Băng rừng đến với học sinh vùng khó
Cô giáo Phan Thị Thu (sinh năm 1991) sinh ra và lớn lên ở xã Ea Bung, một xã vùng biên thuộc huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk.
Năm 2011, cô Thu ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi, nghe tin ở huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đang có cuộc thi tuyển giáo viên, cô liền nộp hồ sơ dự tuyển. Cô giáo trẻ trúng tuyển và được nhận công tác tại trường PTDT Bán Trú Tiểu học Hà Đông (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, Gia Lai).
"Lúc đó, tuổi trẻ nên mình muốn dấn thân và thử sức ở vùng đất mới để thực hiện ước mơ được đứng trên bục giảng. Đi trên con đường rừng sâu thăm thẳm, heo hút mình cũng có lúc nao lòng, muốn bỏ cuộc. Nhưng khi đến trường, chính tâm huyết của các giáo viên đồng nghiệp và sự khao khát muốn tìm con chữ ở trẻ em người Bahnar đã thôi thúc mình tiếp tục ở lại vùng cao này", cô Thu tâm sự.
Trên chiếc xe máy cà tàng, cô giáo mới 21 tuổi một mình chạy băng băng trên con đường rừng ở tuyến biên giới Quốc lộ 14C, nối 2 tỉnh Đăk Lăk - Gia Lai kéo dài cả trăm cây số. Cô giáo trẻ còn phải chật vật xuyên qua cánh rừng già từ xã Đăk Smei vào Hà Đông dài 30 km để vào được vào trường học.
Thấy cô giáo trẻ vượt hơn 300 km từ tỉnh Đăk Lăk để vào "ốc đảo" Hà Đông dạy học khiến ai cũng nể phục. Vì quãng đường xa và gian nan như vậy nên mỗi tháng cô Thu chỉ có thể tranh thủ về thăm gia đình một đôi lần.
Cô Thu bộc bạch: "Thấy em đi lại vất vả và dạy ở vùng khó khăn nên gia đình cũng xót. Em cũng muốn dạy gần nhà để đỡ đần bố mẹ. Tuy nhiên, khi dạy ở đây em cảm nhận được tình yêu của phụ huynh, học sinh và lòng nhiệt huyết của các thầy cô giáo trẻ đã níu chân em đến hôm nay".
"Dành tuổi thanh xuân cho vùng cao"
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1996, TP Pleiku, Gia Lai) từng theo học lớp Sư phạm Tiểu học, trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Năm 2018, sau khi ra trường, cô dạy hợp đồng cho một trường tiểu học ở huyện Chư Prông trong thời gian khoảng 5 tháng.
Sau đó, cô Hồng bắt tay vào ôn thi để tham gia vào kỳ thi tuyển giáo viên trên địa bàn huyện Đăk Đoa. Khi trúng tuyển, năm 2019, cô giáo Hồng tình nguyện nộp hồ sơ lên xã miền núi Hà Đông, cách nhà gần 100km để dạy học.
Lúc bấy giờ, tình yêu nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ đã thôi thúc cô giáo 9X mang con chữ đến với những em nhỏ vùng cao. Thế nhưng, khi chưa đến trường học, cô Hồng không nghĩ được rằng bà con trên này lại khó khăn đến như vậy.
Cô giáo Hồng cho biết, nơi đây thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện, học sinh toàn bộ là người Bahnar. Nhiều em gia đình khó khăn, hay bỏ học theo bố, mẹ lên rẫy. Chính vì vậy, cô và các đồng nghiệp luôn phải vượt rừng để vào khu nhà đầm vận động học sinh ra lớp. Các cô còn bỏ tiền túi mua sách, vở, kẹo để dỗ học trò trở lại trường học hay tặng thưởng những cố gắng đáng khen của các em trong học tập.
Bằng tình thương và trách nhiệm của một người giáo viên, cô giáo Hồng quyết tâm bám vùng nghèo để gieo chữ tới các em nhỏ nơi đây. Dù gặp muôn vàn khó khăn trên hành trình gieo chữ, cô giáo trẻ vẫn kiên trì bán trụ dạy học "ốc đảo".
Bên cạnh thời gian lên lớp dạy học, cô giáo Hồng còn vào nhà dân trong làng để hỏi han, giúp đỡ mọi người những công việc nhỏ trong cuộc sống, sinh hoạt đời thường. Cô Hồng còn đi bẻ măng, hái rau rừng để mang về nấu ăn cho các em học sinh của mình.
Tương tự, cô giáo Nguyễn Thị Diễm (sinh năm 1993, thôn 4, xã Biển Hồ, TP Pleiku, Gia Lai) và em gái là Nguyễn Thị Út (sinh năm 1997) đã có nhiều năm "bám trường, bám bản" tận tụy gieo chữ cho học trò vùng cao.
Cô Diễm tâm sự: "Năm 2015, em xin vào làm hợp đồng tại trường này. Lúc đó, mỗi tháng chỉ nhận được khoản lương 2,5 triệu đồng. Số tiền này có lẽ chỉ đủ đổ xăng và mua nhu yếu phẩm trong sinh hoạt. Nhưng em thấy dạy ở đây rất ý nghĩa, các em học sinh đồng bào đều rất ngoan ngoãn và chăm chỉ học tập. Tuy nhiên, trong việc học giữa cô trò còn gặp khó khăn trong giao tiếp vì tiếng Việt các em còn chưa rõ".
Năm 2017, Diễm đã trúng tuyển vào biên chế và cũng xin ở lại trường để tiếp tục công việc dạy học. Năm 2019, cô Út cũng trúng biên chế và được xếp vào dạy tại trường cùng với chị gái của mình. Trải qua nhiều năm, hai cô cũng đã coi trường học ở "ốc đảo" Hà Đông như ngôi nhà thứ 2 của mình.
Trao đổi với PV, thầy Đỗ Thiện Úy - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú tiểu học Hà Đông cho biết: "Trong trường đa phần là các thầy cô giáo trẻ và ở rất xa trường. Tôi thấy ở các thầy cô giáo luôn có lòng nhiệt huyết, sẵn sàng bám trường để hoàn thành sứ mệnh "trồng người". Quãng đường để vào trường phải vượt qua muôn vàn khó khăn, nhiều giáo viên đã gặp nạn trên đường đi. Bản thân tôi cũng rất trân trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giáo viên được yên tâm công tác".