Dân Việt

"Bài học xương máu" mà Facebook phải cân nhắc khi muốn đổi tên

Huỳnh Dũng 24/10/2021 09:37 GMT+7
Facebook từ lâu đã cố gắng thay đổi để đánh lạc hướng thế giới khỏi các vấn đề nổi cộm của mình. Giờ đây, công ty có thể đang đưa chiến lược đó lên một tầm cao mới, bằng cách thay đổi tên thương hiệu.

Facebook đổi tên vì muốn đẩy mạnh phát triển vũ trụ ảo (metaverse)

Việc đổi tên dự kiến sẽ được CEO Mark Zuckerberg đề cập tại Hội nghị thường niên Connect của công ty vào ngày 28/10 tới đây, thể hiện bước đi đầy tham vọng mở rộng phạm vi kinh doanh ngoài mạng xã hội để lấn sân sang vũ trụ ảo (metaverse) - nơi hội tụ của thế giới vật lý, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR).

Theo trang The Verge, một sự thay đổi tên có thể được công bố vào tuần tới, sẽ phản ánh sự phát triển của công ty từ một công ty truyền thông xã hội thành công ty mà Zuckerberg thiên về công nghệ metaverse, trong đó trải nghiệm trong thế giới thực và ảo được kết hợp. Facebook dưới cái tên mới sẽ trở thành một tập hợp các nền tảng bao gồm Facebook, Instagram, WhatsApp và kính thực tế ảo Oculus.

Sự thay đổi tên cho thấy rằng Zuckerberg sẽ định hướng lại toàn bộ thương hiệu Facebook. Ảnh: @AFP.

Sự thay đổi tên cho thấy rằng, Zuckerberg sẽ định hướng lại toàn bộ thương hiệu Facebook. Ảnh: @AFP.

Được biết, Facebook hiện có hơn 10.000 nhân viên tham gia phát triển phần cứng như kính thực tế ảo AR - sản phẩm mà Zuckerberg tin rằng sẽ phổ biến như smartphone ngày nay. Hồi tháng 7/2021, Mark Zuckerberg cho biết trong vài năm tới: "Chúng tôi sẽ chuyển đổi một cách hiệu quả từ việc chủ yếu được coi là một công ty truyền thông xã hội sang một công ty metaverse".

"Metaverse sẽ là một trọng tâm lớn, và tôi nghĩ rằng công nghệ này sẽ trở thành một phần quan trọng của chương tiếp theo sau cách tiến hóa Internet di động; Và tôi nghĩ đây cũng sẽ là chương lớn tiếp theo cho công ty chúng tôi, và chúng tôi thực sự sẽ có mức tăng trưởng gấp đôi trong lĩnh vực này", Zuckerberg nói.

Hiện tại, cái tên mới mà Facebook chọn để thay thế vẫn chưa được tiết lộ, cả các lãnh đạo cấp cao tại công ty cũng không nắm được. Tuy nhiên, tờ The Verge báo cáo rằng tên mới của công ty mẹ có thể được liên kết với Horizon, một từ được sử dụng trong ít nhất hai sản phẩm thực tế ảo mà công ty đang phát triển bao gồm một nền tảng thực tế ảo xã hội có tên là Horizon Worlds, cũng như dịch vụ họp thực tế ảo có tên Horizon Workroom.

Hay đổi tên chỉ để xóa mờ các vụ scandal công nghệ gây chấn động

Thành thật mà nói, việc chuyển đổi thương hiệu cũng giúp tách biệt tham vọng vũ trụ ảo Facebook đang theo đuổi khỏi sự giám sát gắt gao đối với các nền tảng xã hội. Bởi gần đây hàng loạt tài liệu nội bộ rò rỉ cho thấy, Facebook tỏ ra lỏng lẻo trong việc kiểm soát thông tin sai lệch, khiến niềm tin của công chúng vào cách thức hoạt động của mạng xã hội này ngày càng suy giảm.

Việc thay đổi tên được đề xuất của Facebook cũng diễn ra vào thời điểm công ty này đang phải đối mặt với một chuỗi các giám sát khác về một loạt các vụ bê bối liên quan, bao gồm một loạt tài liệu bị rò rỉ bởi một người tố cáo trước Quốc hội, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, cũng như các phương tiện truyền thông Mỹ. Có nhận định cho rằng, nước đi này của Facebook có thể mang lại lợi ích to lớn cho danh tiếng của tổ chức có trụ sở tại California, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những năm gần đây.

Công ty đã bị cáo buộc hỗ trợ lan truyền thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, dẫn đến một loạt các phiên điều trần quốc hội và thay đổi chính sách, bao gồm cả việc giới thiệu người kiểm tra thực tế của bên thứ ba và minh bạch hơn nữa trong quảng cáo chính trị.

