"Con mình ngày nào cũng đòi mẹ, nhìn thấy mẹ là nói: "Bao giờ mẹ về, mẹ về với con đi, con nhớ mẹ lắm rồi". bác sĩ Lê Thị Lan (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 ở Đồng Nai) nghẹn ngào chia sẻ.
Suốt hơn 2 tháng nay, chị đã xung phong vào khu điều trị C2, Trung tâm thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2) để điều trị bệnh nhân Covid-19. Vất vả chăm sóc bệnh nhân, nguy hiểm đối mặt với virus cũng không khiến chị khó chịu bằng việc không được ôm con gái bé bỏng vào lòng mỗi ngày.
Chị Lan chia sẻ, hai vợ chồng chị đều từ ngoài Bắc vào Đồng Nai công tác, bố mẹ vẫn ở ngoài Bắc. Hiện chị có 1 cô con gái 3 tuổi.
"Hai tháng nay, hàng ngày hai mẹ con chỉ được nhìn nhau, nói chuyện một lúc qua điện thoại. Nhưng nhiều khi đúng ca trực muộn, khi mẹ rảnh thì con đã đi ngủ mất rồi. Cả ngày mình không được nhìn thấy con, con thì lúc nào cũng đòi mẹ.
Con mình là con gái nên quấn mẹ rất nhiều. Suốt hai tháng nay hai mẹ con không được ôm ấp nhau, nhớ nhau đến cồn cào. Mỗi đêm, mình đều nằm nhớ con, nhiều lúc làm việc về mệt bã ra mà nhớ con không ngủ được. Mình chỉ mong ước nhanh hết dịch để chạy về ôm con thôi, chỉ mong được ôm con mỗi ngày thôi.
Trước khi đi, mình cũng hướng dẫn con là: "Con ơi, mẹ đi công tác để đánh con Covid-19 ấy nên mỗi khi nhìn thấy mẹ qua điện thoại con lại hỏi: "Mẹ ơi, mẹ đánh con Covid xong chưa, đánh nhanh để về với con?". Mình xót lắm mà chẳng dám hứa với con điều gì", chị Lan rơm rớm nước mắt.
Chị cho biết, khi chị xung phong vào khu điều trị Covid-19, bố mẹ lo mà chồng chị cũng ngăn cản. Anh không lo chị đi vắng lâu không có người chăm sóc con, quán xuyến gia đình mà chỉ sợ nguy cơ vợ bị nhiễm bệnh.
"Nhưng mình vẫn quyết tâm đi. Vì đồng nghiệp của mình còn từ Bắc vào tận đây để tham gia chống dịch, mình sao có thể đứng ngoài cuộc. Mình tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19 chỉ mong muốn được cống hiến một phần sức lực trong công tác phòng chống dịch. Dịch càng nhanh chóng được đẩy lùi, thì mọi người, trong đó có gia đình mình mới trở về cuộc sống bình thường được".
Chị Lan cũng gửi lời cảm ơn chồng đã giúp chị chăm sóc con gái, chu toàn việc nhà để chị yên tâm công tác.
Chia sẻ về vất vả khi điều trị bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19, chị Lan cho biết, thời gian qua, khoa chị tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, bệnh nhân tâm thần không có ý thức phòng bệnh nên chăm sóc, điều trị rất vất vả.
"Trung bình tôi phải ở trong khoa 8 tiếng một ngày. Các bệnh nhân có hành vi rất kích động, nhiều bệnh nhân la hét, đập phá đồ đạc, đánh người. Cả việc tắm giặt, ăn uống họ đều không làm chủ được nên chúng tôi phải giúp họ mọi việc.
Đương nhiên là không thể bắt họ thực hiện 5K, cũng chẳng thể nói họ được. Nên các nhân viên y tế đã phải rất kiên nhẫn. Khó khăn càng khó khăn hơn", chị Lan chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Khoa Gây mê Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Việt Đức) cũng đã cùng đồng nghiệp vào Trung tâm Hồi sức tích cực tại TP.HCM để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trong đợt dịch thứ 4 này.
Chị chia sẻ, trước khi vào TP.HCM, chị và các đồng nghiệp cũng xác định phải đối mặt với những khó khăn, vất vả khi dịch bệnh bùng phát mạnh, số lượng bệnh nhân nặng rất đông.
