Dân Việt

Tổng thầu Trung Quốc làm gì để đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại?

Thế Anh 14/10/2021 19:40 GMT+7
Trong dự thảo báo cáo của Chính phủ để gửi Quốc hội về dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT đã nêu một số khó khăn trong việc đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại.

Theo Bộ GTVT, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử toàn hệ thống vào tháng 12/2020. Công tác nghiệm thu cũng được Bộ GTVT hoàn thành và gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận công tác nghiệm thu dự án.

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT cho biết: "Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang bước vào giai đoạn hoàn thành và đang chờ ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước để Bộ GTVT bàn giao tới TP.Hà Nội. Hiện nay, tổng thầu Trung Quốc cũng rất hợp tác để sớm đưa dự án vào khai thác".

Tổng thầu Trung Quốc làm gì để đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại? - Ảnh 1.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang chuẩn bị các bước để sớm bàn giao. Ảnh: N.C

Báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có quy mô lớn, tính chất phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài.

Thời gian qua, cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước thường xuyên tổ chức các buổi kiểm tra, rà soát hồ sơ tài liệu trong quá trình thực hiện dự án và đã tiến hành kiểm tra tổng thể hiện trường dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Dự kiến Hội đồng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong tháng 10/2021. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra Nhà nước, Bộ GTVT sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND TP.Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện bộ máy, tuyển dụng và cử nhân lực đi đào tạo về quản lý vận hành; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách giá vé… để khai thác tối ưu loại hình giao thông công cộng mới này.

Trong bối cảnh một số dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đang chuẩn bị được đưa vào khai thác sử dụng, Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP.Hà Nội khẩn trương triển khai đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị.

Đến nay, tại Hà Nội đã tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông với số lượng 651 người, bao gồm 201 người đào tạo tại Trung Quốc và 450 người đào tạo tại Việt Nam, các nhân sự này đã được cấp chứng chỉ đào tạo theo quy định.

Báo cáo này cho biết, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo Bộ GTVT hoàn thiện các thủ tục còn lại của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tổng mức đầu tư 18.001 tỷ đồng) để sớm bàn giao cho UBND TP.Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội nhằm sớm hình thành mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch, góp phần giảm ùn tắc giao thông đô thị (tại Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tổng mức đầu tư 35.679 tỷ đồng; tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro.

Tổng thầu Trung Quốc làm gì để đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại? - Ảnh 2.

Tàu Cát Linh - Hà Đông vận hành thử nghiệm toàn tuyến. Ảnh: N.C

Nêu ra những khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ dự án đường sắt đô thị, báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt ngày càng mai một, tư duy chậm đổi mới, năng lực hạn chế đặc biệt về đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.

"Đặc biệt, các doanh nghiệp chưa chủ động, thiếu linh hoạt trong việc tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt, còn trông chờ ỷ lại", báo cáo nêu.

Đáng chú ý, Bộ GTVT chỉ ra những hạn chế khi phát triển đường sắt đô thị là do có nguyên nhân các nghiên cứu ban đầu về dự án sơ sài, nhiều nội dung chưa được đề cập dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chặt chẽ.

Trong giai đoạn tới (đến năm 2030), Bộ GTVT sẽ tiếp tục xây dựng và đưa vào khai thác một số tuyến đường sắt đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM để giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, hình thành loại hình giao thông văn minh, hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn khác.