Ngay sau hiệu ứng bùng nổ của hai bộ phim VTV đặc biệt Ranh giới và Ngày con chào đời, đã có rất nhiều băn khoăn và cả chỉ trích của một bộ phận khán giả cho rằng những hình ảnh của hai bộ phim này đã xâm phạm tới đời tư của những bệnh nhân được ghi hình.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư khẳng định: "Tôi có rất nhiều những bài học mới sau khi hoàn thành hai bộ phim Ranh giới và Ngày con chào đời.
Đạo diễn trẻ tâm sự: "Tất cả những nhân vật xuất hiện trong bộ phim đều vô cùng ủng hộ ê kíp khi nhận được lời xin phép ghi hình. Cũng có một số cá nhân từ chối nhưng cá nhân tôi cũng không dám ép hay thuyết phục họ. Bởi lẽ, đặt địa vị là họ trong hoàn cảnh đó, tôi hiểu rằng người nhà sẽ thêm nhiều lo lắng khi theo dõi trên truyền hình.
Chỉ có sự trần trụi mới truyền tải được những điều khắc nghiệt nhất mà Covid-19 mang tới. Chính vì vậy, ngay sau khi nhận được sự ủng hộ của mọi người, tôi đã quyết định không che mặt bệnh nhân trong những thước phim đó. Nhưng trên thực tế, những bệnh nhân nào không thể qua khỏi thì ê kíp cũng đã che mặt họ lại để thể hiện sự tôn trọng tới những nạn nhân và người nhà của họ".
Theo Khoản 2, Điều 14, Chương II, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi rõ: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc công khai này chỉ có thể được tiến hành bởi các cơ quan có thẩm quyền. Cơ sở để thực hiện là các cơ quan thẩm quyền sẽ căn cứ trên lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe cộng đồng để quyết định công khai hay không công khai."
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư thông tin thêm: "Trước và trong khi quay hai bộ phim này, tôi đều bám sát những tư vấn của lãnh đạo nhà đài - nhà báo Tạ Bích Loan và nhiều cộng sự khác. Tuy nhiên, mọi người cần hiểu rằng yêu cầu thông tin trong hoàn cảnh thiên tai địch họa sẽ khác biệt so với thông tin trong hoàn cảnh thông thường.
Mỗi cơ quan báo chí sẽ đều có những tôn chỉ riêng và sự điều tiết phù hợp với mỗi tác phẩm báo chí để phục vụ cho nhân dân và phối hợp một cách tốt nhất với các cơ quan báo chí khác".
Những cuộc thi báo chí ảnh hay những tác phẩm báo chí dự thi đều yêu cầu về tính chân thực. Như bức ảnh Em bé Napal hay bức ảnh của những em bé vượt biên đều được đăng tải để phục vụ cho việc tuyên truyền, vì sự phát triển của xã hội. Hay như những thước phim tài liệu về vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ đều có những hình ảnh vô cùng ám ảnh và chân thực đến mức "trần trụi".
Nếu như bộ phim đó được chiếu tại Việt Nam thì chắc chắn những hình ảnh đó sẽ được che mờ. Bởi lẽ những cảnh quay về thiên tai địch họa được công chiếu bởi các tòa soạn báo chí tại Việt Nam đều được kiểm duyệt rất gắt gao và giảm thiểu tối đa những hình ảnh quá ám ảnh, gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý khán giả.
Ngay sau khi hai bộ phim được công chiếu, ngoài những ý kiến trái chiều thì đa số khán giả đều ủng hộ và đồng cảm với ê kíp. Có thể nói, đây là những thước phim đầu tiên về dịch bệnh Covid-19 khiến khán giả nghẹn ngào về những con người đang ngày đêm chống chọi với dịch bệnh tại Bệnh viện Hùng Vương ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Không thể phủ nhận bộ phim đã và đang mang lại những tác động tích cực trong cộng đồng, qua đó là nguồn sức mạnh để nước ta sớm vượt qua những hậu quả mà dịch bệnh Covid-19 đem tới.