Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Phục hồi kinh tế cần trợ lực của cả chính sách tiền tệ và tài khoá

Quốc Hải - Bạch Dương Thứ bảy, ngày 16/10/2021 11:34 AM (GMT+7)
Để cân đối kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian tới vẫn ở trạng thái hỗ trợ. Đồng thời, gói hỗ trợ kinh tế phải đến nhiều hơn từ chính sách tài khóa…
Bình luận 0

Chia sẻ tại Hội thảo "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025", chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, khẳng định: Để thích ứng an toàn, việc phục hồi kinh tế năm 2022 cần sự trợ lực từ cả hai phía tiền tệ và tài khoá, không thể đặt gánh nặng nghiêng về một phía.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Không thể bơm thêm tiền hay hạ thêm lãi suất... - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Dân Việt

"Cần sự song hành giữa hai chính sách theo hướng hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, thậm chí là kích cầu để có sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2022" - ông Thành nói.

Theo ông Thành, để có thể tăng trưởng trở lại trong quý 4, TP phải mở cửa ngay và phải duy trì sự mở cửa đó chứ không thể quay lại giãn cách trên diện rộng như thời gian qua.

"Nếu cứ mở rồi lại đóng thì không những không có phục hồi kinh tế mà sẽ dẫn đến đổ vỡ kinh tế trong năm 2022" - ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cũng cho biết, điểm đáng mừng là lần đầu tiên, trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu như bối cảnh hiện tại, nền tảng vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định. Dữ liệu cho thấy, tính chung lạm phát chung chưa đến 2%, tăng trưởng tín dụng 9 tháng ở mức 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức kế hoạch mà NHNN đặt ra, cán cân thương mại quốc tế vẫn thặng dư, dòng vốn nước ngoài vẫn chảy vào Việt Nam, tỷ giá ổn định và dưới sức ép từ Mỹ, VND còn có thể lên giá với USD.

Cùng với đó, những dư địa về chính sách để hỗ trợ nền kinh tế vẫn còn khi dự trữ ngoại hối đạt trên 100 tỷ USD và chưa dùng đồng nào để hỗ trợ kinh tế. 

Đồng thời, tỷ lệ nợ công vẫn ở mức thấp, nợ công/GDP ở mức 55,3% trong khi trần nợ công là 65%, cho thấy dư địa từ phía tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế vẫn còn.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Không thể bơm thêm tiền hay hạ thêm lãi suất... - Ảnh 3.

Triển vọng tăng trưởng quý 4 và cả năm 2021. Nguồn: Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành

Hiện, các tổ chức đa phương và các ngân hàng quốc tế đều đã và đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 (3,5-4,8%), nhưng vẫn là quá lạc quan, chưa tính đến đợt giảm sâu vào quý 3. Theo ông Thành, với việc TP.HCM đã mở cửa dần dần từ đầu tháng 10 theo Chỉ thị 18 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, kinh tế quý 4 sẽ có tăng trưởng dương.

"Tuy nhiên, việc khôi phục sản xuất - kinh doanh sẽ không thể thực hiện ngay trong tháng 10. Phục hồi kinh tế chỉ bắt đầu từ tháng 11. Nếu tăng trưởng quý 4 là 3,5% thì tăng trưởng cả năm sẽ là 2,2%" - ông Thành nói.

Đặc biệt, chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Fulbright Việt Nam cũng lưu ý rằng việc đạt được ngưỡng tăng trưởng 3,5% trong quý 4 cũng là một thách thức và tăng trưởng cả năm trên 3% là rất khó. Và nếu việc mở cửa mà còn ngập ngừng thì tăng trưởng quý 4 sẽ thấp hơn 2%, kéo theo GDP cả năm sẽ chỉ tăng khoảng 1%. Nếu không mở cửa được thì quý 4 không có tăng trưởng, cả năm sẽ tăng trưởng âm.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Không thể bơm thêm tiền hay hạ thêm lãi suất... - Ảnh 4.

Triển vọng tăng trưởng năm 2022. Nguồn: Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành

Việc mở cửa trở lại cần đi kèm với các điều kiện nới lỏng để các doanh nghiệp có thể tái hoạt động mà không cần các yêu cầu như 3T, việc kiểm soát dịch và quản lý rủi ro bằng cách tuân thủ và giám sát thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải xin cấp phép.

Đồng thời, các hoạt động vận tải, logistics cần được nối lại, thông thoáng và linh hoạt. Người điều khiển xe và lao động logistics tiêm đủ liều vaccine hoặc có kết quả âm tính trong 72h là tiêu chí an toàn thay cho cấp phép QR luồng xanh…

 Đặc biệt, trong bối cảnh cảng biển thế giới bị ách tắc, nếu vùng Đông Nam Bộ giải quyết được vấn đề lao động vận tải logistics, xóa bỏ rào cản cho lưu thông hàng hóa thì sẽ tạo lại cơ hội thu hút đơn hàng hóa sản xuất phục vụ xuất khẩu cho năm 2022.

"Các gói hỗ trợ có triển khai lúc này cũng là quá muộn để có tác dụng trong năm 2021. Chính sách duy nhất mà có thể có tác dụng là mở cửa. Điều quan trọng là duy trì được ổn định vĩ mô và mở cửa an toàn, bền vững; còn doanh nghiệp và người dân phải tự xoay xở trong kịch bản này. 

Đồng thời, nếu vận dụng các chính sách mở cửa cộng với gói hỗ trợ từ phía chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa được vận dụng linh hoạt thì kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng ở mức 7,5%" - ông Thành đúc kết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem