Dân Việt

TP.HCM: Đẩy mạnh cấp vốn giá rẻ cho doanh nghiệp

Quốc Hải 22/10/2021 16:29 GMT+7
Cùng với lộ trình đưa TP.HCM trở lại trạng thái 'bình thường mới', các gói giảm lãi suất cho vay vẫn tiếp tục được các ngân hàng (NH) tung ra nhằm tạo lực đẩy giúp các hộ kinh doanh và doanh nghiệp (DN) nhanh chóng trở lại với nhịp hoạt động trước giãn cách…

Ồ ạt "bơm máu" cho DN bằng các gói vay ưu đãi

Mới nhất, từ này đến đến hết ngày 31/12/2021, HDBank tăng gói hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SME) lên 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này được dành cho các khách hàng có nhu cầu vốn lưu động đáp ứng các điều kiện tín dụng chuẩn SME của HDBank với lãi suất giảm sâu, chỉ còn từ 6,2%/năm.

TP.HCM: Đẩy mạnh cấp vốn giá rẻ cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

HDBank đang triển khai nhiều chương trình vay ưu đãi cho DN phục hồi - Ảnh: HDBank

Song song đó, từ nay đến 31/3/2022, HDBank triển khai Chương trình "Chung tay tương trợ - Vững bền đi tới" với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm. Chương trình được HDBank triển khai trên cả nước nhằm mang đến hỗ trợ tài chính kịp thời và tối ưu cho khách hàng.

Đặc biệt, khách hàng HDBank sẽ được hưởng ưu đãi riêng từ gói tín dụng "Doanh nghiệp vay online nhận ngay ưu đãi lãi suất" với lãi suất vay chỉ từ 4,99%. HDBank dành tổng hạn mức của chương trình lên đến 5.000 tỷ đồng nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch online. Thời gian áp dụng đến 31/3/2022 hoặc cho đến khi hết hạn mức.

Được biết, tính từ đầu năm đến 30/9, HDBank đã thực hiện giảm lãi suất và phí dịch vụ cho 12.710 khách hàng với tổng dư nợ đã giảm là 40.744 tỷ đồng.

Sacombank mới đây cũng dành tổng nguồn vốn hơn 5.000 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp vay phục hồi kinh tế với mức lãi suất từ 0,5 - 1,5%/năm.

Trước đó, từ ngày 19/10, Sacombank đã triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 20.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tháo gỡ khó khăn do Covid-19 và tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn được Ngân hàng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.

Từ đầu năm đến nay, OCB đã triển khai 16 chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi giảm từ 2% - 3%, với gần 4.000 khách hàng tham gia. Ngoài các gói ưu đãi triển khai cho nhóm khách hàng vay mới, thì ngân hàng này còn đồng hành cùng các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid trong việc xét giảm lãi/ phí tùy theo tình hình từng khách hàng để có mức hỗ trợ cụ thể.

Riêng nhóm khách hàng DN, trong 9 tháng đầu năm, nhà băng này chú trọng các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất thấp, chỉ từ 6% - 6,5%/ năm, giúp bổ sung nguồn vốn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng dư nợ các gói ưu đãi gần 9.000 tỷ đồng.

Trong đó, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,5%/năm cho kỳ hạn vay đến 3 tháng và 5,5%/năm với thời hạn ưu đãi lên đến 6 tháng. Ngoài ra, nhà băng này cũng ưu đãi cho vay với lãi suất từ 4%/năm dành cho DN xuất khẩu và DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

10.000 tỷ đồng còn lại Sacombank dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, mua/xây sửa bất động sản, mua xe ôtô với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, thời hạn ưu đãi lên đến 12 tháng.

Một loạt nhà băng khác cũng tung các gói vay với lãi suất hấp dẫn dành cho DN, chẳng hạn: ACB tung gói vay 10 ngàn tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi từ 5%/năm để đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và DN trong phục hồi sản xuất kinh doanh.

TP.HCM: Đẩy mạnh cấp vốn giá rẻ cho doanh nghiệp - Ảnh 3.

Các DN có cơ hội tiếp cận nhiều gói vay ưu đãi để phục hồi sau dịch - Ảnh: HDBank

Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi dành cho DN là từ 5%/năm và hộ kinh doanh là từ 6%. Đặc biệt trong 15 ngày đầu tháng 10/2021, hộ kinh doanh giải ngân sẽ được giảm thêm 0,2%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng có sản phẩm "Vay vốn siêu tốc, phát lộc kinh doanh" với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,99%/năm, nhằm hỗ trợ DN, nhất là đối tượng DN nhỏ và vừa (SME) có nguồn lực tài chính phục hồi sản xuất kinh doanh…

MSB cũng cam kết sẽ giảm lãi suất tới 3%/năm đối với khách hàng vay vốn phục vụ kinh doanh và giảm 1%/năm cho khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng dành 12 nghìn tỷ đồng từ nay đến cuối năm để cho vay các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, y tế và xây lắp với mức lãi suất cho vay chỉ từ 5,5%/năm (với VND) và 3%/năm (với USD)

Cần chính sách ưu đãi hơn cho DN

Có thể thấy, thời gian qua khi TP bắt đầu mở cửa trở lại, nhiều ngân hàng đã có tiếng nói chung về việc đồng thuận giảm lãi suất cho vay. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu vốn dự báo tăng cao, việc làm thế nào để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa nguồn vốn ra nền kinh tế đang là vấn đề được quan tâm.

"Trong thời gian tới, tôi đề nghị NHNN Chi nhánh TP.HCM phối hợp Sở Công Thương thành phố, Hiệp hội DN thành phố, các NH thương mại có trụ sở, chi nhánh tại thành phố nghiên cứu, đề xuất NHNN có chính sách giảm lãi suất, nhất là với một số ngành nghề kinh doanh bị thiệt hại nặng bởi dịch Covid-19 như du lịch, vận tải, lưu trú. Đặc biệt, có chính sách ưu đãi hơn đối với các DN trên địa bàn thành phố" - bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh.

TP.HCM: Đẩy mạnh cấp vốn giá rẻ cho doanh nghiệp - Ảnh 4.

Các ngân hàng tham gia ký kết hỗ trợ DN TP.HCM vay vốn phục hồi kinh tế...

Còn theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), thì thẳng thắn, riêng với TP.HCM, ngoài những chính sách hỗ trợ chung cần có chính sách đặc thù riêng giúp DN tránh khỏi tình trạng phá sản và phục hồi nhanh nhất có thể.

Với nhóm DN lớn, theo ông Dũng, phải làm sao hỗ trợ đủ lực để DN bật lên, còn nhóm DN nhỏ và vừa thì phải hỗ trợ để họ có thể tồn tại, sớm phục hồi.

"Trong lúc rất nhiều DN TP đang kiệt quệ tài chính, làm thế nào để DN có thể thuận lợi trong vấn đề tiếp cận, bổ sung vốn để tái khởi động. Song song đó là các chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp để trong bối cảnh chuỗi logistics đứt gãy, chi phí đầu vào tăng cao, khả năng cạnh tranh của DN giảm sút thì làm sao cho chi phí vốn có hiệu quả tốt nhất", ông Dũng nói.

Quý cuối năm, TP tăng cường gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng

Tại hội nghị sơ kết chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết nhu cầu vốn cuối năm tăng cao nhưng sẽ không có tình trạng thiếu vốn. Ngành ngân hàng cam kết bảo đảm đủ vốn để cho vay với lãi suất hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Theo ông Minh, nhằm chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN đang phải đối mặt, TP HCM tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng trong quý 4/2021.