Theo TS Ngô Tự Lập - Viện trưởng viện Quốc tế Pháp ngữ (ĐHQG Hà Nội) thì quá trình hình thành kịch nói của Việt Nam diễn ra song song với sự tăng cường ảnh hưởng của văn hóa Pháp và sự truyền bá chữ Quốc ngữ với sự đóng góp của những trí thức Tây học, đặc biệt là học giả Nguyễn Văn Vĩnh - người đã dịch sang tiếng Việt nhiều tác phẩm kinh điển của Pháp, trong đó có các vở kịch như: "Trưởng giả học làm sang", "Lão hà tiện", "Bệnh tưởng"...
Trước đó, khi tiếp nhận ảnh hưởng của sân khấu phương Tây, Việt Nam chỉ có ca kịch, với hai thể loại phổ biến nhất là Chèo và Tuồng. Đầu thế kỷ XX, một thể loại ca kịch mới là Cải lương được hình thành ở Nam Bộ trên cơ sở nhạc Tài tử. Thể loại sân khấu mới này hòa trộn nhiều nguồn ảnh hưởng, trong đó đáng chú ý là có cách trình diễn tại nhà hát có phông màn theo lối của người Italia.
Năm 1911, Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng, đánh dấu một sự chuyển biến quan trọng trong hoạt động biểu diễn ở Việt Nam khi đó. Các trí thức và nghệ sĩ Việt Nam thời bấy giờ nung nấu khát vọng xây dựng một nền nghệ thuật sân khấu mới có thể phản ánh chân thực đời sống xã hội Việt Nam đương thời. Trong số này phải kể đến Phạm Ngọc Khôi, Trần Tuấn Khải và Vũ Đình Long.
Năm 1921, vở kịch "Chén thuốc độc" do kịch tác gia Vũ Đình Long viết và được trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội đã làm nên một cuộc cách tân đối với nền sân khấu dân tộc thời bấy giờ.
Trong thời kỳ "Âu phong Á vũ", nhu cầu giải trí trong quần chúng dâng cao. Nhóm Tự Lực văn đoàn đã manh nha thể nghiệm những hình thức văn nghệ mới. Nhiều vở kịch được đăng liên tục trên các báo Phong hoá, Ngày nay… do tác giả tứ phương gửi về. Năm 1935, thi sĩ Thế Lữ cùng các ông Lan Sơn, Lê Đại Thanh lập ban kịch Thế Lữ tại Hải Phòng, chủ yếu diễn các vở của Vi Huyền Đắc và Thế Lữ. Lúc bấy giờ, đây là ban kịch hướng đến chuyên nghiệp hóa nhất.
Có một thời "sân khấu vàng son" đã từng in đậm trong tâm trí của nhiều người. Thời đó, cứ mỗi lần sân khấu sáng đèn, khán giả rồng rắn xếp hàng mua vé trước cửa rạp để được thưởng thức "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"; "Tôi và chúng ta", "Nhân danh công lý", "Đợi đến mùa xuân"; "Bệnh sĩ", "Cuộc đời tôi"…
Những vở kịch khai thác mạnh về tâm lý xã hội Việt Nam được ưa chuộng tới mức, có những vở, mỗi ngày phải diễn tới 4-5 suất để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Và đây cũng chính là thời kỳ xuất hiện nhiều "tên tuổi vàng" của làng sân khấu kịch nói như: Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng...
Trải qua nhiều thăng trầm, sân khấu đứng trước rất nhiều khó khăn, nhất là khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Riêng với sân khấu kịch nói, đa phần các Nhà hát hoặc Đoàn kịch đều đang phải "nỗ lực cánh sinh" khi các cơ chế bao cấp đang dần được xoá bỏ.
Mặc dù vẫn còn nhiều đạo diễn, tác giả, nghệ sĩ… tâm huyết với kịch nói nhưng trong bối cảnh xã hội hiện tại, việc kéo được khán giả đến với kịch nói là điều không hề dễ dàng. Ngoài ra, việc thiếu vắng nhiều vở kịch chất lượng, đáp ứng trúng thị hiếu của khán giả và bám sát hơi thở của thời đại cũng khiến cho sân khấu không còn thế đứng vững chắc như trước.
Đạo diễn, NSND Minh Ngọc chia sẻ với Dân Việt rằng: "Trước dấu mốc lịch sử 100 tuổi, nhìn lại chặng đường đã qua, tôi tự hào vì kịch nói Việt Nam đã có những giai đoạn cực thịnh nhưng cũng ngậm ngùi vì nhiều hạn chế tồn đọng khiến kịch nói Việt vẫn còn "ngủ đông", điều này có thể dẫn đến nguy cơ khán giả sẽ quay lưng với sân khấu kịch".
