Nhiều nông dân tỉnh Thái Bình lấy chăn nuôi bò, nhất là nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo, nuôi bò 3B làm mô hình phát triển kinh tế, bác Vũ Văn Sai lại lấy mô hình nuôi dê làm giàu.
Năm 2016, thông qua sự giới thiệu của người quen bác Vũ Văn Sai, thôn Tô Xuyên, xã An Mỹ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) biết đến mô hình nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh.
Lúc đầu không có vốn nên bác chỉ đầu tư nuôi vài đôi dê sinh sản. Do chưa có kinh nghiệm nên có lứa dê sinh sản thành công nhưng cũng có lứa dê bị bệnh nên thất bại. Những lúc như thế bác đã không nản chí, trùng hợp thời gian đó bác đã được tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi do Trung tâm Khuyến nông tổ chức.
Được sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông bác đã tìm ra nguyên nhân, cách phòng, chống bệnh cho đàn dê.
Cho đến nay đàn dê của gia đình bác Vũ Văn Sai đã phát triển lên hơn 60 con, trong đó có 25 con dê sinh sản, mỗi năm đẻ được hơn 70 dê con. Dê con sau 1 năm có trọng lượng 25 - 30kg sẽ được xuất chuồng.
Như vậy, mỗi năm gia đình bác Sai xuất bán vài chục con dê thịt, với giá hiện nay là 200.000 đồng/kg thịt dê hơi cho thương lái đến tận nhà thu mua, trừ hết chi phí và tính công lao động, gia đình bác thu về 70 - 80 triệu đồng tiền lãi.
Khi được hỏi về kinh nghiệm nuôi dê, bác Sai cho biết: Nuôi dê không khó như nuôi các con vật khác, đòi hỏi người nuôi cần cù, chịu khó, sát sao với công việc.
Về kỹ thuật làm chuồng trại, rất đơn giản, đảm bảo chuồng thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa. Việc phối giống rất quan trọng, do đó người nuôi chú ý 1 năm đổi dê đực 1 lần để tránh cận huyết.
Nhằm tạo điều kiện cho đàn dê phát triển khỏe mạnh, săn chắc, chất lượng thịt ngon cần có không gian chăn thả, nguồn thức ăn phong phú.
Dê là loài có sức đề kháng khá tốt, tuy vậy cũng hay mắc một số bệnh như viêm phổi, đầy bụng,... nhưng nếu làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, nắm chắc và thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh thì người nuôi sẽ thành công.
Theo bác Sai, việc nuôi dê không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, lại là con nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên. Người nông dân chỉ cần chịu khó, cộng thêm ít kinh nghiệm là có thể chăm sóc tốt đàn dê của mình. Vì vậy, không chỉ giúp ổn định kinh tế cho gia đình mình bác Sai còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân trong xã nếu ai có nhu cầu nuôi dê.
Sự cần cù, chịu khó, tâm huyết với nghề, với ý chí dám nghĩ, dám làm, đến nay mô hình nuôi dê của bác Sai là một trong những mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, tạo ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi.