Những tháng ngày không thể quên
Hơn 2 tháng gồng mình cùng thành phố chống dịch Covid-19, khó khăn không thể kể xiết nhưng đọng lại trong tâm trí tất cả những y bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức lại là những tình cảm không thể quên.
Sáng 15/10, Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai chính thức được chuyển giao cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Lực lượng y tế đã giành 1 phút mặc niệm với hơn 20 ngàn nạn nhân đã tử vong trong đại dịch.
Từ ngày 11/8, Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trên 1.300 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 363 ca đã được điều trị qua cơn nguy kịch, 213 ca đã được ra viện trong niềm vui và hạnh phúc của người thân và các thầy thuốc. Hiện tại chỉ còn 19 bệnh nhân nặng còn điều trị tại đây.
Bên cạnh công tác chuyên môn, bệnh viện đã chủ động trao trả gần 300 kỷ vật của các bệnh nhân đã tử vong cho thân nhân. Đồng thời, chủ động liên hệ hơn 7 ngàn cuộc gọi thông báo tình hình người bệnh Covid-19 cho gia đình. Đây là niềm an ủi lớn lao với thân nhân người bệnh Covid-19 trong đại dịch.
TS.BS Nguyễn Công Tấn - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện dã chiến số 16, thuộc nhóm y bác sĩ cuối cùng của Bệnh viện Bạch Mai tăng cường cho TP.HCM vẫn cần mẫn trong những ngày cuối cùng.
BS Tấn chia sẻ, trong những ngày làm việc tại TP.HCM, cũng rất nhớ người thân, gia đình ở Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ khi sứ mệnh" với nghề nghiệp và người dân thành phố hoàn thành, anh mới yên tâm trở về.
"77 ngày qua, không ngắn không dài nhưng là 77 ngày không thể nào quên của tập thể nhân viên y tế. Niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi là cứu được càng nhiều bệnh nhân càng tốt", TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai xúc động.
TS Đỗ Ngọc Sơn là một trong những người đầu tiên có mặt, thiết lập, điều hành và tham gia điều trị tại Trung tâm Hồi sức cùng các đồng nghiệp tại TP.HCM. Anh đã có mặt đến ngày cuối cùng, khi Bệnh viện Bạch Mai hoàn thành việc gánh vác cùng nhân dân TP.HCM.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19 cho biết, để chuyển từ một trung tâm thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ sang một trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng là cả một vấn đề lớn.
"Tôi còn nhớ thời khắc lịch sử, sau khi hoàn thiện máy móc chạy thử và khử khuẩn, ngay đêm đó, đúng 23h, chúng tôi bắt đầu nhận bệnh nhân. Và chỉ trong đêm đầu tiên đã có 60 bệnh nhân nhập viện. Sau 1 ngày lên đến hơn 100 ca.
Trong lịch sử, ngay cả Bệnh viện Bạch Mai quy mô 3.500 giường cũng chưa bao giờ chứng kiến việc cấp cứu và hồi sức cho số lượng bệnh nhân lớn và nặng như vậy", BS Tuấn tâm sự.
Dù đã chuẩn bị tâm lý và khí thế khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, nhưng khi bắt tay vào việc, ngay cả những đầu tàu lãnh đạo như GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cũng cảm thấy choáng ngợp.
"Đêm đầu tiên, sau khi tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nặng và có ca tử vong, hầu hết kíp trực đầu tiên về đều ôm nhau khóc. Các chuyến xe lặng lẽ đưa nhân viên y tế về khách sạn nghỉ ngơi rồi chở ca mới đến bệnh viện không ai nói với ai lời nào. Tất cả như người tự kỷ. Sau hơn 1 tháng, việc điều trị bệnh nhân đã có dấu hiệu tích cực, khi đó tâm lý anh em mới ổn định trở lại", BS Tuấn bộc bạch.
Trong buổi bàn giao Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức cho Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, TS.BS Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm cho biết, Trung tâm chính thức nhận các trường hợp bệnh nhân Covid-19 đầu tiên vào ngày 11/8 trong bối cảnh số ca mắc tại TP.HCM đang tăng cao.
Sau 2 tháng, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho 971 bệnh nhân mà phần đông trong số đó là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch. Tính đến nay đã có gần 600 bệnh nhân ra viện, hiện trung tâm đang điều trị cho 36 trường hợp bệnh nhân trong đó có 12 bệnh nhân thở máy và 2 bệnh nhân phải hỗ trợ HFNC.
"Đến hôm nay, mang theo tình cảm nồng ấm của người dân thành phố trước khi trở về Hà Nội để tiếp tục các công việc thường nhật, tôi xin cảm ơn sự gửi gắm, tin tưởng của nhân dân TP.HCM trong thời gian vừa qua " - TS.BS Ngô Quang Thùy xúc động nói.
"20 năm sau, đây sẽ là công trình thế kỷ"
Phát biểu tại buổi bàn giao, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng tri ân những ân tình và sự sẻ chia của đồng nghiệp Bạch Mai với nhân dân TP.
"Thời gian qua thật nhanh. Có thể 20-30 năm sau chúng ta sẽ nhìn đây như một công trình của thế kỷ. Một mô hình mà trí tưởng tượng ban đầu tôi cũng chưa nghĩ ra hết. Trong vòng vài ngày thôi, mà hình thành 1 trung tâm hồi sức với quy mô 360 giường và 1 Bệnh viện dã chiến 2.600 giường", PGS Tăng Chí Thượng bày tỏ sự tri ân với lực lượng chi viện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ, thời gian qua, có lúc TP.HCM rất khó khăn, có lúc dịch bùng phát rất mạnh, nhưng nhân viên y tế của TP và lực lượng chi viện đã kề vai sát cánh để có kết quả tốt đẹp hiện tại. 7 trung tâm hồi sức đã được thiết lập để cứu bệnh nhân nặng và nguy kịch. Bộ Y tế tin tưởng năng lực y tế của TP.HCM đảm đương sau khi lực lượng chi viện được rút về.
Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cũng tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn Hồi sức cấp cứu cho các đồng nghiệp thuộc bệnh viện quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Đây là lợi thế để y tế cơ sở có thể nâng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ: "Tôi tham gia Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Việt Đức từ khi bắt đầu và tiếp quản từ khi mới thành lập, quý và thương đồng nghiệp ở đây rất nhiều. Cách đây 2 tháng, đây là điểm nóng của TP.HCM, với số lượng F0 lớn từ Bình Chánh và quận 8, gần như cao nhất ở TP.HCM, đồng nghiệp ngày đêm tiếp nhận bệnh nhân nặng nhưng bằng tất cả sự quyết tâm, tất cả khó khăn đã được vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Gửi lời cảm ơn đến nhân viên y tế mọi miền đã cùng TP.HCM vượt qua giai đoạn khó khăn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình xúc động: "Trong khó khăn, dịch bệnh tôi càng hiểu thêm lời thêm lời thề Hippocrates, mạnh mẽ và hùng dũng thế nào. Tôi đã được chứng kiến từng nhân viên y tế lăn xả, nhận bệnh, kiểm tra hệ thống oxy, lọc máu… chỗ người ta sợ nhất thì nhân viên y tế vẫn lao vào để cứu bệnh nhân, kỷ niệm này không gì tả xiết được".
Về nhiệm vụ của ngành Y tế TP.HCM trong giai đoạn tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đề nghị xây dựng bệnh viện 3 tầng, biến Trung tâm hồi sức thành bệnh viện, có viện - trường đào tạo. Các trung tâm hồi sức được giữ lại đó là những minh chứng, mốc son lịch sử của thành phố về một giai đoạn đặc biệt.