Dân Việt

Để đạt mục tiêu GDP năm 2022: ĐBQH lo thiếu hụt lao động, đứt gãy về mặt giáo dục, đào tạo nghề

Thanh Phong 22/10/2021 11:35 GMT+7
Theo nhận định của các ĐBQH, để đạt mục tiêu GDP năm 2022 đề ra ở mức 6 - 6,5%, Chính phủ cần nhanh chóng có chiến lược tổng thể về phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đạt khoảng 6 - 6,5%. Theo nhận định của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), mục tiêu này có thể đạt được nếu trong hoàn cảnh thuận lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng, để đạt được mục tiêu này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa: Xây dựng chỉ tiêu kinh tế phù hợp với từng cấp độ dịch

Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ đã đưa ra 16 chỉ tiêu và 12 giải pháp. Tôi cho rằng các chỉ tiêu và giải pháp này được đưa ra tổng thể và toàn diện.

Về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đề xuất mức tăng GDP năm 2022 là 6 – 6,5%. Theo tôi, để có thể đạt mục tiêu này cần có sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt, các bộ ngành thuộc Chính phủ cũng như chính quyền địa phương các cấp.

Đạt mục tiêu GDP năm 2022: Cần có chiến lược cụ thể - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa. (Ảnh: Thanh Phong)

Như chúng ta đã biết, trong năm 2021, đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề về nhiều mặt, cả về kinh tế lẫn xã hội. Do đó, các chỉ tiêu về kinh tế, GDP đã được dự báo không thể hoàn thành mức 6% trong năm 2021 do Quốc hội đề ra. Dự kiến chỉ đạt được 3%.

Để đạt được chỉ tiêu 6 – 6,5% trong năm 2022 đòi hỏi chúng ta phải có những chiến lược, bước đi rất cụ thể, chi tiết. Theo tôi, trước hết, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng, ban hành, trình cấp có thẩm quyền chiến lược tổng thể về phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội. Để chiến lược này đảm bảo tính khả thi cần tăng cường công tác dự báo.

Trên cơ sở các dự báo đó, mới có thể xây dựng các kịch bản ở cấp độ dịch khác nhau. Sau đó, chúng ta mới có thể xây dựng được các chỉ tiêu phù hợp với các cấp độ dịch.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu

Đạt mục tiêu GDP năm 2022: Cần có chiến lược cụ thể - Ảnh 2.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc. (Ảnh: Thanh Phong)

Không ai có thể dự báo được bao giờ kiểm soát được dịch Covid - 19, hay các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Mức tăng trưởng 6,5% được Chính phủ xây dựng dựa trên nhận định lạc quan rằng Covid - 19 có thể được kiểm soát tốt và độ bao phủ vaccine sẽ được đảm bảo vào quý I năm 2022.

Và thực tế dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, nhiều tỉnh thành đã mở cửa. Nếu việc tiêm phủ vaccine đảm bảo tiến độ, thì mục tiêu tăng trưởng 6,5% là khả thi. Hiện nay chúng ta đang trên nền tăng trưởng thấp, nếu khôi phục lại năng lực sản xuất, thì mức tăng trưởng thậm chí có thể bật cao hơn.

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa: Chiến lược nghề nghiệp cần có được sự quan tâm mạnh mẽ

12 giải pháp được Chính phủ đưa ra có giải pháp thứ 5 liên quan tới giáo dục đào tạo. Theo đó, nội dung về giáo dục nghề nghiệp được quy định rất rõ, ưu tiên đào tạo nghề với các đối tượng thanh niên chưa có việc làm.

Đạt mục tiêu GDP năm 2022: Cần có chiến lược cụ thể - Ảnh 3.

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa. (Ảnh: Thanh Phong)

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua đã có sự chuyển dịch lao động rất lớn. Có một số thành phố, địa phương người lao động đã rời về quê và có thể không quay trở lại. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề việc làm tại chỗ thế nào cần phải đặt ra nếu muốn tạo một sự an sinh ổn định về lâu dài.

Tại các thành phố lớn, tình trạng thiếu hụt lao động đã thể hiện rất rõ. Chúng ta đang đứng trước mối lo về tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng dịch vụ. Theo đó, tôi rất lo việc đứt gãy về mặt giáo dục, đào tạo nghề. Do vậy, chiến lược nghề nghiệp cần có được sự quan tâm mạnh mẽ hơn nữa.

Suy cho cùng trong sự khủng hoảng, khó khăn của kinh tế xã hội, người lao động cần có nghề trong tay. Khi đó, người lao động có thể xoay xở, tự tạo sinh kế cho mình, đỡ gánh nặng cho nhà nước.