Theo NSND Minh Ngọc, kịch nói đang thiếu những dấu ấn và phong cách sáng tạo riêng, thiếu tính đối thoại, phản biện từ cuộc sống. Kịch nói phải chạm đến góc khuất của những tấm gương hy sinh vì cộng đồng và dự báo một cuộc sống trong điều kiện bình thường mới người dân.
"Kịch nói Việt Nam phải có sự thay đổi, lột xác mạnh mẽ ngay từ hình thức dàn dựng, biểu diễn lẫn phương thức tiếp cận khán giả. Đại dịch Covid-19 cũng là dịp cho nghệ sĩ sân khấu kịch nói nhìn lại và thích ứng để tồn tại. Trước mắt là đội ngũ làm nghề đúng nghĩa không thể buông xuôi mà phải chỉnh đốn ngay những mặt chưa làm được thông qua đề án cải tiến. Sớm kiến nghị với địa phương, tham mưu với chính quyền để giữ cho được những ưu thế đang có", NSND Minh Ngọc nói thêm.
Bày tỏ với Dân Việt, NSND Lan Hương cũng cho rằng, lứa nghệ sĩ của chị từng thăng hoa lên tột đỉnh khi được tham gia các vở diễn vang tiếng của nhiều tác giả nổi tiếng như: Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Xuân Huyền, Lê Hùng… ở Nhà hát Tuổi trẻ. Từng ôm chầm lấy nhau khóc khi thấy sân khấu chật kín người, khán giả xếp hàng vào xem hết suất diễn này đến suất diễn khác. Tuy nhiên, sân khấu nhiều năm trở lại đây đã không còn được như trước.
"Sân khấu kịch nói đang đứng trước quá nhiều thử thách. Chưa bao giờ thấy kịch nói lại trầm và buồn đến thế. Khán giả gần như quay lưng với sân khấu và chúng ta cũng loay hoay với việc kéo khán giả trở lại với sân khấu.
Chúng ta vẫn chưa chịu thay đổi tư duy về làm kịch nói nên vẫn chưa thực sự có được những đột phá. Chúng ta đang thiếu những kịch bản hay, mang hơi thở của thời đại và đáp ứng được thị hiếu của công chúng. Chúng ta đang thiếu sự đầu tư đúng tầm để tạo ra những vở kịch chất lượng, độc đáo, thú vị", NSND Lan Hương nhấn mạnh.
Trong rất nhiều hội thảo, các đạo diễn, kịch tác gia, nghệ sĩ… cũng vẫn trăn trở với việc tìm hướng đi mới cho sân khấu kịch nói hiện đại. Nhiều người cảm thấy đau lòng và có lỗi vì để cho một nền sân khấu từng rất huy hoàng đang "dẫm chân một chỗ". Nhiều hội thảo được tổ chức để tìm giải pháp vực dậy sân khấu nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa có sự biến chuyển.
Chia sẻ với Dân Việt, NSND Trịnh Thuý Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam sẽ được tổ chức từ 21 đến 27/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Để kỷ niệm sự kiện này, Hội đã tái dựng tác phẩm kịch nói đầu tiên "Chén thuốc độc" của tác giả Vũ Đình Long.
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, việc dựng lại và biểu diễn vở "Chén thuốc độc" là hoạt động chính kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.
Vở kịch phản ánh hiện thực xã hội đương thời một cách sâu sắc và chân thực, qua nghệ thuật kịch ảnh hưởng phương Tây. Vấn đề hiện đại hóa đã được thể hiện qua thể loại, nội dung và hình thức, mở đường cho sự phát triển của loại hình kịch nói hiện đại sau này.
Cũng chính bởi sự đặc biệt ấy, nhiều diễn viên của các nhà hát cùng được chọn để tham gia vở diễn. Đây không chỉ là tác phẩm ghi dấu thành quả lao động nghệ thuật của hậu bối, mà còn là cái mốc để các nghệ sĩ cùng tự soi lại chặng đường đã qua để tự hoạch định đường hướng phát triển trong giai đoạn tới.
Trong khuôn khổ hoạt động, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ công diễn vở "Chén thuốc độc" (tác giả: Vũ Đình Long, đạo diễn: Bùi Như Lai); Nhà hát Kịch Việt Nam với vở "Người tốt nhà số 5" (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn NSƯT Tạ Minh Tuấn); Nhà hát Tuổi trẻ vở "Ai là thủ phạm" (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: NSƯT Chí Trung); Sân khấu Lucteam vở "Bạch đàn liễu" (tác giả: Xuân Trình, đạo diễn: NSƯT Trần Lực); Nhà hát kịch Hà Nội vở "Phải có ba đồng" (tác giả: Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Lê Hùng).
Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo "100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam – Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển"; Gala "Tinh hoa hội tụ 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam" do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu TPHCM tổ chức.