Chạm trán sinh vật bí ẩn khổng lồ
Theo Charlotteobserver, các nhà nghiên cứu của OceanX khi tiến hành một cuộc khảo sát hệ sinh thái của một khu vực hoàn toàn chưa được khám phá của vùng Neom ở phía Bắc Biển Đỏ đã chạm trán sinh vật bí ẩn khiến họ sốc "toàn tập".
Ban đầu, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra thứ "trông giống như một cái bướu", Mattie Rodrigue, trưởng chương trình khoa học của OceanX cho biết trong một video YouTube ngày 6/10.
"Nhưng cái bướu đó dài khoảng 100m và cao khoảng 20-30m", Rodrigue nói thêm.
Cô và nhóm của mình muốn tìm hiểu xem đó có phải là một con tàu đắm hay chỉ là một tảng đá khổng lồ trong chuyến du hành đầu tiên của OceanX trên Biển Đỏ vào tháng 10/2020.
Vì vậy, Rodrigue cho biết các nhà thám hiểm đã gửi một phương tiện vận hành từ xa (ROV) xuống độ sâu 853m để điều tra khi họ nhìn thấy một sinh vật bí ẩn khiến toàn đoàn "chết lặng vì cú sốc toàn tập". Sinh vật này được các nhà nghiên cứu cho là có kích thước lớn hơn 1 con người.
"Tôi sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy ra tiếp theo cho đến khi tôi còn sống. Đột nhiên, khi chúng tôi đang nhìn vào mũi tàu đắm, sinh vật to lớn đó xuất hiện, nhìn thẳng vào ROV và cuộn tròn toàn bộ cơ thể của nó quanh mũi tàu", Rodrigue chia sẻ.
Tiết lộ danh tính sinh vật bí ẩn, tưởng khổng lồ nhưng không phải khổng lồ
Nhóm nghiên cứu của Rodrigue ban đầu cho rằng đây là một "con mực khổng lồ". Nhưng danh tính thật sự của sinh vật bí ẩn chỉ được xác nhận 1 năm sau đó. Nhà động vật học Mike Vecchione của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian cho biết, sinh vật mà nhóm của Rodrigue nhìn thấy là một con mực bay lưng tía.
Mặc dù có kích thước khổng lồ, song sinh vật này không phải là "mực khổng lồ", theo Vecchione. Nhà động vật học này cho biết, con mực khổng lồ nhất từng được biết đến dài 13m. Mắt của nó to bằng cái đĩa ăn.
Còn mực bay lưng tía nhỏ hơn nhiều. Con mực bay lưng tía mà nhóm nghiên cứu của Rodrigue nhìn thấy có lẽ là "phiên bản khổng lồ" của loài mực này.