Dân Việt

Sử dụng dự trữ ngoại hối: Không bần tiện nhưng không thể tùy tiện

Huyền Anh 20/10/2021 11:12 GMT+7
Có những luồng quan điểm trái chiều về việc dùng dự trữ ngoại hối quốc gia hỗ trợ nền kinh tế. Người thì cho rằng, có thể hoán đổi một phần ngoại tệ để lấy nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Có ý kiến, dùng dự trữ ngoại hối trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới nhiều biến động, hậu quả sẽ rất khó lường.

Thống kê các gói hỗ trợ tại 197 quốc gia, lãnh thổ của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), đến hết quý II/2021, thế giới đã cam kết chi 17.910 tỷ USD, tương đương 15,9% GDP toàn cầu năm 2020, trong đó khoảng 10.905 tỷ USD (9,7% GDP, chiếm 61% tổng các gói hỗ trợ) là các gói hỗ trợ tài khóa, còn lại 7.005 tỷ USD (6,2% GDP, chiếm 39%) là các giải pháp tiền tệ.

Riêng Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ với tổng giá trị khoảng 5.838 tỷ USD, tương đương khoảng 28% GDP của Mỹ năm 2020.

Với Việt Nam, nhằm đối phó với những tác động của đại dịch Covid-19, trong năm 2020 Việt Nam đã sớm đưa ra 4 gói hỗ trợ, tổng giá trị công bố khoảng 1,1 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên tổng giá trị thực - tức là tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng (TCTD) cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020.

Dùng dữ trự ngoại hối hỗ trợ nền kinh tế: Không bần tiện nhưng không thể tùy tiện - Ảnh 1.

Quy mô các gói hỗ trợ của các nước từ đầu năm 2020 đến hết quý II/2021. Nguồn: IMF (tháng 7/2021) - Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp.

Dự trữ ngoại hối: "Giữ tiền lại như một người bần tiện hay tiêu tiền để sống"

Trao đổi với Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, quy mô của các gói hỗ trợ hiện nay của Việt Nam là quá nhỏ, không thể tạo ra sức bật giúp nền kinh tế hồi phục.

Kỳ vọng, cộng đồng doanh nghiệp kể cả kinh tế hộ gia đình có được sự hỗ trợ của Chính phủ mạnh mẽ và hiệu quả như các nước khác đã làm (Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á) theo ông Nghĩa, Việt Nam không thể "quá căn ke" về nguồn lực hỗ trợ.

Theo đó, Bộ Tài chính có thể tính toán phát hành trái phiếu để vay của người dân hoặc vay của ngân hàng trung ương.

"Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương rất lớn, hơn 100 tỷ USD, cao gấp tới 4 lần dự trữ ngoại tệ năm 2009. Đây là nguồn lực có sẵn rất lớn, Chính phủ nên hoán đổi một phần ngoại tệ để lấy nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp", TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị.

Dùng dữ trự ngoại hối hỗ trợ nền kinh tế: Không bần tiện nhưng không thể tùy tiện - Ảnh 2.

Dữ trự ngoại hối quốc gia lên tới hơn 100 tỷ USD. (Ảnh: Bizlive)

Đồng tình, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Ciem đặt vấn đề với PV Dân Việt: "Chúng ta giữ tiền lại như một người bần tiện hay tiêu tiền để sống?". Trong trường hợp cần thiết, theo ông Cung việc dùng dữ trự ngoại hối để hỗ trợ nền kinh tế cũng cần được tính đến.

Vị chuyên gia này cho rằng, dư địa chính sách của Việt Nam bây giờ tốt hơn rất nhiều và còn nhiều dư địa so với giai đoạn 2009 – 2011 như lạm phát thấp và ổn định; hệ thống tài chính tuy còn rủi ro, nhưng vững và tốt hơn rất nhiều; bội chi ngân sách và nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép; cán cân đối ngoại tốt hơn, dự trữ ngoại tệ trên 100 tỷ USD…

Trong bối cảnh hiện nay, muốn phục hồi kinh tế, Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh chi hơn nữa, tăng bội chi ngân sách để có nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kích thêm đầu tư để phục hồi kinh tế.

Không thể tùy tiện dùng dự trữ ngoại hối quốc gia

Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh với PV Dân Việt, không thể dùng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh hiện tại.

Ông Lực phân tích, giá trị ngoại hối của Việt Nam hơn 100 tỷ USD mức cao kỷ lục của Việt Nam nhưng con số này chỉ tương đương với gần 4 tháng nhập khẩu - mức thấp trong khu vực Asean. Mặc dù, con số này chỉ trên ngưỡng khuyến nghị của IMF là 3 tháng nhập khẩu nhưng các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia hay Philippines thông thường là 8 – 14 tháng nhật khẩu.

Hơn nữa, sử dụng ngoại hối hỗ trợ nền kinh tế đưa ra tín hiệu "rất không tích cực" cho quốc gia – theo ông Lực. "Các quốc gia sẽ cho rằng Việt Nam đang rất là khó khăn phải sử dụng tới dự trữ ngoái hối để hỗ trợ nền kinh tế. Từ đó ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam, ảnh hưởng thu hút đầu tư nước ngoài và thậm chí là tỷ giá, đồng tiền của Việt Nam", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Dùng dữ trự ngoại hối hỗ trợ nền kinh tế: Không bần tiện nhưng không thể tùy tiện - Ảnh 3.

Không tùy tiện dùng dữ trữ ngoại tệ hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt. (Ảnh: LT)

Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, quỹ dữ trữ ngoại tệ chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt.

Trong bối cảnh thế giới được dự báo là khó khăn và bất định hơn nhiều so với giai đoạn 2016-2020. Nội tại, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chưa kể đến, gần đây có hiện tượng một vài đơn hàng của các doanh nghiệp FDI dịch chuyển khỏi Việt Nam, làm dấy lên lo ngại trong tương lai dòng vốn FDI có thể rút hẳn sản xuất khỏi Việt Nam. Điều này gây bất lợi cho nền kinh tế, nếu dự trữ ngoại hối không đủ lớn thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, theo ông Thành, Chính phủ có thể đi vay, vay nước ngoài hoặc vay trong dân.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi tại buổi họp báo kết quả kinh doanh quý III/2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước phải nỗ lực rất nhiều năm mới đạt được mức dự trữ quốc gia như hiện nay. Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia là để phục vụ điều hành tỷ giá. Chính sách tỷ giá ổn định thì doanh nghiệp, người nắm giữ ngoại tệ, doanh nghiệp FDI mới yên tâm, không sinh ra kỳ vọng hưởng lợi khi tỷ giá thay đổi.

"Thời gian qua, tăng trưởng GDP có thể thấp, nhưng ổn định tỷ giá là điều kiện tuyệt vời cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh giãn cách do dịch bệnh, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp có thể bị đình trệ, nhưng đó là ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhất thời. Ngược lại, nếu tỷ giá bấp bênh, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất e ngại. Vì thế, Chính phủ rất quan tâm và có quỹ dự trữ ngoại hối 100 tỷ USD để làm nền tảng tạo ra sự điều hành tỷ giá được ổn định. Sử dụng quỹ dự trữ này là vấn đề đại sự", ông Tú nói.