Dẹp nạn “nhạc rác” dung tục, phản cảm: Chỉ cần phạt tiền là đủ?
Dẹp nạn “nhạc rác” dung tục, phản cảm: Chỉ cần phạt tiền là đủ?
Hà Tùng Long
Thứ sáu, ngày 15/10/2021 13:30 PM (GMT+7)
Trước vấn nạn "nhạc rác" đang ngày càng gây "nhức đầu" cho các nhà quản lý lẫn công chúng thưởng thức âm nhạc, nhiều người cho rằng, không nên chỉ phạt tiền mà cần phải có các biện pháp mạnh tay hơn.
Nhạc rác - nếu chỉ phạt tiền, mọi thứ vẫn chưa dừng lại
Mới đây, Thanh tra Bộ VHTT&DL đã ra quyết định xử phạt rapper Chí (tên thật Lê Vũ An) – thành viên nhóm Rap Nhà Làm vì vi phạm hành chính khi lưu hành bản ghi âm "Thích Ca Mâu Chí" trên mạng xã hội có nội dung xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo với số tiền 45 triệu đồng.
Đồng thời, rapper Chị Cả (tên thật Đinh Thanh Tùng) cũng bị phạt vì vi phạm hành chính về lưu hành bản ghi âm "Censored" (Mua cho con chiếc còng tay) trên mạng xã hội có từ ngữ trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc số tiền 35 triệu đồng.
Trước đó, Thanh tra Bộ VHTT&DL từng xử phạt hai trang nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam số tiền 16 triệu đồng do phổ biến bản ghi âm bài hát "Phiếu bé ngoan", "Tan Ka Ka" (Ganja) có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế là sau các án phạt tiền, số lượng các bài hát dung tục và phản cảm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều người vẫn ngao ngán khi thỉnh thoảng lại "thòi" ra những bài hát có ca từ vô nghĩa, nhảm nhí, phản cảm, tục tĩu như: Lên nóc nhà bắt con gà, Chuyện thằng say, Ô mai chuối, Số nhọ, Mất trí nhớ, Không cảm xúc, Mượn xe nhớ đổ xăng, Nắng cực...
Liệu phạt tiền có phải là giải pháp duy nhất để ngăn chặn tình trạng "nhạc rác". Và nếu phạt tiền không hiệu quả thì có nên đưa ra các giải pháp mạnh tay hơn về công nghệ?
Bản thân ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục NTBD cũng bày tỏ với Dân Việt rằng, về lâu dài, cần phải có những quy định, chế tài quản lý rõ ràng và nghiêm minh hơn. Vừa để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật sáng tác, sản xuất, đăng tải các sản phẩm có nội dung chất lượng nghệ thuật tốt trên các kênh mạng xã hội; nhưng đồng thời cũng phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân làm ra các sản phẩm có nội dung thiếu chuẩn mực đạo đức, vi phạm quy định pháp luật.
"Việc lưu hành các sản phẩm trên không gian mạng cũng là xu thế phổ biến hiện nay. Vì thế, các cơ quan chức năng cũng cần có chính sách quản lý phù hợp đối với hoạt động này. Theo quy định hiện nay thì các sản phẩm này chủ yếu là hậu kiểm song trong thời gian tới Cục cũng sẽ nghiên cứu để có biện pháp quản lý hậu kiểm chặt chẽ hơn, đảm bảo các tổ chức, cá nhân đăng tải những nội dung nào đó lên mạng xã hội cá nhân, kênh YouTube… sẽ phải nâng cao ý thức trách nhiệm hơn", ông Lê Minh Tuấn nhấn mạnh.
Phải nhìn nhận lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam từng nhận định với Dân Việt rằng, sự luống cuống của dòng nhạc tuổi "teen", sự ra đời của nhạc chế, tất yếu dẫn đến "nhạc rác". Chúng đã phần nào ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ.
Trao đổi với Dân Việt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, đã đến lúc cần phải có các biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với "nhạc rác". Để xử lý được một cách triệt để "vấn nạn" này cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng. Nếu chỉ giải quyết bằng việc xử phạt vi phạm hành chính thì mọi việc sẽ vẫn chưa dừng lại.
"Tôi đánh giá rất thấp những người sáng tạo nghệ thuật mà cứ muốn thể hiện cái ngông, cái thô, cái tục trong những tác phẩm của mình. Là người sáng tạo nghệ thuật thì đừng nên dễ dãi với tất cả mọi thứ.
Về việc phát hành hiện nay, tôi thấy việc kiểm duyệt có quá nhiều kẽ hở. Nếu ngày xưa, một sản phẩm băng đĩa nhạc được kiểm duyệt qua nhiều khâu và có gì chưa phù hợp phải chỉnh sửa ngay thì bây giờ mọi thứ quá dễ dãi. Cái này cũng phải nhìn nhận lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT có những biện pháp cứng rắn hơn về việc phổ biến, phát hành những loại "nhạc rác" như thế. Người nghệ sĩ hoàn toàn có thể bày tỏ cái tôi, cái bất mãn với cuộc sống thông qua những tác phẩm của mình nhưng phải có văn hóa (sạch sẽ), có trí tuệ (khéo léo) và có nghệ thuật (tinh tế)", Nguyễn Văn Chung bộc bạch.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng bày tỏ với Dân Việt rằng, thay vì cứ phát hiện cái gì đó không phù hợp và dư luận bức xúc là cơ quan quản lý mới đưa ra hình thức xử phạt thì hãy thay đổi cách quản lý để giám sát chặt chẽ hơn.
Cần đưa ra những chế tài cụ thể và đủ mạnh để xử lý các vi phạm. Phải làm sao để việc xử phạt không chỉ có tính răn đe mà còn có tính giáo dục. Và phải ngăn chặn làm sao để các sản phẩm âm nhạc "độc hại", "rác rưởi"... không thể xâm nhập vào đời sống và tác động đến lối sống của giới trẻ.
"Bên cạnh xử phạt những người sáng tác và phổ biến sản phẩm "nhạc rác", Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin & Truyền thông cần có biện pháp xử lý thật nghiêm đối những kênh YouTube đăng tải các sản phẩm có nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm truyền thống văn hóa của dân tộc.
Những sản phẩm "nhạc rác" có nội dung không tốt, vi phạm các giá trị chuẩn mực đạo đức, vi phạm truyền thống văn hóa dân tộc và các quy định pháp luật hiện hành cần phải sớm loại bỏ bằng các biện pháp công nghệ", nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.