Dân Việt

Yên Bái: Vùng đất trồng thứ tre bụi to, măng mọc tua tủa, dân đào lên bao nhiêu bán hết bấy nhiêu

Hồng Duyên 14/10/2021 05:40 GMT+7
Được đưa vào trồng tại một số xã vùng thượng huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) từ năm 2004, đến nay cây tre măng Bát độ đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Mỹ Gia là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình với trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng nhưng lại trồng quảng canh, không quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Yên Bái: Vùng đất trồng thứ tre bụi to, măng mọc tua tủa, dân đào lên bao nhiêu bán hết bấy nhiêu  - Ảnh 1.

Lãnh đạo xã Mỹ Gia (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) kiểm tra việc trồng tre măng Bát độ tại thôn Phú Mỹ.

Trước thực trạng đó, năm 2004, huyện Yên Bình đã chỉ đạo ngành chuyên môn vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng tre măng Bát độ. 

Tuy nhiên, khi mới triển khai, xã gặp khá nhiều khó khăn do người dân còn đắn đo, chưa ủng hộ. Bởi vậy, xã vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu; mặt khác, huyện cũng đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, người dân đã yên tâm và đăng ký trồng.

Đến nay, Mỹ Gia có trên 30 hộ dân tham gia trồng tre măng Bát độ với tổng diện tích gần 100 ha; trong đó, 62 ha đang cho thu hoạch và bình quân mỗi năm nguồn thu từ tre măng Bát độ đạt trên 1,5 tỷ đồng.

Ông Hà Văn Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Gia cho biết: "Từ hiệu quả của cây tre măng Bát độ, xã tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích. Phấn đấu đến năm 2022 toàn xã có gần 200 ha và bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân”.

Là một trong những đảng viên tiên phong trồng tre măng Bát độ ở Mỹ Gia, đến nay, gia đình anh Nguyễn Công Kiều ở thôn Phú Mỹ đã có 3 ha, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Anh Kiều cho biết: "Lúc đầu mới trồng tôi cũng lo bởi không biết tre măng Bát độ có phù hợp không và sản phẩm tiêu thụ thế nào, song được cán bộ tập huấn kỹ thuật và có Công ty cổ phần Yên Thành thu mua sản phẩm nên tôi rất yên tâm sản xuất”.

Những ngày này, người dân ở các xã vùng thượng huyện Yên Bình đang tích cực thu hoạch măng tre Bát độ. Từ Mỹ Gia xuống đến Cảm Nhân, xã nào cũng có điểm cân, thu mua và sơ chế măng tươi tại chỗ của Công ty cổ phẩn Yên Thành giúp người dân thuận tiện hơn trong tiêu thụ sản phẩm.

Anh Lân Hoàng Hiệp ở thôn Làng Dẫy, xã Cảm Nhân cho biết: "Từ khi đưa cây măng tre Bát độ vào trồng, tôi thấy rất phù hợp với chất đất và khí hậu của địa phương, cây dễ chăm sóc lại không đòi hỏi nhiều về đầu tư phân bón mà hiệu quả kinh tế cao. Tới đây, gia đình tôi sẽ trồng thêm 2 - 3 ha nữa để tăng thu nhập”.

Hiện nay, toàn huyện Yên Bình có trên 300 ha tre măng Bát độ được trồng chủ yếu tại các xã khu vực thượng huyện là: Mỹ Gia, Yên Thành, Xuân Lai, Cảm Nhân; trong đó, có hơn 200 ha đang cho thu hoạch. Hiện tại, Công ty cổ phần Yên Thành đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tre Bát độ cho người dân.

Theo tính toán của người trồng thì trung bình mỗi héc - ta tre măng Bát độ cho thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với cây nguyên liệu khác; sản phẩm măng tre Bát độ được Công ty cổ phần Yên Thành tiêu thụ ổn định và đã được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và một số nước trong khu vực.

Để tiếp tục đưa cây tre măng Bát độ trở thành cây kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế tại các xã vùng thượng huyện, năm 2021 huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) tiếp tục triển khai dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ tại xã Mỹ Gia, xã Cảm Nhân với quy mô 270 ha; trong đó, hỗ trợ trồng mới 100 ha đưa tổng diện tích tre măng Bát độ của toàn huyện lên trên 350 ha, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Bên cạnh đó, các địa phương trong huyện tiếp tục tăng cường phối hợp với Công ty cổ phần Yên Thành hợp tác phát triển vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn người dân khai thác, trồng, sơ chế măng đảm bảo chất lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.