Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT cho biết: "Bộ GTVT không nhận được văn bản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc đề xuất nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản".
Đại diện Bộ GTVT cho hay: "Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xin ý kiến Chính phủ, nếu Chính phủ và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lấy ý kiến của Bộ GTVT về việc nhập 37 toa tàu cũ, thì Bộ GTVT sẽ đánh giá trên góc độ quản lý Nhà nước chuyên ngành của Bộ GTVT".
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản với giá 0 đồng, nhưng để đưa những toa tàu này về nước vẫn còn đang vướng nhiều rào cản.
Theo Nghị định 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt nêu rõ, chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị. Đối với toa xe chở hàng không quá 15 năm.
Cùng với đó, toa tàu khách được xem xét, kiểm tra theo Quy chuẩn QCVN 18: 2018/BGTVT do Bộ GTVT ban hành theo Thông tư số 30/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018. Những toa tàu cũ này phải đáp ứng được quy chuẩn này là quy định chi tiết về các điều kiện kỹ thuật và tính năng an toàn kỹ thuật, sau đó mới được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Còn hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành thì không thể nhập và cấp chứng nhận đăng kiểm cho những toa tàu chở khách nước ngoài đã qua sử dụng trên 10 năm. Còn việc các toa xe của Nhật Bản còn tốt hay không sau khoảng 40 năm sử dụng thì chưa thể vội đánh giá. Cần có sự kiểm tra thì mới đánh giá được nó có còn tốt hay không.
Như vậy, với những quy định nêu trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ không thể nhập và được cấp chứng nhận đăng kiểm cho những toa tàu cũ của Nhật Bản.
Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết: "Để thực hiện dự án nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản, đơn vị cần phải có hơn 140 tỷ đồng. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ phải vay vốn ngân hàng thương mại, với thời gian hoàn vốn là hơn 24 tháng của các ngân hàng ViettinBank, AgriBank, BIDV với lãi suất 7%".
Đối với câu hỏi của dư luận, nhập toa xe cũ là đang "đi giật lùi" trong khi đường sắt Việt Nam hiện nay đã rất lạc hậu cả về hạ tầng, ông Minh cho hay, hạ tầng đường sắt Việt Nam lạc hậu ai cũng rõ.
"Còn về phương tiện, hiện tổng công ty có 1.034 toa xe khách, trong đó 50% là các toa xe có tuổi đời từ 20 năm trở lại, 16% có tuổi đời từ 40 năm trở lên và 34% có tuổi đời trong khoảng 30-40 năm. Như vậy phương tiện có thời gian khai thác cũng rất lâu rồi", ông Minh cho biết.
Cũng theo ông Minh, không phải muốn thay phương tiện mới, hiện đại là được vì phải có vốn. Để thực hiện về niên hạn phương tiện theo Nghị định 65/2018, giai đoạn 2021-2025, đường sắt cần đến 7.000 tỷ đồng để đầu tư mới đầu máy, toa xe.