Khiếp sợ bẫy đá
Từ TP.Phan Rang - Cháp Chàm, mất hơn 2 giờ đi xe gắn máy và vượt qua đoạn đường đèo cùng những dòng thác treo cheo leo trên vách núi cao, nhóm chúng tôi cũng đến được trước bẫy đá của Anh hùng Pinăng Tắc ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận).
Theo quan sát của chúng tôi, bẫy đá được dựng trên một địa thế vô cùng hiểm trở, một bên là núi cao chót vót, một bên là vực sâu hun hút và ở giữa là con đường độc đạo để vào nơi sinh sống của bà con dân tộc Raglai ở xã Phước Bình. Tất cả những ai muốn đi vào bên trong, buộc phải qua con đường độc đạo này.
Theo sử sách của tỉnh Ninh Thuận ghi lại, giữa năm 1957, người Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy mạnh chiến lược "thượng du vận" ra sức đánh phá ác liệt phong trào cách mạng. Họ dồn đồng bào các vùng Phước Kháng, Phước Chiến về khu tập trung ở Đồng Dày, Tầm Ngân, Bà Râu, Cà Rôm hòng tách quân cách mạng ra khỏi sự đùm bọc của đồng bào. Lúc này Anh hùng Pinăng Tắc đứng lên, kêu gọi hơn 5.000 đồng bào, bà con dân tộc phá khu tập trung đưa bà con trở về núi rừng Phước Bình tiếp tục kháng chiến.
Theo Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, bẫy đá của Anh hùng Pinăng Tắc được Nhà nước công nhận di tích quốc gia năm 2002. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã lập dự án đầu tư để phục dựng mô hình bẫy đá nhằm khôi phục mô hình cho khách tham quan hiểu rõ hơn cơ chế hoạt động của bẫy đá và tái dựng hình ảnh hào hùng của trận đánh năm 1961...
Bị thất bại, phía bên kia cho mở các đợt càn quét vào vùng sâu Phước Bình để vây hãm, dồn ép đồng bào, đánh phá cơ sở do Anh hùng Pinăng Tắc thiết lập, dẫn dắt.
Thấy con đường độc đạo dẫn vào Phước Bình phải qua đèo Gia Túc với một bên là vách núi cheo leo, bên kia là suối đá hiểm trở, nên Pinăng Tắc tận dụng địa thế tự nhiên chế tạo bẫy đá tại khu vực này.
Ông huy động đồng bào chặt cây, cắt dây tết thành những tấm phản lớn tựa lưng vào vách núi. Ở phía dưới được cài then bởi những cây gỗ lớn vừa để chống đỡ vừa để tạo then cài như lẫy nỏ. Dây chằng bằng dây rừng tết lại với nhau để níu giữ bẫy đá. Những khối đá lớn được sức người vận chuyển bằng sức người đến khu vực đặt chồng chất trên tấm phản lớn. Nơi giáp mé sông là hệ thống hầm chông nhọn, được phủ lá mục ngụy trang. Hai bên đường, rừng cây rậm rạp là các bẫy nỏ với mũi tên cùng hệ thống cọc tre vót nhọn tẩm thuốc độc..
Trận đánh vang dội
Toàn bộ khu vực được bố trí với 17 bẫy đá, mỗi giàn chứa hàng chục tấn đá sẵn sàng đổ xuống bất cứ lúc nào. Phía bên trong, Pinăng Tắc cho làm những hình nộm mặc áo giống như trang phục của dân quân, cố ý để phía địch nhìn thấy và tưởng quân cách mạng nên truy quét…
Huyện Bác Ái được giải phóng từ năm 1960
Huyện Bác Ái là một trong những địa phương được giải phóng sớm nhất ở miền Nam, tạo tiền đề giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào tháng 30/4/1975. Đảng, Nhà nước phong tặng 10 tập thể và 4 cá nhân của huyện danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chỉ tính trong năm 1967, quân dân Bác Ái đã bắn rơi 70 chiếc máy bay địch. Anh hùng Chamaléa Châu bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng súng trường.
Trưa 10/8/1961 đã ghi vào lịch sử, phía địch mở trận càn lớn gồm một tiểu đoàn lính Mỹ - ngụy, một đại đội lính bảo an đi theo con đường mòn độc đạo dưới chân đèo tiến vào Phước Bình. Khi đoàn quân địch lọt vào khu, thì hàng trăm tấn đá từ vách núi ầm ầm đổ xuống. Cùng lúc đó những những trận mưa tên, ná, nỏ từ mé rừng bắn ra khiến quân địch kinh hồn bạt vía, hoảng loạn dẫm đạp lên nhau. Khi quân địch bỏ chạy xuống mé đường thì bị sụp những hầm chông và hơn 100 tên bị tiêu diệt tại trận…
Trận đánh bằng bẫy đá của Pinăng Tắc đi vào lịch sử, làm người Mỹ phải khiếp sợ. Năm 1965, Pinăng Tắc được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Lịch sử Đảng bộ huyện Bác Ái cũng ghi lại, riêng năm 1967, huyện Bác Ái tổ chức 61 trận đánh chống càn, tiêu diệt hơn 1.000 địch, riêng vũ khí thô sơ bẫy đá, hầm chông đã khiến hơn 300 tên địch thiệt mạng. Cũng trong năm đó, huy động hơn 10.000 lượt đồng bào vót chông, bố trí tới 3.259 hầm chông, làm 350 mang cung, xây dựng hơn 50 bẫy đá.
Anh hùng Pi năng Tắc (1902-1977), sinh tại xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Ông được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì. Ông nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 5/1965, nhận 3 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba. Ông qua đời ngày 12/1/1977, hưởng thọ 75 tuổi. Mộ ông xây dựng kiên cố nằm ở xã Phước Tiến, huyện Bác Ái. Tại TP.Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh có một con phố mang tên Pinăng Tắc. Tại huyện Bác Ái cũng có ngôi trường mang tên Pinăng Tắc.
(Còn nữa)