Khi đề cập tới đề xuất nhập 37 toa tàu cũ Nhật Bản của TCT Đường sắt Việt Nam mới đây, ông Khôi cho biết: "Mặc dù, chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường sắt, nhưng chúng tôi không biết gì về việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam muốn nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản".
"Cho đến thời điểm này, tôi chưa nhận được văn bản chính thức nào từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản. Không biết, doanh nghiệp gửi văn bản tới đâu, tôi cũng chỉ nắm được thông tin qua các cơ quan báo chí", ông Khôi bất ngờ về thông tin nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản.
Khi được hỏi về quan điểm của Cục Đường sắt về việc nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản, ông Khôi dứt khoát trả lời: "Chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức nào về việc này, nên không có quan điểm hay đánh giá nhận xét gì. Khi nào có văn bản chính thức từ Bộ GTVT hay từ doanh nghiệp, chúng tôi sẽ có văn bản phản hồi theo đúng chuyên môn của Cục".
Đối với các thông tin trái chiều về việc nhập những toa tàu cũ như nhập đồ rác thải của Nhật Bản, theo nguồn tin của PV Dân Việt, qua trao đổi với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) cho biết, hiện nay, có rất nhiều hãng vận tải đường sắt địa phương tại Nhật Bản vẫn đang nhận tàu Kiha 40/48 của JR East để tiếp tục sử dụng tại Nhật Bản. Gần đây nhất là hãng tàu Kominato ở Chiba có nhập 5 toa và đang đưa vào sử dụng.
Phía JR East (Nhật Bản) cũng cho biết thêm, tính đến thời điểm 1/4/2021, các hãng tàu của Nhật Bản vẫn đang sử dụng 450 toa tàu này trên hệ thống của JR (JR Hokkaido: 107, JR West: 245, JR Shikoku: 20, JR Kyushu: 78). Nếu tính cả các toa tàu đã hoán cải và toa tàu vận hành bởi các hãng tàu địa phương thì khoảng hơn 500 toa tàu đang được vận hành thường xuyên trên hệ thống đường sắt Nhật Bản.
Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt về tính hiệu quả kinh tế khi mua 37 toa tàu cũ Nhật Bản giá 0 đồng, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết: "Giá thành để đưa 1 toa tàu cũ của Nhật Bản vào sử dụng thấp, chỉ khoảng 3,8 tỷ đồng/toa, số lượng ghế ngồi lớn khoảng 68 – 82 chỗ ngồi.
"Toa tàu này sử dụng công nghệ mới trên đường sắt, toa tàu có thể chạy độc lập không cần nối đoàn, tạo ra sự cơ động khi chạy tàu. Đặc biệt, chi phí chạy tàu thấp do có thể tự vận hành, không phụ thuộc vào đầu máy hay xe phát điện", ông Minh phân tích.
So sánh với những toa tàu đóng mới trong nước, ông Minh cho biết, hiện nay, giá thành đóng những toa tàu mới trong nước có giá rất cao khoảng 10,5 tỷ đồng/toa; giá thành toa xe tự hành mới nhập khẩu có giá khoảng 30 tỷ đồng/toa.
Cũng theo ông Minh, toa tàu thông thường của Việt Nam đang khai thác, không thể tự chạy và phải nối với đầu máy nên tạo ra chi phí chạy tàu lớn. Chi phí chạy tàu lớn, chạy theo đoàn vì vậy sẽ có nhiều chi phí phát sinh, phí đầu máy, phí xe phát điện...