Theo ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp, tỉnh này có thế mạnh là lúa gạo và thủy sản.
Sản lượng lúa hàng năm của tỉnh trên 3,37 triệu tấn, chủ yếu là lúa chất lượng, lúa đặc sản, lúa nếp giá trị cao.
Ngoài ra, trong 3 tháng cuối năm 2021, Đồng Tháp có khoảng 21.000 tấn xoài được sản xuất theo quy trình VietGAP, GobalGAP...
Sen cũng là sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp với sản lượng tương đối lớn, từ cây sen đã chế biến được hơn 20 sản phẩm.
Tại diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh Đồng Tháp mới đây, Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ quản lý sản xuất, kinh doanh nông sản, kết nối chặt chẽ đầu vào - đầu ra, giúp bà con nông dân, hợp tác tăng nguồn thu, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Dự định tổ chức lễ hội xoài Đồng Tháp
Từ sự đa dạng trong cơ cấu sản phẩm nông sản của Đồng Tháp, ông Paul Le - Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Group Việt Nam đã nghĩ đến việc tổ chức một lễ hội về xoài Đồng Tháp. Ông Paul Le cho biết, những sản phẩm như xoài, cá basa, gạo của Đồng Tháp được người tiêu dùng ưa chuộng nên Central Group rất muốn đưa vào chuỗi siêu thị của tập đoàn.
Để sản phẩm đáp ứng được nhu cầu, Central Group sẽ đưa ra những yêu cầu về sản lượng để các hợp tác xã, tổ hợp tác của Đồng Tháp có thể đáp ứng được nhu cầu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn đánh giá cao ý tưởng tổ chức lễ hội xoài.
Đại diện tỉnh Đồng Tháp cho biết, sẵn sàng phối hợp tổ chức để quảng bá các nông sản của địa phương.
P.V
Đánh giá tỉnh Đồng Tháp có nhiều tiềm năng để phát triển các vùng nguyên liệu trái cây cung cấp cho thị trường xuất khẩu và trong nước, bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết, sản phẩm mít Thái của Đồng Tháp được đánh giá rất cao.
Thậm chí, mít Thái của Đồng Tháp còn được khách hàng Trung Quốc đánh giá cao nhất khu vực miền Tây.
"Chúng tôi sẽ xây dựng 3 điểm thu mua xoài, mít, sầu riêng tại Đồng Tháp để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của thị trường" - bà Tường Vy nói.
Để đáp ứng nhu cầu của đối tác Trung Quốc, Công ty Chánh Thu sẽ cùng bạn hàng Trung Quốc để tìm hiểu về hai loại nông sản rất tiềm năng, được thị trường Trung Quốc ưa chuộng là sầu riêng và mít.
"Điều chúng tôi lo lắng không phải là đầu ra của sản phẩm vì thực tế nhu cầu thị trường rất cao mà liệu vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu hay không" - bà Vy băn khoăn.
Từ thực tế này, bà Vy kiến nghị chính quyền, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ thành lập, phát triển các hợp tác xã sản xuất trái cây theo đúng tiêu chuẩn của các thị trường, Chánh Thu sẵn sàng tham gia với tư cách là một thành viên của hợp tác xã để hỗ trợ nông dân sản xuất đúng quy chuẩn.
Đánh giá cao ý tưởng này của Chánh Thu, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định, đây cũng là điều mà Bộ NNPTNT đang hướng đến và khuyến khích các địa phương thực hiện. Thứ trưởng Nam đề nghị Đồng Tháp hỗ trợ cho Chánh Thu phát triển những mô hình hợp tác như thế.
Đại diện Sài Gòn Co.op, ông Âu Hoàng Hải cho biết, để nông sản của Đồng Tháp vào được nhiều chuỗi siêu thị lớn, ngoài các tiêu chí pháp lý bắt buộc, cần có thêm những chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, OCOP hay mã xác nhận vùng trồng.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, Đồng Tháp còn có nhiều thế mạnh như du lịch cộng đồng, các sản phẩm OCOP, có rất nhiều tiềm năng về phát triển nông sản trong thời gian tới.
Do vậy, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị Sở NNPTNT Đồng Tháp chỉ đạo, khuyến khích người dân tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm.