Theo ghi nhận của Dân Việt, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai ở mức 87.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Bình Phước giảm 600 đồng/kg, về mức 88.400 đồng/kg so với ngày 18/10.
Tương tự, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng điều chỉnh giảm nhẹ 500 đồng/kg, về mức 90.500 đồng/kg. Tại Gia Lai, giá tiêu hôm nay còn 86.700 đồng/kg.
Trong khi đó, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông cùng ở mức 88.300 đồng/kg.
Tại đại lý thu mua của Công ty TNHH Hoàng Hân (huyện Krông Năng, Đắk Lắk), giá tiêu xô niêm yết cũng giảm 500 đồng/kg, còn 91.400 đồng/kg so với ngày 18/10. Mặc dù thời gian qua các đại lý liên tục thu mua tiêu giá cao, tuy nhiên thực tế lượng giao dịch không nhiều do đa phần nông dân đã bán hết tiêu ngay từ đầu vụ thu hoạch.
Theo thông tin mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 50% từ đầu năm nhờ giá tiêu liên tục tăng cao kỷ lục.
Cụ thể, đến 30/9/2021, Việt Nam đã xuất khẩu được 212.983 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch đạt 719,16 triệu USD.
So với cùng kỳ năm 2020, lượng xuất khẩu giảm 3,2% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 47%. Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, giá tiêu trong nước tăng trung bình 8.000 đồng/kg. Trong khi giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam tăng 200 USD/tấn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8/10/2021, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l, hạt tiêu trắng xuất khẩu cùng tăng 100 USD/tấn (tăng 2,4%) so với ngày 30/9/2021, lên lần lượt 4.290 USD/tấn, 4.390 USD/ tấn và 6.290 USD/tấn.
Nhìn lại năm 2020, do áp lực dư cung kéo dài nên giá tiêu xuất khẩu bình quân của nước ta vào EU chỉ đạt 2.750 USD/tấn; vào Ấn Độ chỉ đạt 2.280 USD/tấn.
Căn cứ lượng tiêu xuất khẩu các năm trước thì từ nay tới cuối năm 2021, lượng tiêu xuất khẩu có thể đạt 50.000 - 60.000 tấn. Với đà tăng giá trên thị trường thế giới như hiện nay, mặt hàng "vàng đen" rất có thể quay lại mốc kim ngạch tỷ đô la.
Từ sau năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu nước ta liên tục tụt dốc một cách thảm hại, dù sản lượng thì liên tục tăng. Năm 2017 là 1,12 tỷ USD; năm 2018 xuống 758,8 triệu USD; năm 2019 là 722 triệu USD.
Năm 2020 chỉ còn 666 triệu USD, thấp hơn cả giá trị xuất khẩu năm 2010, trong khi khối lượng xuất khẩu "vàng đen" tăng gấp 2,3 lần (đạt 288.000 tấn).
Phải tới tháng 4 năm nay, giá tiêu mới bắt đầu hồi phục trở lại. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự báo giá tiêu sẽ tiếp đà tăng, do sản lượng hồ tiêu của Việt Nam và các nước giảm mạnh vì biến đổi khí hậu và nhu cầu lễ tết cuối năm.
Đã 18 năm nay, Việt Nam liên tục đứng vị trí số 1 toàn cầu về khối lượng hồ tiêu xuất khẩu. Đặc biệt, nhờ diện tích gieo trồng loại cây này tăng mạnh, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước có diện tích và sản lượng thu hoạch tiêu lớn nhất thế giới.
Đứng đầu xuất khẩu hồ tiêu 9 tháng năm 2021 tiếp tục là Công ty Trân Châu với lượng xuất khẩu đạt 19.749 tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ.
Tiếp theo là các doanh nghiệp: Olam xuất khẩu 18.511 tấn, tăng 7,4%; Nedspice: 14.170 tấn tăng 8,5%; Phúc Sinh: 13.455 tấn, giảm 19,9%; Haprosimex JSC: 10.137 tấn, giảm 8,5%; Liên Thành: 8.559 tấn, tăng 39,5%,…