Dân Việt

Hà Nội: Hàng quán ăn uống tại chỗ “đìu hiu” sau một ngày mở cửa

Thanh Phong 15/10/2021 15:02 GMT+7
Ngày 15/10, một ngày sau khi các hàng quán ăn uống tại chỗ được mở cửa trở lại, lượng khách đã giảm dần do thói quen thay đổi và thời tiết mưa bão không thuận lợi.

Từ 6h sáng 14/10, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) tại Hà Nội được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ với điều kiện không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, sau ngày đầu mở cửa nhộn nhịp, lượng khách tới các hàng quán đã giảm dần. Tại một số hàng bún, phở, đồ ăn sáng, lượng khách chủ yếu tập trung vào đầu giờ sáng.

Hàng quán ăn uống tại chỗ “đìu hiu” sau một ngày mở cửa - Ảnh 1.

Sau một ngày đầu nhộn nhịp, nhiều hàng quán đã vắng khách hơn, một phần do điều kiện thời tiết mưa rét. (Ảnh: Thanh Phong)

Nhiều quán cafe có lượng khách khác nhau nhưng ghi nhận chung là tình trạng vắng vẻ. Lý giải tình trạng trên, một số chủ cửa hàng cho biết, nguyên nhân là do sau thời gian dịch bệnh, người dân đã thay đổi thói quen sinh hoạt, bên cạnh đó, điều kiện thời tiết mưa lạnh cũng khiến việc kinh doanh khó khăn.

Chia sẻ với Dân Việt, một chủ quán phở trên phố Dịch Vọng Hậu cho biết, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách, đa phần người dân đã quen với việc tự nấu ăn.

"Đến khi được bán hàng mang về cũng chỉ đông được 1, 2 ngày đầu, sau đó, khách hàng cũng ít mua vì mục đích chính của việc ăn ở ngoài là nhanh và tiện. Nếu phải mua về xong bày vẽ bát, đũa, rửa dọn thì nhiều người sẽ tự nấu hoặc ăn các món đơn giản ngay tại nhà", vị chủ quán cho hay.

Hàng quán ăn uống tại chỗ “đìu hiu” sau một ngày mở cửa - Ảnh 2.

Các hàng bún, phở, mỳ,... chủ yếu đông khách vào đầu giờ sáng. (Ảnh: Thanh Phong)

Bi đát hơn, nhiều chủ quán cafe như đang đứng "trong lò lửa" khi được mở cửa trở lại nhưng gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân viên, nguồn vốn, nguyên liệu trong khi khách vắng.

Trao đổi với Dân Việt, chị Trà một chủ quán cafe tại phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), cho biết, thông thường quán cafe hoạt động cần từ 6 đến 8 nhân viên. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ có 4 đến 5 nhân viên thay nhau, chủ quán cũng phải tham gia pha chế, "chạy bàn".

Nguyên nhân là do sau thời gian dịch bệnh, một lượng không nhỏ nhân viên về quê chưa kịp quay lại. Cùng với đó, nhiều chủ quán đang gặp khó khăn về vốn, không thể ngay lập tức đầu tư lại như khi trước dịch.

Hàng quán ăn uống tại chỗ “đìu hiu” sau một ngày mở cửa - Ảnh 3.

Nhiều khách hàng vẫn có thói quen mua mang về dù đã được ngồi ăn tại chỗ. (Ảnh: Thanh Phong)

"2 năm qua việc kinh doanh phập phù do dịch bệnh, giờ được hoạt động tôi cũng vừa mừng vừa lo. Sau 2 tháng đóng cửa, mọi công việc gần như phải làm lại, từ nhân viên, nhập nguyên liệu, bàn ghế, máy móc, đồ trang trí xuống cấp phải sửa chữa thay mới. Chưa kể đến việc phải đầu tư các trang thiết bị phòng chống dịch như tấm chắn, nước sát khuẩn.

Nếu có thể kinh doanh lâu dài mới có thể tiếp tục đầu tư và chắc chắn phải bù lỗ một thời gian. Nếu tình trạng "nay mở, mai đóng" trở lại thì chắc tôi phải tìm mô hình kinh doanh khác vì như vậy sẽ thua lỗ rất nặng", chị Trà chia sẻ.

Thông tin thêm về việc được mở cửa trở lại, trao đổi với Dân Việt, chị Nguyễn Trang, chủ chuỗi nhà hàng Nhật Bản Furyu Restaurant cho hay, việc kiểm soát dịch Covid-19 cần đảm bảo cho "mùa vụ cuối năm" của các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Hàng quán ăn uống tại chỗ “đìu hiu” sau một ngày mở cửa - Ảnh 4.

Sau thời gian nghỉ giãn cách, nhiều chủ cơ sở kinh doanh gặp khó khăn do thiếu nhân sự, nguồn vốn trong khi lượng khách giảm. (Ảnh: Thanh Phong)

Theo chị Trang cho biết, thông lệ về đầu và cuối năm Dương lịch, Âm lịch nhu cầu liên hoan, ăn uống sẽ tăng cao. Do đó, việc đóng cửa 1, 2 tháng tạm thời vào các thời điểm không "nóng" chỉ ảnh hưởng dòng vốn đầu tư xoay vòng. Nếu hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng vào các giai đoạn cao điểm đầu tư, đơn vị kinh doanh sẽ thiệt hại lớn, thậm chí phá sản.

"Hiện tại, việc bán hàng của chúng tôi vẫn chậm do chủ yếu tập vào nhóm khách hàng đặc thù. Cùng với đó, một số lượng hàng nhỏ được bán với hình thức mang về. Tuy nhiên, hình thức này gần như chỉ để duy trì vì doanh số chỉ chiếm khoảng 10 đến 15%.

Hiện tại, tôi đang lo không biết việc kiểm soát dịch bệnh về cuối năm như thế nào. Đó là thời điểm chúng tôi tập trung đầu tư cả về tiền, nhân sự, công sức, hàng hóa, nguyên liệu,… nếu mất "mùa vụ cuối năm" nhiều khả năng sẽ phá sản", chị Trang bày tỏ.