạnh sản xuất an toàn sau đại dịch.
Ghi nhận giá heo hơi hôm nay tại các vùng miền Bắc, chúng tôi thấy giá lợn tại các vùng miền Bắc dao động trên dưới 36.000 đồng/kg, có nơi heo đẹp cũng chỉ bán được 38.000 đồng/kg.
Giá lợn giống dưới 1 triệu đồng/con, việc tiêu thụ rất chậm và khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay: Căn cứ tình hình sản xuất, trong thời gian qua, về sản xuất và nhu cầu thực phẩm tại các địa phương cho thấy, hoạt động sản xuất chăn nuôi tại các tỉnh phía Bắc hiện nay phát triển ổn định.
Cơ bản các địa phương có khả năng tự cân đối cung - cầu. Các địa phương ở miền Bắc còn sản xuất dư có khả năng cung cấp cho một số thành phố thiếu hụt thực phẩm.
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, hiện nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Hà Nội 1 tháng cần khoảng trên 18.000 tấn, tự cung được 94% (17.500 tấn); thịt gia cầm cần gần 6.200 tấn, nguồn cung đủ với nhu cầu.
Trứng gia cầm cần 124 triệu quả, tự cung được 94% (117 triệu quả); thịt trâu, bò cần 5.350 tấn, tự cung được khoảng 19%...
Nếu nguồn thực phẩm thịt, trứng thiếu thì nguồn cung được sử dụng từ các chuỗi thực phẩm lớn như của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Masan; Tập đoàn DABACO; Vinh Anh … có hệ thống chăn nuôi gia công từ các tỉnh cung cấp thực phẩm theo chuỗi cho Hà Nội.
Bên cạnh đó, khả năng nguồn cung thực phẩm từ các tỉnh cho TP.Hà Nội khá dồi dào. Hiện mỗi tháng, 12 tỉnh tiếp giáp thành phố có thể cung cấp cho Hà Nội khoảng gần 67.000 tấn thịt lợn từ 9 tỉnh; gần 6.700 tấn thịt trâu bò từ 8 tỉnh; gần 142 triệu quả trứng từ 7 tỉnh.
TP.HCM và TP. Cần Thơ là hai địa phương có nhu cầu thực phẩm cao. Trong khi đó, TP.HCM tự cung được 10% thịt các loại và dưới 5% trứng, nhu cầu hàng ngày khoảng 1.600 tấn thịt các loại và 2,2-2,5 triệu quả trứng.
Cần Thơ chỉ tự đáp ứng được khoảng 47-50% nhu cầu, mỗi ngày cần cung ứng thêm khoảng 130-135 tấn thịt các loại và 265.000 quả trứng. Vừa qua do giãn cách xã hội nên nhu cầu giảm chỉ bằng 50-55% so với khi chưa có dịch. Tuy nhiên, những ngày gần đây đã tăng 18-20%.
Đánh giá về khả năng nguồn cung từ các tỉnh cho TP. HCM và TP. Cần Thơ, ông Trọng cho rằng: 19 tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL hàng năm cung cấp 32,2% sản lượng thịt và 36,9% sản lượng trứng gia cầm cả nước.
Theo đó, mỗi ngày, cung cấp 6.091 tấn thịt hơi, 19,2 triệu quả trứng gia cầm. Thịt lợn hơi sản xuất hàng ngày khoảng 4.000 tấn; lượng gà thịt, trứng cung cấp hàng ngày đạt 1.694 tấn và 19,2 triệu quả trứng; trâu bò lượng thịt cung cấp hàng ngày 385 tấn.
Lượng gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ đều giảm so với thời điểm trước dịch Covid - 19. Nguyên nhân chính là do việc đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống, xét nghiệm Covid - 19 khó khăn, thiếu lao động do có F0 và F1. Đặc biệt, nhiều cơ sở giết mổ không đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ".
"Cùng với các giải pháp tiêu thụ hết lượng lợn, gà tồn đọng trong các trang trại, các tỉnh, thành phải tiếp tục khôi phục, tăng đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ và phát triển một số loại vật nuôi lợi thế. Đồng thời khẩn trương phát triển chăn nuôi để phục vụ tiêu dùng gia tăng trong những tháng cuối năm 2021 và nhất là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng từ 10-12% trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2022", Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.