Trước khi gặp ĐT Việt Nam, Oman đã tổ chức đá phạt góc theo kiểu bố trí 5 cầu thủ tràn vào vòng 5m50 của đối thủ trước Nhật Bản và Saudi Arabia. Tuy nhiên phải chờ đến khi đấu với ĐT Việt Nam, màn đá phạt góc khác người này của Oman mới có giá trị.
Theo một chuyên gia của Việt Nam, chiến thuật của Oman sẽ phát huy được khi họ có chiều cao tốt hơn so với đối thủ và đương nhiên là không thành công nếu cầu thủ đội bạn cao hơn Oman.
Những cầu thủ ĐT Việt Nam hôm qua khi gặp Oman bất lợi từ việc bố trí các cầu thủ có chiều cao trên 1m80 đứng sai vị trí và để đối phương đè trước mặt chúng ta. Điều đó dẫn đến hệ quả là thủ môn không đứng được ở một vị trí thuận lợi để tranh bóng.
Đáng ra ĐT Việt Nam phải bố trí 5 cầu thủ cao lớn, có chiều cao xấp xỉ hoặc trên 1m80 vào trong vòng 5m50 cùng với Oman như Ngọc Hải, Tấn Tài, Tiến Linh, Hoàng Đức, Duy Mạnh. Trong đó, một hậu vệ cao lớn phải đứng chắn trước ở cột 1 (cột gần vị trí phạt góc).
Ngoài ra, khi thấy thủ môn bị đối phương đè mặt như vậy, một hoặc hai hậu vệ ĐT Việt Nam phải liên tục đẩy, thúc người cầu thủ Oman. Đối phương đã có chiến thuật khôn ngoan như vậy thì mình phải sử dụng tiểu xảo liên tục.
Ngoài ra, yêu cầu của việc tổ chức phạt góc này là buộc cầu thủ thực hiện phạt góc phải đưa bóng cuộn và hướng về cột gần. Do đó, đáng ra BHL sau khi thấy 1-2 pha đá phạt góc dàn xếp tương tự cần phải có sự chủ động hơn trong hiệp 2.
Theo cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng, BHL phải chỉ đạo cầu thủ ra khu vực mà cầu thủ Oman đá phạt góc và gây sức ép. "Mục đích là để cầu thủ Oman mất tập trung và đá kém chính xác đi.
Khi đối phương đứng trong vòng 5m50 nhiều như thế thì yêu cầu từ người đá phạt góc phải thực sự chính xác và phải đưa bóng cuộn vào trong cầu môn. Vì thế, chúng ta cần cắt cử một cầu thủ chạy ra góc để thu hẹp góc sút và gây sức chế cho họ”.