"Tuy nhiên, khi bước chân vào TP.HCM, tình hình dịch bệnh còn khốc liệt hơn chúng tôi tưởng tượng. Thứ nhất là điều kiện ăn ở sinh hoạt. Dù lãnh đạo bệnh viện đã tạo điều kiện tối ưu nhưng chúng tôi cũng phải thích ứng với sự khác biệt vùng miền từ thời tiết đến đồ ăn thức uống, sinh hoạt đảo lộn.
Trong Bệnh viện dã chiến thời tiết rất nóng, không có điều hòa mà chỉ có quạt thông gió để đảm bảo thông gió, hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Chúng tôi còn liên tục phải mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo khẩu trang nên khả năng hoạt động khó khăn hơn, khả năng chịu đựng cũng giảm sút trong điều kiện làm việc như vậy.
Đáng nói là rất nhiều bệnh nhân nặng, rất nặng, diễn biến chuyển nặng rất nhanh, nhân lực thì hạn chế nên nhiều lúc chúng tôi như con quay, quay vòng vòng hết bệnh nhân này qua bệnh nhân khác để chăm sóc, cấp cứu...", chị Hạnh chia sẻ.
Chị tâm sự, có nhiều buổi trực chị đã rất buồn vì dù mình đã nỗ lực hết sức mà bệnh nhân không qua khỏi. Nhiều ngày đối mặt với mất mát như thế, không chỉ bác sĩ mà kể cả điều dưỡng, nhân viên chăm sóc... đều rất xúc động, buồn bã. Mọi người sa sút khi thấy mình đã bỏ rất nhiều trí lực để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mà không chiến thắng được Tử thần.
Chị Hạnh kể, có lần, vào ca trực, chị đã gặp 1 bệnh nhân nam còn rất trẻ, mới sinh 1991. Khi đến đầu tua trực của chị thì bệnh nhân bắt đầu khó thở. Chị và đồng nghiệp đã dùng mọi cách để cung cấp oxy, hỗ trợ cho bệnh nhân.
Sau đó, bệnh nhân đã không đáp ứng nên tiên lượng phải mở nội khí quản để thở máy. Chị đã hỏi bệnh nhân để gọi điện cho người thân thông báo tình hình.
"Tôi đã gặp người cha để thông báo về tình hình bệnh nhân, những tiên lượng về bệnh tật. Tôi nhớ đã thấy hình ảnh vợ con trong điện thoại của bệnh nhân. Con rất nhỏ, chỉ chừng 2 tuổi cỡ tuổi con tôi", chị Hạnh ngừng lời, cố nén nước mắt muốn rơi.
Chị kể tiếp: "Bệnh nhân rất kiên cường, bình tĩnh để chúng tôi làm thủ thuật. Chúng tôi đã dặn nhau bệnh nhân còn rất trẻ, con nhỏ nên phải dồn hết tâm sức để cứu chữa. Nhưng sau 10 ngày thì bệnh nhân không qua được. Tôi đã dõi theo sức khỏe của bệnh nhân từng ngày và khi thấy bệnh nhân không qua được cảm thấy rất là buồn. Đến giờ, tôi vẫn ám ảnh giây phút ấy".
Chị Hạnh cũng cho biết, làm việc trong điều kiện căng thẳng, phải cố gắng 200-300% sức lực như vậy, các đồng nghiệp nữ càng vất vả, khó khăn hơn nam giới. Cụ thể như điều kiện sức khỏe, khả năng thích ứng với sự thay đổi môi trường, mất nước, cơ thể nóng bức, đói khát, nhiều nữ nhân viên y tế đã ngất xỉu, kiệt sức.
Theo chị Hạnh, công việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 rất đặc thù do không có người nhà bên cạnh. Tại Trung tâm Hồi sức, các bệnh nhân bệnh nặng nên nhân viên y tế phải đảm đương mọi việc từ vệ sinh đến ăn uống, rời giường, luyện tập. Khi đó, nhân viên nữ sức yếu cũng rất khó khăn.
Nhiều nữ điều dưỡng, bác sĩ nặng 45-50kg nhưng vài "hò nhau" lăn trở những bệnh nhân 60-70 thậm chí 80kg, vô cùng khó khăn, mệt mỏi.