Năm 2019, Ủy ban Thương mại Liên bang đã phạt Facebook 5 tỷ đô la vì cho phép công ty Cambridge Analytic của Anh thu thập 87 triệu hồ sơ ở Mỹ cho thông tin quảng cáo chính trị. 

Thậm chí, Frances Haugen, một cựu nhân viên của Facebook gần đây đã phát hành tài liệu được mệnh danh là 'Hồ sơ Facebook' cho Wall Street Journal. Những hồ sơ này tiết lộ rằng Facebook đã đề cao lợi ích của mình hơn là sự an toàn của người dùng, để lại những hậu quả chia rẻ xã hội nhất định. Tuy nhiên, thay vì công bố những lời giải thích, biện minh nghiêm túc để đáp lại những tiết lộ của người tố giác, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cũng đã không đưa ra lời xin lỗi nào. Thay vào đó, anh ấy và công ty của mình đã bác bỏ các khiếu nại và bằng chứng của người tố cáo, đồng thời đang tiếp tục với một kế hoạch lâu dài để chuyển đổi kinh doanh, khiến mọi thứ đang đi vào bỏ ngõ. Chung quy lại, bằng cách thay đổi tên công ty của mình, Facebook có ý định tách mình khỏi mớ hỗn độn scandal ngày càng chồng chất.

Một số nhà phê bình Facebook đã lập luận rằng, một cái tên mới sặc sỡ đóng vai trò như một phương tiện truyền thông thuận tiện để đánh lạc hướng các vấn đề sâu sắc hơn. Nước đi này có thể so sánh với chiến lược của gã khổng lồ thuốc lá Philip Morris đổi tên thành Altria vào năm 2001 hoặc British Petroleum thành BP Amoco vào cuối năm 90 và sau đó là BP vào năm 2001.

Kế hoạch đổi tên của Facebook phản ánh những ưu tiên thực sự. Ảnh: @AF.

Kế hoạch đổi tên của Facebook phản ánh những ưu tiên thực sự. Ảnh: @AF.

Roger McNamee, một nhà đầu tư ban đầu của Facebook, người đã trở thành một trong những nhà phê bình gay gắt nhất của công ty này nói với trang Recode: "Đối mặt với "cơn sóng thần" bằng chứng về hành vi vô trách nhiệm và vi phạm hình sự có thể xảy ra, Facebook đang tuyệt vọng và muốn tìm cách đổi tên để giải vây. Các nhà báo và các nhà hoạch định chính sách, nhà lập pháp, quốc gia cần phải tập trung vào hiện trường vụ án, chứ không phải là việc vẫy tay chào một cái tên mới".

Thay đổi tên Facebook có thể là một ý tưởng tuyệt vời - hoặc là một ý tưởng tồi tệ. Chỉ cần nhìn vào Google là sẽ thấy

Việc đổi tên sẽ biến mạng xã hội Facebook chỉ nằm trong các sản phẩm của công ty mẹ - công ty cũng sẽ chịu trách nhiệm quản lý một loạt ứng dụng khác như Instagram, WhatsApp. Động thái đổi thương hiệu của Facebook nếu được tiến hành không phải là chưa có tiền lệ. Bởi nước đi này tương tự như việc vào năm 2015, Google cơ cấu lại hoàn toàn dưới một công ty mẹ mang tên Alphabet, khẳng định rằng đây không chỉ là một công cụ tìm kiếm trên Internet mà còn là một tập đoàn khổng lồ với các mục tiêu như sản xuất ôtô tự hành, công nghệ y tế. Nhưng vào thời điểm đó, Google cũng đang chịu sự giám sát gắt gao từ các cơ quan quản lý của chính phủ, bao gồm cả các cuộc điều tra về chống độc quyền do lo ngại rằng hoạt động kinh doanh của công ty này đã kìm hãm sự cạnh tranh.

Thế rồi, việc đổi tên thương hiệu hầu như không làm thay đổi được dư luận: Công ty vẫn thường được gọi là Google và Alphabet vẫn phải đối mặt với sự giám sát chống độc quyền cho đến tận ngày hôm nay. Nhưng từ quan điểm tài chính, thật khó để gọi chiến lược này là thất bại. Giá cổ phiếu của Alphabet đã tăng gần gấp 5 lần kể từ khi thay đổi tên và công ty hiện tự hào có giá trị thị trường là 1,9 nghìn tỷ USD.

Chung quy lại, vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết, bao gồm cả tên công ty mới chính xác của Facebook và động cơ thực sự cho kế hoạch này là gì?