Trong báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày trước Quốc hội chiều 23/10, có nhiều nội dung rất đáng chú ý.
Theo đó, năm 2021, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực với nguyên tắc: "Có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó…".
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra, làm rõ và xử lý kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm pháp luật về PCTN, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Nhà nước; đồng thời chuyển các vụ việc sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý. Báo cáo dẫn chứng một số vụ việc"Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" được phát hiện qua kiểm tra tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương; sai phạm về đất đai tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa....
Các cơ quan chức năng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; khởi tố mới nhiều vụ án; mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang… Báo cáo dẫn chứng vụ Trần Văn Nam – cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; vụ Nguyễn Duy Linh, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo- Bộ Công an bị khởi tố về tội Nhận hối lộ (nay vụ án này sắp được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm)…
Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục phát huy vai trò trong công tác PCTN. Việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng tại nhiều địa phương có chuyển biến tốt hơn. Công tác xét xử tội phạm tham nhũng cơ bản kịp thời, việc xét xử bảo đảm nghiêm minh… Những kết quả về phát hiện, xử lý tham nhũng nêu trên đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Báo cáo dẫn chứng, việc Cục an ninh điều tra- Bộ Công an (A09) tạm đình chỉ 1 vụ/4 bị can, TP.HCM tạm đình chỉ 1 vụ/1 bị can, Thái Nguyên tạm đình chỉ 1 vụ/01 bị can, Lâm Đồng tạm đình chỉ 1 vụ/1 bị can… do bị can bỏ trốn.Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định khởi tố 1 vụ/1 bị can.
Tiềm ẩn nguy cơ "lợi ích nhóm", "sân sau"
Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp. Theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả công tác thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng: Tổng số việc phải thi hành 4.799 việc; số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc. Tổng số tiền phải thi hành trên 72 nghìn tỷ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34 nghìn tỷ đồng; đã thu được trên 4 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá về tình hình tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ "lợi ích nhóm", "sân sau", tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục. Điển hình như các vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Mắt TP.HCM và tại Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Sơn La, Đắk Lắk, Cần Thơ; vụ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa;…
Đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN vẫn còn. Báo cáo dẫn chứng vụ Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ"; vụ Trần Hùng, Tổ trưởng Tổ công tác 1444 của Tổng cục Quản lý thị trường bị khởi tố về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; vụ Nguyễn Xuân Đức, Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ". Vụ Nguyễn Văn Tuấn, Thẩm phán Tòa án thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ"….