Các nhà khoa học hiến kế "thích nghi an toàn" với Covid-19

Diệu Linh Thứ ba, ngày 19/10/2021 06:07 AM (GMT+7)
Các nhà khoa học, các chuyên gia y tế đã một lần nữa ngồi lại hiến kế làm sao để Việt Nam "thích nghi an toàn" với Covid-19 trong thời điểm hiện tại.
Bình luận 0

Ngày 18/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự buổi làm việc của Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học để trao đổi, đánh giá và đề xuất định hướng, giải pháp toàn diện của ngành khoa học, công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia y tế đã chia sẻ các sáng kiến để Việt Nam "sống chung với Covid-19" trong giai đoạn hiện nay.

Phòng chống dịch Covid-19 kiểu Việt Nam

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định hiện tình hình dịch bệnh ở các địa phương trên cả nước khác nhau, tỉ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 khác nhau… thì cách ứng xử với dịch bệnh không thể giống nhau.

Các nhà khoa học hiến kế "thích nghi an toàn" với Covid-19 - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Đình Nam

"Chiến lược ngăn chặn, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị vẫn phát huy hiệu quả với những biện pháp điều chỉnh, bổ sung khi chúng ta đang đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19, chủ động nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị. Các biện pháp phòng, chống dịch phải phù hợp với thực tế của Việt Nam, không thể áp dụng nguyên mô hình của những nước khác", PGS Phu nhấn mạnh.

Theo PGS Phu, chúng ta cũng cần nghiên cứu sâu hơn về giải trình tự gene, đánh giá kháng thể, hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine Covid-19 tiêm ở Việt Nam, điều tra dịch tễ…

Còn theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, qua những đợt dịch Covid-19 cho thấy, cần xây dựng cơ chế huy động nhanh nhất tất cả các nguồn lực, đặt dưới sự chỉ huy, điều hành thống nhất để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch nhanh nhất, tận dụng thời gian quý giá để khoanh vùng, dập dịch sớm nhất có thể.

Đánh giá tác động của dịch Covid-19, quản lý rủi ro

GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc phân tích khung chính sách phòng, chống dịch là vô cùng quan trọng. Điều này giúp triển khai các giải pháp về an sinh, kinh tế, xã hội khi các địa phương từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới an toàn, quản lý được rủi ro cũng như mức độ sẵn sàng ứng phó của hệ thống khi dịch bệnh xuất hiện.

Các nhà khoa học hiến kế "thích nghi an toàn" với Covid-19 - Ảnh 2.

Dịch Covid-19 đã tác động lên mọi mặt của đời sống (Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức TP.HCM. Ảnh BYT)

"ĐHQG Hà Nội đang triển khai nghiên cứu về tác động của dịch bệnh đối với khu vực kinh tế, cả chính thức và phi chính thức, bảo đảm thu nhập, đời sống của các tầng lớp nhân dân, tái cấu trúc về thị trường lao động, việc làm, các chính sách về giáo dục, trẻ em, người yếu thế…", GS.TS Lê Quân cho biết thêm.

Còn theo GS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện đang triển khai các đánh giá về chi phí phòng, chống dịch, tác động của dịch bệnh đến tâm lý xã hội, nền kinh tế.

GS Quang đề nghị tăng cường các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp để giữ chân người lao động nhằm nhanh chóng khắc phục sự đứt gãy của các chuỗi cung, cầu. Đây là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế, đưa ra chính sách đột phá, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, quy định, chính sách.

Lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Những bài học từ ban đầu mang tính chủ trương, nguyên tắc như: Sớm, kiên quyết, dứt khoát, kết hợp khoa học với thực tiễn, nghĩ đến tình huống xấu hơn, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, huy động toàn dân chống dịch… vẫn rất đúng.

Đồng thời, chúng ta đã chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch khi bước đầu đúc kết một số kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống dịch, nhất là trong điều hành, phối hợp giữa các lực lượng. Năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên. Diện bao phủ vaccine, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh. Từng bước bảo đảm được nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị. Ý thức người dân đã cao hơn một mức.

"Việc chung sống an toàn với dịch bệnh là ở trong trạng thái bình thường mới kết hợp chủ động điều chỉnh tích cực ở mọi hoạt động đời sống xã hội", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ thực tế dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao ở quy mô toàn cầu, Phó Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu khẩn trương đánh giá tác động toàn diện của dịch bệnh Covid-19 từ y tế, sức khỏe, kinh tế, xã hội, tâm lý xã hội, giáo dục đến quản lý, điều hành, vận hành một đất nước, một cơ quan, một nhà máy xí nghiệp, đưa ra dự báo xu thế tương lai.

Video: Phân loại và phạm vi đánh giá cấp độ dịch

Video: Phân loại và phạm vi đánh giá cấp độ dịch. Nguồn BYT

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem