Do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong 2 tháng qua chịu nhiều tác động.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9/2021 đạt 701 triệu USD, giảm 39,5% so với tháng 9/2020. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 422 triệu USD, giảm 54,8% so với tháng 9/2020.
Tuy nhiên, do xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ có sự tăng trưởng mạnh mẽ ngay từ đầu năm nên 9 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt 11,11 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đánh giá của của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, sau 3 tháng trải qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp ngành gỗ đang khôi phục lại chuỗi cung ứng và lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021 nhờ việc Chính phủ mở cửa cho hoạt động sản xuất đúng vào thời điểm thị trường đồ nội thất đang rất sôi động.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 đã khiến các trung tâm chế biến gỗ lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Định chỉ duy trì sản xuất dưới mức 50% so với trước thời điểm giãn cách, gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm hụt đơn hàng, cắt giảm lao động, thu hẹp hoặc đóng cửa nhà máy, tăng giá cước vận tải…
Tuy nhiên, những biến chuyển trong kế hoạch phòng chống đại dịch của Chính phủ, từ nỗ lực đạt “zero Covid-19” đến chấp nhận “sống chung với Covid-19” đã “gỡ rối” cho hơn 4.500 doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt Nam quay lại sản xuất.
"Cuối năm 2021 – đầu năm 2022, làn sóng chuyển đổi cơ cấu tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm các mặt hàng có giá trị gia tăng, giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu gỗ có giá trị thấp dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ" - ông Lập nhận định.
Đáng chú ý, động lực tăng trưởng tiếp theo của ngành sẽ đến từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 08/2020 cũng giúp các nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam gia tăng thị phần của mình tại các quốc gia thuộc khối châu Âu.
Cùng với đó, lộ trình các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như: Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tạo điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ đạt cao nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh, đạt 6,7 tỷ USD, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, xuất khẩu gỗ sang Mỹ sẽ thuận lợi lơn khi thoả thuận về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp giữa Việt Nam và Mỹ đã được ký kết.
Theo đó, vụ Điều tra 301 chính thức khép lại, không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT), thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp sẽ góp phần nâng cao uy tín, chất lượng và các sản phẩm gỗ của Việt Nam tại thị trường Mỹ, đồng thời mở rộng cơ hội xuất khẩu sang thị trường này bởi nhu cầu đồ gỗ của thị trường Mỹ được dự báo sẽ bùng nổ.
Theo thống kê của Uỷ ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ đạt 16,85 tỷ USD, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Mỹ nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ nhiều nhất từ thị trường Việt Nam trong 9 tháng năm 2021, đạt 6,7 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 40,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ, tăng 4,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ Mỹ nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2021 đều có trị giá tăng mạnh. Dẫn đầu là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 6,2 tỷ USD, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam và Trung Quốc là 2 thị trường cung cấp chính mặt hàng này cho Mỹ, với trị giá chiếm 73,8% tổng trị giá nhập khẩu ghế khung gỗ của Mỹ.
Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 5,4 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020.
Triển vọng xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang Mỹ rất khả quan, theo đại diện Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), các nhà bán lẻ Mỹ chịu tác động tiêu cực khi Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội kéo dài.
Tuy nhiên, sức mua của thị trường Mỹ với các sản phẩm gỗ Việt Nam, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 – 2023.