Ngoài vấn đề công việc còn về cảm xúc cá nhân, nữ cũng yếu mềm hơn, dễ xúc động hơn. Họ phải đối mặt với khủng hoảng khi mất nhiều bệnh nhân, cố hết sức mà không cứu được họ. Hơn nữa, chị em hầu hết đang có con nhỏ, xa nhà, xa con cái nên nỗi nhớ thương, lo lắng cho gia đình càng nhiều hơn", chị Hạnh dừng lại nghẹn lời.
Rất may, hiện nay công nghệ thông tin hiện đại nên mọi người hết ca trực là có thể gọi điện, gọi video call cho bố mẹ, chồng con nên chị em cũng nguôi ngoai phần nào. Họ cũng luôn phải động viên người nhà bớt lo lắng cho mình.
"Tôi biết bố mẹ tôi cũng rất lo lắng cho con gái nhưng luôn phải gạt đi để động viên mình cố gắng, giữ gìn sức khỏe", chị Hạnh ướt mắt.
Bác sĩ Lê Thị Bảo Ngọc, Khoa Nội Tiêu Hóa (Bệnh viện đa khoa Quảng Nam) cũng đã xung phong vào Trung tâm Hồi sức tích cực do Bệnh viện Y dược TP.HCM phụ trách để hỗ trợ đồng nghiệp.
Chị tâm sự: "Vất vả lắm nhưng có những niềm vui khiến chúng tôi quên đi tất cả. Đặc biệt là lúc làm hồ sơ cho bệnh nhân xuất viện. Chốt 1 của mình khi có bệnh nhân ra viện là mọi người giành nhau làm hồ sơ vì làm hồ sơ ra viện rất là vui.
Sau đó, mỗi lần mình đi qua dặn dò bệnh nhân: "Hôm nay cô được ra viện rồi", mọi người rất cảm ơn. Đó là những ánh mắt lấp lánh lấp lánh khiến mình giống như là được tiêm doping tinh thần vậy".
Những ánh mắt của bác sĩ Ngọc cũng lấp lánh, lấp lánh khi nhắc đến niềm vui được thấy bệnh nhân ra viện. Nguồn BYT
Bộ trưởng Bộ Y tế: "Dịch Covid-19 đã có nhiều câu chuyện chứa đựng sự hy sinh lớn lao của nhân viên y tế"
Hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20 nghìn lực lượng thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương trong hơn 5 tháng qua đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch Covid-19.
Các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế của chúng ta với tinh thần tình nguyện xung phong, sẵn sàng lên đường ngay để hỗ trợ cho các địa phương chống dịch.
Tinh thần ấy được thể hiện với những câu chuyện có thật chứa đựng sự hy sinh lớn lao; có những gia đình hai vợ chồng xung phong và tâm dịch; nhiều cặp đôi đã chọn tâm dịch làm đích đến; các nữ thầy thuốc thu xếp việc gia đình, nhờ bố mẹ chăm sóc con nhỏ để tới những miền đất xa;
Có những y, bác sĩ chưa kịp lên đường nghe tin người thân đau yếu, nhưng sau khi chăm sóc cho người thân ổn định đã đề nghị được thực hiện nhiệm vụ; có những bác sĩ đã nghỉ hưu lặn lội hàng ngàn cây số vào bệnh viện dã chiến trong miền Nam; Có những người phải trải qua nỗi đau mất người thân mà không thể về chịu tang...
Cả lý trí và tình cảm của họ đều thôi thúc rằng người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào, tình đồng chí cao cả.
Đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa qua đã nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần so với bình thường. Họ không chỉ phải vượt qua những thử thách khi cứu người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn, mà còn chịu áp lực rất lớn khi số bệnh nhân tăng lên quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc.
Cùng đó là những khó khăn khi xa gia đình, người thân kéo dài; làm việc lâu ngày trong môi trường căng thẳng và nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng những khó khăn này không cản trở được tinh thần của người thầy thuốc, những người luôn "đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết".
Các thầy thuốc luôn xác định "Không được phép buông tay", vượt lên mọi gian khổ, sẵn sàng đón nhận rủi ro về phía mình, cống hiến hết mình, phát huy sáng tạo, đoàn kết, hiệp lực để chiến thắng dịch bệnh"
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngày 18/10).