Dân Việt

Hành trình kỳ lạ của chuyến tàu mang tên Thống Nhất

Hoàng Ba Đình 23/10/2021 08:31 GMT+7
Việt kiều ở Đức, nhất là với những người gốc Sài Gòn hoặc Hải Phòng, thỉnh thoảng họ vẫn đi tàu này để tìm lại ký ức thời xưa. Đối với họ, gặp lại con tàu này chẳng khác nào gặp lại người quen, cứ như "tha hương ngộ cố nhân" vậy.

Sài Gòn đã bắt đầu ổn định, các tuyến đường thủy đã khởi động lại. Tuyến buýt đường sông cũng đã cho khởi hành. Những chuyến tàu đường sông, đường biển xa hơn cũng rục rịch lên lịch: Sài Gòn – Vũng Tàu, Sài Gòn – Côn Đảo.

Hành trình kỳ lạ của chuyến tàu mang tên Thống Nhất - Ảnh 1.

Hoàng tử Harald trên hải trình Oslo – Kiel. Ảnh: Wikipedia

Trong ký ức, đã có một chuyến tàu vận tải hành khách chạy cố định Sài Gòn – Hải Phòng từng tung hoành ngang dọc biển Đông.

Nhiều người hiện nay sẽ thắc mắc, bảo tàu Thống Nhất là tàu hỏa cơ mà, chứ tàu thủy có hồi nào? Có, chạy cố định hàng tháng với 6 lượt đi về. Hồi sau 1975, cả nước hồ hởi, tên "Thống Nhất" được đặt rất phổ biến, như ngày nay vẫn còn hãng xe đạp Thống Nhất, sân vận động Thống Nhất ở Sài Gòn. Con tàu này cũng vậy, mang tên Thống Nhất và hành trình cũng mang tên Thống Nhất.

Theo các tài liệu cho thấy, con tàu này được đóng tại Đức mang tên Kronprins Harald (Hoàng tử Harald). Đây là con tàu song sinh với một con tàu khác mang tên Princesse Raghild (Công chúa Ragnhild). Đôi tàu du lịch hiện đại bậc nhất vào thời điểm ấy chuyên chở hành khách theo tuyến Oslo (Na Uy) - Kiel (Đức) với sức chứa 580 người.

Hành trình kỳ lạ của chuyến tàu mang tên Thống Nhất - Ảnh 2.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, có một dấu ấn kỷ niệm không thể quên trong lịch sử ngành vận tải biển Việt Nam về con tàu mang tên “Thống Nhất”. Ảnh: Congnghieptauthuyvn

Năm 1975, đất nước thống nhất, nhu cầu đi lại giữa hai miền rất lớn, mà đường sắt lẫn đường bộ bị hư hỏng nghiêm trọng vì chiến tranh, nên nhà nước đã nhập con tàu Hoàng tử Harald kia về. Mới đầu, định lấy tên Hạ Long, nhưng sau đổi lại tên Thống Nhất như vừa kể. 

Hành trình mỗi chuyến khoảng 3 ngày 3 đêm, với sức chứa tầm 1 nghìn người cùng lỉnh kỉnh đủ thứ hàng hóa. Thủy thủ đoàn đa số người Hải Phòng, bởi dân phía Nam thông thạo hàng hải phần lớn đã vọt ra hải ngoại mất rồi.

Sau khi hành khách đã lên trên tàu, thủy thủ làm thủ tục cắt cầu, toàn bộ thủy thủ đoàn đứng nghiêm chỉnh trên boong với trang phục hàng hải chỉnh tề, mũ yếm phất phơ... cùng chào đón thuyền trưởng lên tàu. Sau nghi thức đó, tàu mới kéo một hồi còi dài, xem như hành trình mới chính thức bắt đầu. Bảo "chính thức bắt đầu", nhưng phải tùy con nước. Có khi không thuận nước, phải mấy tiếng sau mới di chuyển ra biển.

Với hành khách đi tàu có 3 hạng vé. Vé hạng nhất, mỗi phòng 2 giường cho 2 người, mỗi giường đều có quạt máy. Vé hạng nhì, cũng mỗi người một giường nhưng nằm kiểu giường tầng, xếp như xếp cá hộp. Vé hạng ba không có giường, chỉ miễn sao lên được tàu là được.

Hành trình kỳ lạ của chuyến tàu mang tên Thống Nhất - Ảnh 3.

Thanh niên Hải Phòng thường nhảy tàu Thống Nhất vào Sài Gòn chơi. Ảnh: TL

Bến phía Bắc ở Hải Phòng, bến phía Nam ở Sài Gòn (quận 4). Dân Hải Phòng với dân quận 4 kết hợp "làm ăn" phải nói rằng "như hổ thêm cánh". Ngoài vận chuyển hành khách và hàng hóa thông thường, dân buôn lậu Bắc Nam cũng rất chuộng tuyến đường này. Bảo kê lo lót, tẩu tán tiêu thụ, đã có giới anh chị Hải Phòng, quận 4 làm dùm. Không có gì phải ngại, nghề của họ mà. Mỗi khi tàu xuống bến, thuế vụ và quản lý thị trường canh me sẵn để hốt hàng lậu. Vừa đụng mặt là cả 2 cùng chạy: mấy ông buôn lậu ôm hàng mà chạy, mấy ông cơ quan chức năng tuýt còi đuổi theo sau. Đúng là cuộc đua sinh tử.

Giờ nhớ lại, hàng lậu thời đấy cũng đâu phải cái gì đáng giá lắm đâu: mấy cái ca nhựa, mấy cái đầu máy, mấy cái ti vi trắng đen, mấy bộ phim tàu, phim Mỹ...

Hành trình dài ngày, hai bên nhìn qua nhìn lại vẫn chỉ có biển với biển. Nên hành khách trên tàu chủ yếu chỉ có mỗi việc đánh bài. Món bài Tiến lên hiện nay miền Nam đang chơi, đấy xuất phát từ môn Tiến lên đồng màu đồng chất từ ngoài Bắc theo những chuyến tàu này truyền vào. 

Đánh bài không lẽ đánh ăn chơi? Phải ăn tiền chứ. Thậm chí có ông thua quá, còn vờ làm rớt khẩu súng lục để dọa người cùng chơi. Mấy ông kia coi hầm hố nhưng thấy vậy lại rét, không dám làm gì. Theo tiết lộ, thì cây súng ông làm rớt, chẳng qua là cái hộp quẹt trong mớ hàng ông đang buôn lậu mà thôi.

Ngoài đánh bài, ăn nhậu cũng rất phổ biến. Rượu sẵn có, nhưng mồi đâu? Mấy tay sành đi tàu thường mua sẵn vài chục trứng lạt hoặc trứng lộn. Nhưng nồi niêu đâu mà nấu? Thường cho vào cái ca nhựa có sẵn, đổ ít nước cắm điện vào dây "mai so", luộc lên thành món mồi nhậu truyền thống của dân đi tàu. Ông nào đi thường có khi cả tháng ăn hết cả vài chục đến cả trăm quả trứng cũng không chừng.

Nhưng trong những chuyến hải trình này, đáng sợ nhất là chuyện say sóng. Dân chuyên nghiệp không nói, chứ những người mới đi phải nói rằng say chết luôn chết xuống. Anh Minh Đức (Gò Vấp), một hành khách từng đi trên chuyến tàu này kể lại: "Trên tàu hầu như không ăn được gì vì cứ ăn gì lại nôn ra cái đó. Say tàu biển nặng hơn say xe gấp trăm nghìn lần. Đi tàu mất có ba ngày nhưng về nhà phải nằm mất 1 tuần, người lúc nào cũng cứ lắc lư, lâng lâng sóng nước".

Nhưng kỳ lạ một điều, người lớn rất dễ say, nhưng trẻ nít hầu như rất ít bị ảnh hưởng, theo như khoa học giải thích rằng, do tiền đình của trẻ con chưa phát triển đầy đủ nên ít chịu ảnh hưởng từ những dao động do sóng biển gây ra.

Hành trình kỳ lạ của chuyến tàu mang tên Thống Nhất - Ảnh 5.

Bến Nhà Rồng với con tàu, từng là điểm lưu giữ kỷ niệm của nhiều du khách mỗi khi đến Sài Gòn. Ảnh: TL

Ngoài chuyện buôn lậu, say sóng, đánh bài, cũng chính con tàu này cũng chở theo rất nhiều kỷ niệm. Từng có những cặp yêu nhau trên tàu, cầu hôn trên tàu, những đứa bé sinh ra trên tàu được đặt tên luôn là Thống Nhất. Có đứa bé, nhà ngoại ở Hải Phòng, chưa đầy 5 tuổi đã được trải nghiệm đủ những phương tiện máy bay, xe lửa, tàu thủy đi Bắc về Nam..., đây từng là điều nó vô cùng tự hào lúc nhỏ. Chị kia nhà ở Hải Phòng, theo chồng vào Sài Gòn, gia đình tiễn ra tàu, cả nhà khóc như ri, cứ tưởng như đi chuyến này không bao giờ trở lại.

Và quan trọng nhất, con tàu này, đã thực thi chủ quyền thiêng liêng của nước ta tại biển Đông suốt 15 năm. Đến năm 1991, sau khi đường sắt, đường bộ đã tạm ổn, chuyến tàu này chính thức dừng khai thác. Nay cũng đã 30 năm từ lúc dừng tàu Thống Nhất, những người đã được đi tàu này phần lớn đều đã có tuổi, nhắc nhớ lại như một biểu tượng một thời của ngành hàng hải Sài Gòn.

Nhưng hành trình của con tàu vẫn chưa kết thúc. Sau nhiều lần sang tên đổi chủ, chu du khắp các châu lục với đủ tuyến đường cùng tên gọi khác nhau, "Hoàng tử Harald" đã lấy lại tên cũ và trở lại hải trình ban đầu Oslo (Na Uy) - Kiel (Đức). Tại đây, "Hoàng tử Harald" đã gặp lại "Công chúa Ragnhild" sau 40 năm xa cách.

Việt kiều ở Đức, nhất là với những người gốc Sài Gòn hoặc Hải Phòng, thỉnh thoảng họ vẫn đi tàu này để tìm lại ký ức thời xưa. Đối với họ, gặp lại con tàu này chẳng khác nào gặp lại người quen, cứ như "tha hương ngộ cố nhân" vậy.