Tại Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP.Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19, ngày 19/10, đại diện các doanhnghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) đồng tình với chủ trương của TP.Hà Nội về việc ưu tiên số một cho phòng chống dịch, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh an toàn. Đồng thời kiến nghị các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, bảo hiểm xã hội…
Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản (JCCI), ông Inoue đã đưa ra 3 đề xuất. Cụ thể, nới lỏng quy định về điều kiện hoạt động của nhà máy và đi lại của người lao động.
Trong đó, đề xuất cho phép người lao động có chứng nhận tiêm phòng vaccine từ 1 mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả âm tính được phép đi làm từ nhà, bất kể đó là vùng dịch hay không; chỉ yêu cầu xét nghiệm với một số lượng người nhất định (5 - 10% tổng số người đi làm); gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính khoảng 2 tuần…
Đề xuất thứ 2, ông Inoue đề xuất nới lỏng tần suất xét nghiệm PCR với lái xe nếu họ đã tiêm vaccine và cho phép lưu thông qua khu vực thực hiện giãn cách trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách.
Cuối cùng, ông Inoue đề xuất cho phép hoạt động bán hàng thống nhất trên toàn TP nếu dáp ứng tiêu chí 5K, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.
Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch EuroCham bày tỏ, Eurocham ấn tượng với quá trình tiêm phủ vaccine tại Việt Nam nói chung và TP.HCM, Hà Nội nói riêng. "DN và cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người nước ngoài. Tuy nhiên, tại khối khách sạn, vẫn còn nhân viên chưa được tiêm mũi 2", ông Minh nói.
Đại diện Eurocham đề xuất, thời gian tới DN được tự chủ hơn về phương án chống dịch, tránh vì 1 ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ nhà máy...
"Chúng tôi tin rằng, đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Hà Nội là điểm đến tiềm năng của DN châu Âu. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cải cách như năm qua sẽ là điểm đến của dòng FDI chất lượng cao từ DN châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Hà Nội và Việt Nam trong tương lai", ông Minh nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, một số đại diện DN đề nghị rút ngắn thời gian cấp phép cho chuyên gia nước ngoài làm việc; có đơn vị giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; giảm thuế, miễn thuế nhưng không nên áp dụng cơ chế giãn thuế; cơ quan chức năng sớm có giải pháp về vấn đề chồng chéo chi phí logistics...
Đại diện Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý cho hay: "Nhà máy của chúng tôi đi vào hoạt động sẽ xử lý 70% rác thải sinh hoạt của toàn TP.Hà Nội. Được xây dựng từ tháng 8/2019, dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2021, đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên bị chậm tiến độ.
Hiện, nhà máy đang hoàn thiện và nghiệm thu, chúng tôi gặp khó khăn điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện, đến nay chưa được Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan phê duyệt, đề nghị Bộ phê duyệt để chúng tôi sớm triển khai đóng điện, đưa nhà máy đi vào vận hành nhằm cùng Hà Nội xử lý các vấn đề về rác thải của TP".
Ghi nhận ý kiến đóng góp, hiến kế của các tổ chức quốc tế, cộng đồng DN, nhà đầu tư nước ngoài, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh giao các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai 5 nhiệm vụ.
Trong đó, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP.
Đặc biệt, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: Quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên-môi trường, y tế... Tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đối với cách DN, ông Chu Ngọc Anh đề nghị các DN chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch phục hồi sản xuất gắn với các phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định.
"Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, phản ánh kịp thời khó khăn, vướng mắc và hiến kế vượt qua khó khăn, từng bước lấy lại đà sản xuất và tăng trưởng", ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hà Nội, càng về cuối năm, cơ hội và triển vọng phục hồi kinh tế càng trở nên rõ nét khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát chủ động hơn, tỷ lệ phủ vaccine tăng nhanh…
"Người Việt Nam có câu nói "trong nguy có cơ". Tôi tin tưởng Hội nghị này là khởi đầu cho một giai đoạn mới, phục hồi và phát triển nhanh hơn, bền vững hơn cho Thành phố chúng ta", ông Chu Ngọc Anh nói, đồng thời khẳng định, lãnh đạo TP cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.